Soi sức mạnh quân đội Iran dưới thời Tư lệnh Soleimani

Tuyên bố sẽ trả đũa Mỹ sau cái chết của tướng Qassem Soleimani, liệu quân đội Iran có đủ khả năng làm được điều này?

Lực lượng quân sự Iran quy mô thế nào?

Quân đội Iran có khoảng 350.000 quân nhân chính quy

Quân đội Iran có khoảng 350.000 quân nhân chính quy

Trích số liệu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Anh, hãng thông tấn BBC ước tính Iran có khoảng 523.000 quân nhân tại ngũ, bao gồm 350.000 quân chính quy và 150.000 quân thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Ngoài ra, còn có ít nhất 20.000 lính hải quân IRGC. Đây là lực lượng được trang bị nhiều tàu tuần tra có vũ trang để tuần tra eo biển Hormuz - nơi nhiều vụ đối đầu liên quan tới các tàu chở dầu đã diễn ra trong năm 2019.

IRGC được thành lập hơn 40 năm trước với nhiệm vụ bảo vệ thể chế chính trị của Tehran, sau đó dần trở thành một thế lực lớn về chính trị - kinh tế - quân sự tại Iran. Dù quân số ít hơn lực lượng chính quy, IRGC lại là lực lượng quân sự có thẩm quyền cao nhất.

Hoạt động quân sự bên ngoài lãnh thổ

Tướng Soleimani (giữa) là Tư lệnh Lực lượng Quds trước khi thiệt mạng

Lực lượng Quds thuộc IRGC, dưới quyền tướng Soleimani, từng tiến hành nhiều hoạt động bí mật ở nước ngoài cho lực lượng IRGC và có quyền báo cáo trực tiếp tình hình với Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei. Quân số ước tính của lực lượng này vào khoảng 5.000 người.

Trong quá khứ, Quds từng được triển khai ở Syria với vai trò làm cố vấn quân sự cho quân đội trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad. Tại Iraq, lực lượng này hỗ trợ các nhóm dân quân thân với chính phủ Baghdad nhằm tiêu diệt tổ chức khủng bố IS.

Theo các quan chức Mỹ, ngoài những thông tin được công bố, Lực lượng Quds còn đóng vai trò lớn hơn nhiều khi cung cấp tài chính, huấn luyện, trang bị vũ khí và nhiều thiết bị cho nhiều tổ chức mà Mỹ nhận định là "những tổ chức khủng bố" ở Trung Đông.

Mặt khác, theo BBC, quân đội Iran gặp khó trong việc nhập khẩu vũ khí những năm gần đây do vấn đề kinh tế trong nước và các lệnh trừng phạt của nước ngoài.

Số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho biết, giá trị các hợp đồng mua bán vũ khí của Iran chỉ ở mức 3,5% so với Ả Rập Saudi trong khoảng thời gian từ năm 2009-2018. Phần lớn hợp đồng vũ khí Iran mua có xuất xứ từ Nga và Trung Quốc.

Lực lượng tên lửa hùng hậu nhất Trung Đông

Khu tên lửa thuộc Triển lãm quân sự 2019 của Iran (Ảnh: AP)

Tên lửa là một bộ phận mang tính cốt yếu trong sức mạnh quân sự của Tehran. Trong nhiều báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, lực lượng tên lửa của Iran được cho là lớn nhất ở khu vực Trung Đông với nhiều loại tên lửa có tầm bắn ngắn hoặc tầm trung.

Một số báo cáo thậm chí còn cho biết, Iran đang tiến hành thử nghiệm công nghệ không gian nhằm giúp nước này có thể phát triển được tên lửa đạn đạo có tầm bắn xuyên lục địa.

Hồi năm 2015, Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân với các nước phương Tây, theo đó chương trình nghiên cứu tên lửa tầm xa đã được ngừng lại. Hôm 5/1, Tehran tuyên bố bỏ các giới hạn làm giàu uranium, đồng nghĩa nước này hoàn toàn có thể nối lại chương trình nghiên cứu tên lửa có tầm bắn xuyên lục địa.

Khi đó, rất nhiều mục tiêu trên lãnh thổ Ả Rập Saudi, vùng Vịnh hay Israel - đồng minh thân cận của Mỹ đều nằm trong tầm bắn của các tên lửa thuộc sở hữu của Iran.

Về phần mình, hồi tháng 5/2019, Mỹ đã triển khai hệ thống phòng không Patriot ở Trung Đông, đồng thời tăng cường trừng phạt Iran. BBC nhận định động thái triển khai Patriot này nhằm chống lại tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình hoặc các tiêm kích hiện đại.

Iran có những loại vũ khí phi truyền thống nào?

Các nguyên mẫu UAV tàng hình của Iran (Ảnh: IBIS News)

Bất chấp lệnh trừng phạt từ Mỹ và các nước phương Tây kéo dài nhiều năm, Iran vẫn có khả năng phát triển máy bay không người lái (UAV). Hồi năm 2016, Tehran đã triển khai các máy bay này để chống lại lực lượng khủng bố IS ở Iraq.

Ngoài ra, những máy bay không người lái có vũ trang của Tehran cũng có thời điểm xâm nhập không phận Israel từ các căn cứ ở Syria.

Hồi tháng 6/2019, Iran từng bắn rơi máy bay không người lái do thám của Mỹ. Khi đó, Tehran lấy lý do máy bay trên đã xâm phạm không phận Iran trên eo biển Hormuz.

Khả năng tấn công mạng của Iran ra sao?

Iran có thể trả đũa Mỹ bằng cách tấn công mạng (Ảnh minh họa)

Năm 2010, các cơ sở hạt nhân của Iran bị tấn công mạng. Vụ tấn công này khiến Tehran tăng cường năng lực tấn công mạng mà trong đó lực lượng IRGC đã thành lập một số bộ phận riêng rẽ có nhiệm vụ do thám về kinh tế - quân sự.

Một báo cáo quân sự do Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra hồi 2019 cho biết: Iran đã tiến hành các nhiệm vụ do thám mạng nhằm vào các công ty hàng không vũ trụ, các nhà thầu quân sự, nhiều công ty năng lượng và các tập đoàn viễn thông trên toàn cầu.

Cùng thời điểm, Tập đoàn công nghệ Microsoft cũng đưa ra cảnh báo về một nhóm tin tặc được cho là "có nguồn gốc từ Iran hay có liên hệ với chính phủ nước này" đã để mắt tới chiến dịch tranh cử tổng thống tại Mỹ, cũng như cố gắng đột nhập vào các tài khoản của nhiều quan chức trong chính quyền Washington.

Ngọc Linh

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/soi-suc-manh-quan-doi-iran-duoi-thoi-tu-lenh-soleimani-96394.html