Sợi dây kết nối Bắc Đại Việt với thế giới hải thương quốc tế

Hệ thống cảng thị Thăng Long - Phố Hiến - Domea chính là một sợi dây kết nối Bắc Đại Việt đối với thế giới hải thương quốc tế.

Khai thác một vấn đề còn nhiều “khoảng trống chưa được lấp đầy” trong nghiên cứu, cuốn sách chuyên khảo Hệ thống cảng thị trên Sông Đàng Ngoài: Lịch sử Ngoại thương Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII của Đỗ Thị Thùy Lan (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội) không chỉ tổng kết 15 năm tích lũy nghiên cứu của tác giả, mà còn lý giải được nhiều vấn đề về thương mại ở khu vực châu thổ sông Hồng thời cận đại.

Tác giả sách Đỗ Thị Thùy Lan là Tiến sĩ, giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Chuyên môn của chị là giảng dạy và nghiên cứu lịch sử Việt Nam cổ trung đại, đô thị cổ Việt Nam, kinh tế công thương nghiệp Việt Nam thời tiền cận đại.

Cảnh họp chợ trên sông trong khu vực kinh thành Thăng Long. Tranh phục dựng của họa sĩ Nguyễn Thành Phong.

Cảnh họp chợ trên sông trong khu vực kinh thành Thăng Long. Tranh phục dựng của họa sĩ Nguyễn Thành Phong.

Trong cuốn Hệ thống cảng thị trên Sông Đàng Ngoài: Lịch sử Ngoại thương Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII, tác giả Đỗ Thị Thùy Lan đã tập trung khai thác khá kỹ nguồn tư liệu của công ty Đông Ấn Anh, phê phán sử liệu và đặt các nguồn tư liệu phương Tây trong so sánh với các nguồn tư liệu khác như thư tịch cổ Việt Nam, tư liệu khảo cổ học, bản đồ học, nhất là tư liệu điều tra điền dã thực địa. Nội dung cuốn sách, do đó cũng thảo luận về những vấn đề rộng hơn của ngoại thương Đàng Ngoài với một khung thời gian dài từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18.

Cuốn sách cũng chứng minh Đàng Ngoài của Việt Nam không còn bị coi là góc khuất của thương mại châu Á giai đoạn sơ kỳ cận đại và cho biết hệ thống cảng thị Thăng Long - Phố Hiến - Domea (một bến cảng cửa khẩu ở vùng cửa sông Đàng Ngoài thế kỷ 17-18, có nhiều tàu thuyền ngoại quốc, nhất là tàu thuyền của người Hà Lan và người Anh ra vào dọc) sông Đàng Ngoài mà Đỗ Thị Thùy Lan khắc họa đây chính là một sợi dây kết nối Bắc Đại Việt đối với thế giới hải thương quốc tế.

Hệ thống cảng thị trên Sông Đàng Ngoài: Lịch sử Ngoại thương Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII của tác giả Đỗ Thị Thùy Lan.

Không dừng lại ở đó, Đỗ Thị Thùy Lan còn mạnh dạn áp dụng cách tiếp cận địa - lịch sử/văn hóa để bước đầu mô hình hóa hệ thống cảng thị Đàng Ngoài so sánh với lý thuyết nghiên cứu mạng lưới trao đổi ven sông Đông Nam Á…

Tác giả cũng thể hiện sự làm việc nghiêm túc, cẩn trọng, những nhận định, luận cứ được xem xét, đối sánh kỹ càng, quan điểm, kết quả nghiên cứu đi trước được trích dẫn triệt để. Nhờ vào kết quả đó, tác giả đã kế thừa được hữu hiệu một Thăng Long - Kẻ Chợ của Nguyễn Thừa Hỷ, tư liệu Hà Lan của Hoàng Anh Tuấn, hay những nghiên cứu mới về thương mại Biển Đông của Nguyễn Văn Kim… Thăng Long trong cuốn sách được gắn kết với sông Đàng Ngoài, trong sự phát triển lệch đông của kinh kỳ và sự nở rộ của các bến cảng đông nam và được nhìn nhận với tư cách là một cảng thị trong mối liên hệ rộng lớn hơn với các vùng nội địa sản xuất, cung ứng hàng hóa, cũng như các thương cảng khu vực và thế giới ngoài viễn dương. Tương tự, sự dịch chuyển của các cửa ngõ thông thương đối ngoại từ Vân Đồn về Thăng Long qua sông Đàng Ngoài, xét trên phương diện thương phẩm quốc tế, không chỉ là sức hút tơ lụa mà còn cả gốm sứ, là sự nổi lên của Kim Lan - Bát Tràng và sự tập trung của gốm Hợp Lễ tại các di chỉ khảo cổ Thăng Long. Những luận giải mới về lịch sử, vai trò, chức năng của phố Hiến cũng dựa trên sự làm việc nghiêm túc cẩn trọng của tác giả.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/soi-day-ket-noi-bac-dai-viet-voi-the-gioi-hai-thuong-quoc-te-post1028764.html