Sợi rơm vàng

Trở lại quê vào vụ gặt, mọi ngả đường rộn ràng tiếng máy tuốt lúa liên hoàn, những sợi rơm vàng óng ả, tươi mới ưỡn mình trên không trung đón nắng làm dậy lên trong tôi bao ký ức trong giấc mơ bé thơ vụng dại.

Ngày ấy chưa có máy móc hiện đại, ông bà, bố mẹ, cả dân làng đều đập lúa thủ công ngoài đồng, thóc vàng chất đống như núi, rơm rải khắp đường làng ngõ xóm, cả làng nhuộm một màu vàng bất tận. Trên mọi nẻo đường, trên bờ tường, rơm nhấp nhô, bồng bềnh như mây trời vậy. Khách đi xa, bước chân về đến đầu làng đều cảm nhận đầu tiên cái mùi vị ngai ngái, thơm nồng…

Ngày còn đi học, rơm với lũ trẻ con chúng tôi gần gũi như những người bạn. Ngóng ngóng, trông trông mẹ chở rơm về rải đầy ngõ, chất đống sau vườn, cạnh bếp, vắt vẻo trên bờ tường. Những ngày hè, trời nắng như đổ lửa, rơm lại càng thêm óng ả, rơm cùng tôi vui đùa, lăn lộn với chúng bạn. Đến mùa đông, rơm đón bước chân tôi ấm ấm, êm êm suốt dọc đường đi học về.

Rơm phơi khô rồi đem đánh đống, chất thành cây. Hồi ấy, hầu như nhà nào cũng có cây rơm to. Nhà nào càng nhiều rơm có nghĩa là nhiều thóc. Mẹ vẫn bảo tôi, “nhìn rơm mà biết mùa màng bội thu hay thất bát”. Cây rơm nhỏ bé, mềm mại ấy mà không bỏ đi tí nào. Có khi nó được dùng làm chất đốt cho cả năm, có khi lại dùng làm thức ăn cho trâu bò những ngày mưa phùn gió bấc, có khi lại được băm ra, trộn với bùn đất để trát vách nhà hay bện thành đệm nằm trong những ngày đông giá rét….

Ảnh tư liệu

Ảnh tư liệu

Ngày ngoại vẫn còn, cứ vào mùa vụ, ngoại lại tỉ mẩn ngồi chọn những sợi rơm cứng cáp nhất, óng đẹp, bóng bẩy, nâng niu, tuốt từng sợi để bện thành chổi. Chổi to có thể chọn những cọng rơm tẻ, có mùi thơm ngái. Chổi nhỏ thì nhất thiết phải chọn được cọng rơm nếp thơm ngát, óng ngà. Bởi chổi nhỏ dùng để quét bàn thờ gia tiên cho sạch sẽ, tinh khiết. Miệng bà răn dạy, mà đôi tay bà tết rơm cũng như nắn nót, kính cẩn hơn. Tôi hiểu được rằng, sự trân trọng, thành kính là ở trái tim, ở tấm lòng bà gửi gắm vào cây chổi. Dẫu chỉ là cọng rơm quê, người nông dân vất vả, lam lũ, một nắng hai sương, khi được nâng lên tay hạt thóc vẫn luôn tạc dạ ghi ơn phúc lộc của đất trời.

Rơm ngày ấy quý lắm, mỗi khi chạy thóc cho khỏi mưa thì lúc trẻ chúng tôi cũng có nhiệm vụ chạy rơm cho khỏi ướt. Nhà nào mà không có ruộng là chiều chiều phải đi mót rơm, nhổ rạ. Mang cào, mang chổi ra quét lại những nhà chở rơm từ đồng về còn rơi vãi, sót lại. Nhiều buổi chiều như vậy, cũng đủ chất thành đống làm chất đốt cho cả năm.

Giờ rơm không còn là sản vật đặc biệt của mùa vụ nữa. Người ta đốt rơm ngay tại ruộng để đỡ công mang về. Tro làm mùn cho đất tốt tươi. Thậm chí, rơm chẳng được hong cho no nắng như ngày ấy. Mà chất thành đống to, đống nhỏ, ướt ướt, khô khô nên khói từ những đống rơm cháy cao ngút tạo một màu đen kít, ngai ngái. Nhiều người, xe cộ đi qua đường cái bị khói bay che tầm mắt, bịt mũi, che miệng đi nhanh. Còn tôi thì thấy xót xa, dậy lên nỗi nhớ khắc khoải. Cuộc sống hiện đại, người ta đun bếp ga, bếp điện, ai còn đun rơm cho cay xè con mắt. Máy hút bụi, cây lau nhà cũng thay thế chổi rơm, mòn mắt cũng không tìm được ngôi nhà nào trát bằng rơm và bùn đất. Mừng vì cuộc sống thay đổi đi lên những cũng buồn vì nhiều giá trị không còn nguyên vẹn.

Nhớ sợi rơm vàng bé nhỏ ngày nào được nâng niu, trân trọng, nhớ bóng ngoại còng lưng bện chổi năm nào…

Mai Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/soi-rom-vang-126018.html