Sôi động trò chơi dân gian dịp đầu xuân

Vào dịp đầu xuân, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm lễ hội được tổ chức. Trong đó, bên cạnh phần lễ thì phần hội với nhiều trò chơi dân gian sôi động, đậm đà bản sắc văn hóa, góp phần gắn kết cộng đồng luôn thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.

Thi đẩy gậy tại xã Hà Lâu huyện Tiên Yên.

Trò chơi dân gian là di sản văn hóa quý báu được lưu truyền, gìn giữ và đang có sức sống mạnh mẽ trong đời sống hôm nay. Một số trò chơi thường xuyên được tổ chức như: Đánh đu, ô ăn quan, đánh chuyền, bịt mắt bắt vịt, chọi gà, bắt trạch trong chum v.v.. Hầu hết, các trò chơi dân gian có thể dễ dàng chơi mọi lúc, mọi nơi, dụng cụ dễ kiếm, dễ làm, chủ yếu lấy từ trong tự nhiên, thậm chí chỉ là cái gậy, hòn đá, hòn bi nhặt trong vườn là có thể lập được một hội chơi.

Trong bất kỳ lễ hội nào, trò chơi kéo co luôn thu hút được số đông người tham gia và cổ vũ. Trong tiếng trống rộn rã hòa cùng tiếng reo hò, cổ vũ, các thành viên tham gia sẽ phối hợp nhịp nhàng cùng đồng đội để kéo dây về phía mình. Đội nào dẫm vạch trước thì đội đó thua cuộc. Kéo co không chỉ để rèn luyện sức khỏe, mà còn giúp các thành viên trong đội có sự gắn kết, phát huy tinh thần đồng đội.

Trai gái người Dao Thanh Y (Hoành Bồ) chơi trò ném còn.

Nếu như trò chơi kéo co cần đông người tham gia thì các trò chơi đánh đu, ném còn lại là trò chơi bắt cặp 1 nam, 1 nữ. Đánh đu, ném còn thường xuất hiện nhiều tại các lễ hội vùng miền Đông của tỉnh. Trên cây đu, đôi trai gái cùng nhún nhịp nhàng và chiếc đu được đẩy lên cao dần; tà áo của cô gái tung bay trước gió tạo thành hình ảnh đẹp và thơ mộng.

Trò chơi ném còn với quả còn làm bằng vải có nhiều màu sắc. Quả còn được tung lên không trung qua bàn tay khỏe khoắn của chàng trai, khéo léo của cô gái để lọt qua chiếc vòng tròn được treo trên cây tre ở khoảng đất rộng giữa 2 người chơi. Nhiều đôi trai gái đã nên vợ nên chồng từ những lần tham gia trò chơi dân gian này. Trong khi đó, trò đi cà kheo thường thể hiện sự khéo léo, tinh tế của mỗi cá nhân. Người tham gia phải có thể lực, sức bền, sự dẻo dai, nhanh nhẹn. Người chơi phải lấy được thế cân bằng, dựa trên sự kết hợp nhịp nhàng của cả chân lẫn tay.

Tại các bản làng người Sán Chỉ ở miền Đông của tỉnh, trò chơi quen thuộc nhất mỗi dịp xuân về là đánh quay. Bà con Sán Chỉ sẽ chọn một bãi đất phẳng rồi đứng quây lại thành vòng tròn, to hay nhỏ tùy vào số lượng người tham gia. Để có lực đánh mạnh và con quay quay được lâu hơn, người chơi sẽ quấn dây thật chặt, không để dây chồng chéo lên nhau. Khi hai con quay đánh vào nhau, người chơi lập tức dùng gậy hất con quay lên. Luật chơi là khi hai con quay va vào nhau để rơi xuống đất, nếu con nào quay được lâu sẽ chiến thắng. Nếu con quay bị dừng trước sẽ để ở giữa vòng tròn để cho các con quay khác bổ vào. Muốn thắng phải bổ cho con quay kia không chạy nữa mà con quay của mình vẫn quay tít.

Trai gái chơi đánh đu tại lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên).

Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh, cho biết: Trò chơi dân gian là di sản được Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh rất quan tâm sưu tầm, phát huy giá trị. Chúng tôi đã có một số câu lạc bộ ở cơ sở làm tốt công tác này. Việc bảo tồn trò chơi dân gian còn được lồng ghép vào hoạt động của các câu lạc bộ văn nghệ dân gian, hoạt động bảo tồn lễ hội khác.

Nhìn chung, trò chơi dân gian chủ yếu là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, không phân biệt trai gái, già hay trẻ và thường diễn ra ở ngoài trời, gần gũi với thiên nhiên. Trò chơi dân gian thường gắn liền với các lễ hội truyền thống nên có vai trò như một sợi dây vô hình kết nối cộng đồng. Bởi vậy, trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa rất cần các cấp, ngành, địa phương quan tâm khôi phục, tổ chức thường xuyên trò chơi dân gian trong các lễ hội truyền thống.

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201902/soi-dong-tro-choi-dan-gian-dip-dau-xuan-2422849/