Sôi động từ các đơn vị xã hội hóa

Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018 diễn ra từ ngày 11 đến 25-4 tại Nhà hát Quân đội TP Hồ Chí Minh. Ngoại trừ hai sân khấu Idecaf và Hoàng Thái Thanh không tham gia liên hoan, hầu hết các đơn vị kịch nói có tên tuổi của làng kịch TP Hồ Chí Minh đều tham dự. Việc tham gia khá đầy đủ của các sân khấu kịch xã hội hóa trên địa bàn thành phố, đã mang đến một không khí sôi động từ trước giờ khai mạc.

Vở "Gương mặt kẻ khác" được Sân khấu Nhỏ 5B Võ Văn Tần lựa chọn tham dự Liên hoan kịch nói toàn quốc 2018.

So với liên hoan lần trước diễn ra tại tỉnh Thanh Hóa vào năm 2015, số lượng đoàn xã hội hóa của Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc lần này đã tăng gần gấp hai lần, lên đến 13 đoàn (năm 2015 chỉ có tám đoàn xã hội hóa). Điều này dễ lý giải khi liên hoan năm nay diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, nơi có số lượng sân khấu xã hội hóa hoạt động sôi nổi và nhiều nhất nước.

NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Sân khấu Nhỏ 5B Võ Văn Tần cho biết: Khi liên hoan diễn ra tại các địa phương khác, nhất là khu vực phía bắc, các đơn vị xã hội hóa tại TP Hồ Chí Minh khó tham gia vì không có kinh phí. Mặt khác, khi tham gia liên hoan, những suất diễn thường xuyên của các sân khấu sẽ không bảo đảm cho nên phần lớn các đơn vị đều từ chối tham dự. Chính vì điều đó, lần liên hoan năm nay, khi được tổ chức tại thành phố, số lượng tham gia của các đoàn xã hội hóa đã tăng lên đáng kể. “Sân khấu nhỏ 5B vừa mới sáng đèn trở lại sau hai năm cũng gấp rút chuẩn bị vở diễn tham dự liên hoan để không bở lỡ cơ hội”- NSƯT Mỹ Uyên chia sẻ.

Nắm lấy “địa lợi” lần này, nhiều sân khấu chỉ vừa mới thành lập hơn một năm, vừa đủ điều kiện tham dự liên hoan cũng tích cực đăng ký tham gia liên hoan. Sân khấu kịch Minh Nhí mới chỉ thành lập hơn một năm, nhưng đã vượt qua nhiều khó khăn để đến với liên hoan. Đoàn vừa ráo riết tập luyện vừa khắc phục sự cố sân khấu để kịp diễn trong ngày hội của sân khấu kịch cả nước. Hay như sân khấu của nghệ sĩ Ngọc Trinh, dù đang gặp khó khăn nhưng cũng tận dụng cơ hội liên hoan diễn ra tại TP Hồ Chí Minh để giới thiệu sân khấu của mình với khán giả, đồng nghiệp cả nước. Đơn vị phải mượn sân khấu tại Nhà hát Trần Hữu Trang để biểu diễn trong liên hoan lần này.

Không chỉ áp đảo về số lượng đoàn ngoài công lập, các sân khấu kịch TP Hồ Chí Minh còn mang đến liên hoan mầu sắc đa dạng về nội dung. Có sân khấu dự liên hoan với vở mang đề tài cách mạng, có sân khấu mang đến câu chuyện dung dị từ những mảnh đời nơi sông nước miền tây, có đoàn chọn vở hài nhẹ nhàng, có đoàn lại chọn thể loại kinh dị đến với liên hoan…

Trong các đơn vị tham dự liên hoan, sân khấu kịch Trịnh Kim Chi có lẽ là đơn vị hiếm hoi mang đến vở diễn mới được dàn dựng. Vở “Rặng trâm bầu” (kịch bản Vũ Trinh, chuyển thể từ bộ phim cùng tên của đạo diễn Bùi Đình Thứ) do NSƯT Trịnh Kim Chi đạo diễn là tác phẩm ca ngợi một nhân vật có thật, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Đoàn Thị Nghiệp, một người phụ nữ hy sinh tất cả cho cách mạng, cho hòa bình của dân tộc, một người mẹ, người vợ đảm đang, một người dâu hiếu thảo. Vở kịch được NSƯT Trịnh Kim Chi ấp ủ từ lâu, và khi có đủ điều kiện, chị đã dựng tác phẩm này trên sân khấu của mình để tham dự Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc, đồng thời cũng chào mừng 43 năm Ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.

Cũng thể hiện đề tài cách mạng, vở “Châu về hợp phố” của Sân khấu kịch Hồng Vân nói về phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh Sài Gòn trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là vở kịch gây nhiều ấn tượng khi được lưu diễn trong thành phố vào cuối năm 2017 nhân kỷ niệm 50 năm Cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong khi đó, sân khấu kịch Minh Nhí, sân khấu Buffalo mang đến những câu chuyện tình yêu mang đậm chất Nam Bộ qua hai vở “Tiếng vạc sành” và “Hiu hiu gió bấc”. Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, sân khấu Hồng Hạc cũng mang nhiều tính thể nghiệm với “Gương mặt kẻ khác” và “Thiên thần nhỏ của tôi”…

Dù thiếu vắng một số sân khấu xã hội hóa tiêu biểu tại liên hoàn lần này với nhiều lý do, nhưng với số lượng đăng ký tham gia đông đảo, sân khấu kịch TP Hồ Chí Minh hứa hẹn sẽ mang đến không khí tươi mới cho hội diễn năm nay. Chất lượng của các vở diễn mang đến liên hoan còn phải chờ thêm thời gian để ban giám khảo đánh giá, nhưng với sự nỗ lực vượt qua bao khó khăn trong tình trạng sân khấu xuống cấp hiện nay, sân khấu thành phố nói chung và ngoài công lập nói riêng đáng nhận được sự khích lệ từ những người quan tâm đến loại hình nghệ thuật này.

Bài và ảnh: BẢO LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/36066802-soi-dong-tu-cac-don-vi-xa-hoi-hoa.html