Sôi động lễ hội đu Gia Viên

Theo các vị bô lão, đây là một trong những nét văn hóa đặc sắc của vùng quê ven sông Bồ được người dân bảo tồn, gìn giữ trong suốt hơn 150 năm qua.

Một VĐV đang thực hiện phần thi của mình.

Như thường lệ, hằng năm cứ đến ngày mồng 4 Tết Âm Lịch (năm nay nhằm ngày 28/1), bất chấp trời mưa gió, hàng nghìn người dân và du khách gần xa đã đổ về làng Gia Viên xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế để thưởng thức và tham gia vui chơi lễ hội đu truyền thống.

Phát biểu khai lễ hội đu năm Canh Tý, ông Trương Thế Tụy - Trưởng thôn Gia Viên, Phó Ban tổ chức lễ hội đu cho biết: “Đây là lễ hội truyền thống của làng, từ xa xưa cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về làng Gia Viên lại tổ chức hội đu để mọi người trong làng vui chơi ngày xuân một cách thiết thực, bổ ích và lành mạnh”.

Theo các vị bô lão trong làng, đây là một trong những nét văn hóa đặc sắc của vùng quê ven sông Bồ được người dân bảo tồn, gìn giữ trong suốt hơn 150 năm qua và đây cũng là trò chơi phổ biến trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Ông Trương Minh, bô lão làng Gia Viên cho biết: “Đây là dịp để mọi người tụ hội, gặp gỡ chúc phúc, cùng nhau vui vẻ đồng thời biểu thị tính cộng đồng và ước vọng cầu mong mưa thuận gió hòa, nhân dân an lành hạnh phúc, bên cạnh đó là dịp để các thanh niên trai tráng trong làng và các địa phương lân cận thể hiện sự dẻo dai, bền bỉ của sức trẻ, tạo không khí phấn khởi trong những ngày đầu Xuân”.

Để chuẩn bị cho lễ hội đu truyền thống diễn ra đúng thời gian quy định, từ những ngày giáp Tết, Ban tổ chức đã dựng sẵn giàn đu gồm sáu cây tre già rất thẳng và có độ dẻo dai cao, ở trên đỉnh có gắn cờ Tổ quốc, ở giữa có buộc dây thừng để người chơi có thể đu cao nhất có thể, xung quanh là cờ hội bay phấp phới. Người chơi lên giá đu được trang bị dụng cụ bảo hộ để đảm bảo an toàn.

Mở đầu hội đu, một bô lão uy tín của làng Gia Viên mặc áo dài, khăn đóng khởi lệnh trống và thực hiện các nghi lễ truyền thống, sau đó lên giá đu để mở màn ngày hội. Tiếp đến là phần tranh tài quyết liệt và đẹp mắt của các nam thanh niên khỏe mạnh trong tiếng reo hò, cổ vũ hết sức nhiệt tình của người dân và du khách.

Theo phong tục bấy lâu nay của làng Gia Viên, hội đu chỉ dành cho nam giới. Năm nay, hội đu thu hút 20 chàng trai khỏe mạnh đến từ trong và ngoài địa phương đăng ký tham gia. Các vận động viên được bốc thăm theo số thứ tự và sẽ thi theo hình thức đấu loại trực tiếp.

Sau 20 lượt đu, không có vận động viên nào chạm tay vào cờ giải, BTC đã quyết định hạ thấp cờ xuống 20cm. Đến lượt đu thứ 21 thì VĐV Trương Thế Sĩ đã xuất sắc giành giải cúng.

VĐV Trương Thế Sĩ, người vừa giành được giải cúng lễ hội đu làng Gia Viên năm nay vui vẻ nói: “Em đã nhiều năm tham gia hội đu. Năm nay em rất vui vì đã nỗ lực hết mình và giành được giải cúng. Hy vọng nó sẽ mang lại nhiều may mắn cho em trong năm mới Canh Tý 2020”.

VĐV Trương Thế Sĩ nhận giải cúng từ tay bô lão làng Gia Viên.

Ngoài việc phải đu cho thật cao, người chơi còn phải nhún sao cho đẹp mắt, phải tạo đà sao cho đu càng cao càng tốt. Tay của người chơi chạm cờ đỏ thì đó là người chiến thắng và chuyển sang tranh tài ở giải khác.

“Tham gia hội đu, em rèn luyện được tinh thần và sức khỏe, đồng thời vừa giữ gìn truyền thống cha ông để lại hàng trăm năm nay.Lúc này, thật sự là em rất vui và rất tự hào vì đã nỗ lực hết mình để đạt được giải nhất. Đây là món quà đầu năm mới hi vọng nó sẽ mang lại nhiều may mắn cho em”, VĐV Trương Thế Binh(người vừa giành giải nhất) chia sẻ.

Có mặt ở lễ hội từ rất sớm, ông Trần Thanh Hải (ở thành phố Huế) vui vẻ cho biết: “Năm nào cứ vào ngày mùng 4 tết là tôi và các thành viên trong gia đình cũng đến đây xem lễ hội đu. Năm nay, mặc dù thời tiết mưa gió nhưng các vận động viên đã trình diễn những thế đu trên cao rất bắt mắt, đã thu hút rất nhiều người tham gia”.

Mặc dù thời tiết năm nay mưa rất nặng hạt, nhưng chiếc đu vẫn bay trong không trung khiến khung cảnh lễ hội trở nên vui tươi, rộn rã. Xung quanh nhiều người dân làng cùng hò reo, cổ vũ để người chơi có thêm tinh thần tạo ra những màn trình diễn độc đáo và đặc sắc.

Ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền, Trưởng BTC lễ hội đu cho biết:“Lễ hội đu vân xa truyền thống làng Gia Viên được gìn giữ hàng trăm năm qua, nhằm mục đích rèn luyện sức khỏe, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu... Đây là một lễ hội văn hóa tốt đẹp cần được duy trì nên hằng năm, địa phương luôn tổ chức để rèn luyện những vận động viên trẻ, khỏe qua đó bảo tồn trò chơi truyền thống”.

“Đây cũng là điều kiện để tạo không khí phấn khởi trong những ngày đầu xuân mới, qua đó thắt chặt tinh thần đoàn kết của con dân trong làng để cùng nhau góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, góp phần cùng toàn xã Phong Hiền giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn Nông thôn mới và phấn đấu xã đạt Nông thôn mới kiểu mẫu”- ông Hoàng Ngọc Trung cho biết thêm.

Cố gắng chạm tay vào cờ giải.

Lễ hội đu năm Canh Tý của làng Gia Viên có 5 giải được trao cho năm người có thành tích thi đấu xuất sắc nhất, bao gồm giải cúng, nhất, nhì, ba và cuối cùng là giải phá. Giải cúng là giải được trao cho người đầu tiên đu cao nhất và chạm tay vào được lá cờ trên đỉnh đu. Giải phá là giải cuối cùng được trao cho người giật được cờ ra khỏi đỉnh đu.

Lễ hội đu truyền thống làng Gia Viên được xem như một trò chơi dân gian không chỉ mang tính chất vui chơi giải trí những ngày đầu xuân, mà đằng sau còn có ý nghĩa tâm linh, ý nghĩ nhân văn, là món ăn tinh thần của người dân Việt. Là nét văn hóa độc đáo trong kho tàng dân gian Việt Nam.

VÕ TỨ

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/soi-dong-le-hoi-du-gia-vien-post257190.html