Soi tàu đổ bộ Osumi Nhật Bản có thể bán cho Việt Nam

Với lượng giãn nước toàn tải khoảng 14.000 tấn, tàu đổ bộ lớp Osumi có khả năng chở 10 xe tăng, 300 lính thủy đánh bộ cùng 8 trực thăng.

Các nguồn tin riêng của tờ báo điện tử Sina (Trung Quốc) cho biết, Nhật Bản có khả năng có kế hoạch cung cấp các trang bị vũ khí mới cho Việt Nam thông qua các khoản vay. Một trong nhưng loại vũ khí đó là tàu đổ bộ lớp Osumi mà Nhật Bản đang có ý định cho nghỉ hưu.

Nếu việc này trở thành hiện thực, thì năng lực đổ bộ của Hải quân Nhân dân Việt Nam được nâng lên một cấp độ mới. “Tàu đổ bộ lớp Osumi có thiết kế đơn giản, giá cả hợp lý, hiệu suất tốt, có thể chở nhiều quân và các trang bị vũ khí, đặc biệt là các xe tăng lội nước để thực hiện các nhiệm vụ đổ bộ, tàu có thể đáp ứng tốt nhiệm vụ chiến đấu của phía Hải quân Việt Nam”, Sina bình luận.

Đáng lưu ý, các tàu đổ bộ lớp Osumi đã từng có nhiều chuyến thăm tới Việt Nam. Lần gần đây nhất là vào giữa tháng 7/2016, tàu đổ bộ lớp Osumi mang tên JSDS Shimokita (LST-4002) đã tới Việt Nam.

Trong Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF), lớp Osumi được miêu tả thuộc lớp tàu đổ bộ xe tăng. Tuy nhiên, nó có khả năng triển khai cho nhiều nhiệm vụ khác như tàu đổ bộ đa năng. Nhật Bản đã chế tạo tổng cộng 3 chiếc thuộc lớp Osumi gồm: JDS Osumi (LST 4001); JDS Shimokita (LST 4002) và Kunisaki (LST 4003) được biên chế lần lượt vào các năm 1998, 2002 và 2003.

Tàu đổ bộ lớp Osumi có lượng giãn nước tiêu chuẩn 8.900 tấn, toàn tải là 14.000 tấn với chiều dài 178m, rộng 25,8m và mớn nước 6m. Con tàu được trang bị hai máy diesel Mitsui 16V42M-A có tổng công suất 26.000 mã lực cho tốc độ tối đa 22 hải lý/h.

Lớp tàu đổ bộ Osumi sở hữu thiết kế khá giống với tàu sân bay nhỏ như kiến trúc thượng tầng nằm lệch về một phía cùng boong phóng máy bay lớn kéo dài từ đầu tới đuôi tàu.

Với thiết kế này, Osumi có khả năng triển khai tới 8 máy bay trực thăng vận tải hoặc tấn công.

Tuy nhiên, có một điều rất khó hiểu với những nhà thiết kế tàu đổ bộ Osumi là họ trang bị cho con tàu hệ thống thang máy kích thước hạn chế. Thang máy này không thể đưa trực thăng lên boong tàu và ngược lại. Như vậy, việc chuyên chở trực thăng theo tàu trong nhiệm vụ biển xa là rất hạn chế.

Hầm chứa thiết bị cơ giới trong lòng Osumi đương nhiên cũng không thiết kế nơi bảo dưỡng bảo quản các máy bay trực thăng. Chính vì điểm yếu này, Osumi được giới quân sự thế giới đánh giá là chỉ có thể chi viện chiến dịch tái chiếm đảo trong lãnh hải của Nhật Bản hoặc đóng vai trò như tàu vận tải các phương tiện cơ giới chứ không thể coi là tàu đổ bộ tấn công.

Dưới hầm tàu có khả năng chuyên chở đến 10 xe tăng chiến đấu chủ lực hoặc các loại xe bọc thép chở quân cùng 2 tàu đổ bộ đệm khí LCAC và tối đa đến 330 binh sĩ (cự ly hành trình dài) hoặc 1.000 binh sĩ (cự ly hành trình ngắn).

Đuôi máy bay có cửa đổ bộ lớn để các phương tiện di chuyển ra khỏi tàu.

Trong ảnh, tàu đổ bộ đệm khí LCAC di chuyển gần cửa đổ bộ đặt tại đuôi tàu đổ bộ lớn Osumi.

Cận cảnh đài chỉ huy tàu đổ bộ lớn lớp Osumi, trên đó lắp đặt các anten của hệ thống radar trinh sát đường không ÓP-14C, radar thám sát mặt nước OPS-28D, radar định vị dẫn đường OPS-20.

Hỏa lực của tàu đổ bộ Osumi khá hạn chế, chỉ có hai bệ pháo bắn nhanh phòng không chống tên lửa Phalanx và đại liên 12,7mm.

An Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/soi-tau-do-bo-osumi-nhat-ban-co-the-ban-cho-viet-nam-738765.html