Sớm ban hành Nghị quyết thể hiện rõ quyết tâm trong thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ 1.1.2024

Việc sớm ban hành Nghị quyết của Quốc hội về nội dung này sẽ thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ 1.1.2024, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về môi trường pháp lý tại Việt Nam. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai các nội dung này để bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện Nghị quyết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu điều hành phiên họp sáng 10.11

Trong sáng 10.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội cũng đã nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Sẽ áp dụng quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu và thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn từ 2024

Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày. Theo đó, Nghị quyết này quy định việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung đối với người nộp thuế theo Quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Về lý do đưa ra đề xuất ban hành Nghị quyết này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thuế tối thiểu toàn cầu do OECD/G20 công bố có các quy định đánh thuế gồm: quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR); quy định lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR); quy định thuế khấu trừ tại nguồn tối thiểu (STTR) và thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT).

Đối chiếu với quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam, để tập trung giành quyền đánh thuế, hạn chế việc chuyển số thuế sang các quốc gia khác, đồng thời để bảo đảm tính khả thi (do đây là chính sách mới, chưa có nước nào đã áp dụng) và tham khảo tình hình triển khai áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu của các nước trên thế giới, Việt Nam cần áp dụng quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) và quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) từ năm 2024.

Quy định lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR) và quy định khấu trừ tại nguồn tối thiểu (STTR) chưa áp dụng ngay từ năm 2024 do theo hướng dẫn của OECD thì nguyên tắc ưu tiên áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn được ưu tiên áp dụng trước, rồi đến quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu, sau đó mới tính đến quy định lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu.

Theo Tờ trình dự án Nghị quyết, đối với thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT), dự thảo Nghị quyết quy định đối tượng áp dụng; cách xác định Thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn; trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn sẽ được xác định bằng 0.

Đối với quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR), dự thảo Nghị quyết quy định đối tượng áp dụng; cách xác định tổng số thuế bổ sung tại một nước, cách phân bổ thuế bổ sung cho các công ty thành viên và thuế phân bổ cho công ty mẹ từ thuế bổ sung của công ty thành viên chịu thuế suất thấp; quy định trường hợp thuế bổ sung tại một nước sẽ được xác định bằng 0.

Đồng thời, theo Tờ trình, tại dự thảo Nghị quyết cũng quy định phần thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo Quy định thuế tối thiểu toàn cầu được nộp vào ngân sách trung ương theo quy định; tỷ giá ngoại tệ để xác định ngưỡng doanh thu, thu nhập;giảm trừ trách nhiệm trong giai đoạn chuyển tiếp cho các năm tài chính bắt đầu từ hoặc trước ngày 31.12.2026, nhưng không bao gồm năm tài chính kết thúc sau 30.6.2028.

Công ty thành viên được lựa chọn sử dụng phương pháp tính toán đơn giản để xác định việc đáp ứng các tiêu chí giảm trừ trách nhiệm sau: lợi nhuận tính thuế bổ sung; doanh thu và thu nhập bình quân; thuế suất thực tế.

Quan tâm bảo đảm đầu tư khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, các quy định về việc áp dụng Thuế Tối thiểu toàn cầu của OECD hay còn được gọi là quy định về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, được OECD đề xuất và bắt đầu áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Nội dung thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu này đã đạt được sự thỏa thuận tham gia của hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện nhiều nước đã nội luật hóa các quy định này để áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024. Nếu Việt Nam không nội luật hóa các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, thì các nước xuất khẩu đầu tư sẽ được thu khoản thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung (cho đủ mức 15%) đối với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế dưới 15%.

Vì vậy, để giữ quyền đánh thuế của Việt Nam trong bối cảnh các nước xuất khẩu đầu tư sang Việt Nam sẽ thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, cần thiết phải ban hành một văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của thuế tối thiểu toàn cầu có thể kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tại Việt Nam thay vì để các nhà đầu tư nước ngoài nộp khoản thuế bổ sung này tại nước mẹ.

Mặt khác, việc sớm ban hành Nghị quyết sẽ thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ 1.1.2024, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về môi trường pháp lý tại Việt Nam.

Thẩm tra về vấn đề bảo đảm đầu tư và khả năng khiếu kiện, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm và có mức thuế suất thực tế thấp hơn 15%. Có những nhà đầu tư nước ngoài mong muốn nộp thuế tối thiểu toàn cầu bổ sung tại Việt Nam, song cũng có những nhà đầu tư nước ngoài muốn nộp thuế tối thiểu toàn cầu bổ sung tại nước mẹ.

Hiện nay, dự thảo Nghị quyết đang được xây dựng theo hướng, trong trường hợp doanh nghiệp không thống nhất với việc nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam, thì có thể áp dụng quy định về bảo đảm đầu tư theo pháp luật về đầu tư. Khoản 2, Điều 13 Luật Đầu tư về bảo đảm đầu tư quy định “Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án đầu tư”.

Với quy định này của dự thảo Nghị quyết và quy định của Luật Đầu tư thì ngay cả đối với những trường hợp ưu đãi đầu tư không được ghi trên Giấy Chứng nhận đầu tư, thì nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thể khiếu kiện để lựa chọn phương án tiếp tục hưởng ưu đãi đầu tư cho thời gian còn lại và sẽ nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại nước mẹ.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Nội dung trong dự thảo Nghị quyết là trái với Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu của OECD, trong đó quy định quyền ưu tiên thu thuế tối thiểu toàn cầu là ở nước nhận đầu tư; nếu nội luật một nước cho phép nhà đầu tư có thể lựa chọn nơi nộp thuế tối thiểu toàn cầu bổ sung, thì văn bản nội luật này có thể bị xem là “không đạt chuẩn”.

Do vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, Chính phủ có quan điểm chính thức về nội dung bảo đảm đầu tư khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu để có phương án quy định phù hợp trong dự thảo Nghị quyết.

Về điều kiện bảo đảm cho việc thi hành Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là một nhiệm vụ khó khăn và phức tạp đối với cơ quan quản lý thuế khi thực hiện quản lý thu từ các cơ chế thuế khác nhau, trong đó cần chuyển hóa các Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu của OECD thành các quy trình quản lý thuế thực tiễn, thiết kế các thủ tục hành chính, biểu mẫu mới, điều chỉnh hệ thống công nghệ thông tin, phân tích tác động kinh tế, dự báo thu... và đặc biệt là nhận diện những tập đoàn nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thay đổi hàng năm.

Các nội dung này đòi hỏi sự phối hợp với tổ chức thuế quốc tế và cơ quan thuế các nước, triển khai các hoạt động hợp tác đa phương về trao đổi thông tin tự động phục vụ thu thuế tối thiểu toàn cầu cũng như từ góc độ tổ chức bộ máy, cơ chế thực hiện trong nước. Tờ trình của Chính phủ đã đề cập sơ bộ đến một số nội dung để bảo đảm cho việc thi hành Nghị quyết, song chưa bao trùm được các nội dung công việc cần thiết nêu trên.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, Chính phủ quan tâm chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai các nội dung này để bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện Nghị quyết; xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai chính thức, làm rõ về các công việc cụ thể, phân công trách nhiệm, tổ chức bộ máy và nguồn lực để kịp thời đáp ứng năng lực thực hiện cho cơ quan thuế cũng như người nộp thuế.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/som-ban-hanh-nghi-quyet-the-hien-ro-quyet-tam-trong-thuc-hien-thue-toi-thieu-toan-cau-tu-1-1-2024-i349517/