Sớm bổ sung cơ chế chi trả thu nhập tăng thêm

Sau một năm triển khai, việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) của TP Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND của HĐND thành phố (NQ 03), bộc lộ bất cập lớn khi nhiều đối tượng đã bị 'bỏ quên', chưa được tăng thêm thu nhập dù có đóng góp sức lao động không thua kém CB-CC-VC…

Anh Vũ Dương Lâm, Phó Trưởng ban Quản lý chợ An Đông (quận 5) cho biết: “Từ nửa cuối năm 2018 đến nay, tôi và gần 40 anh em làm việc ở ban quản lý chợ rất chạnh lòng vì không được hưởng chế độ tăng thêm thu nhập theo NQ 03”.

Được biết, Ban quản lý chợ An Đông là đơn vị sự nghiệp công lập (trực thuộc UBND quận 5), có hơn 40 nhân sự nhưng chỉ có năm người được hưởng cơ chế thu nhập tăng thêm theo NQ 03 vì là CC-VC. Trong khi đó, anh Lâm hằng năm vẫn được UBND quận đánh giá theo tiêu chuẩn thi đua của một viên chức quản lý.

Ở nhiều cơ quan, đơn vị khác, cũng xảy ra tình trạng tương tự. Theo khảo sát của HĐND thành phố (đầu năm 2019), Trường THCS Hoàng Văn Thụ (quận 10) có 11 trong số 130 nhân sự không được chi thu nhập tăng thêm vì làm việc theo dạng hợp đồng. Những người này chỉ được các đồng nghiệp chia sẻ phần nào thu nhập theo kiểu “nhường cơm sẻ áo”. Quận đoàn quận 1 chỉ có ba người (trong tổng số 14 nhân sự) đủ điều kiện được chi tăng thêm thu nhập cho nên đời sống rất khó khăn, do phần lớn còn rất trẻ và đang nhận lương với hệ số 2,34. Theo UBND quận 3, toàn quận có 437 người làm việc dưới dạng ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP (Hợp đồng 68) và thu nhập tăng thêm của những người này tùy thuộc vào sự “hảo tâm” của tập thể nơi làm việc…

Theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội (NQ 54) và NQ 03 thì đối tượng được thụ hưởng chính sách chi thu nhập tăng thêm là CB-CC-VC. Trong khi đó, như nhiều lãnh đạo thành phố đã thừa nhận, lực lượng người lao động chưa phải là CB-CC-VC chiếm số lượng đáng kể và có đóng góp lớn đối với sự phát triển của thành phố. Thực tế, ở nhiều cơ quan, đơn vị, những người lao động này là thành phần được xem là không thể thiếu, có đóng góp sức lao động không hề thua kém những CB-CC-VC.

Khảo sát của các cơ quan chức năng cho thấy, có ba đối tượng chủ yếu không được hưởng thu nhập tăng thêm là người lao động diện Hợp đồng 68, lao động tập sự (thử việc), lao động làm việc ở vị trí có tính chất đặc thù. Bên cạnh ba đối tượng nêu trên, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố kiến nghị bổ sung những người lao động (được ký hợp đồng lao động) có trong chỉ tiêu biên chế và những vị trí có trong khung làm việc nhưng chưa thể tuyển dụng CC-VC do quy định tạm dừng của Chính phủ. Theo tính toán của Sở Tài chính thành phố, trong năm 2019, toàn thành phố có hơn 10 nghìn người lao động thuộc ba đối tượng chủ yếu chưa được hưởng thu nhập tăng thêm nói trên; nếu đáp ứng nhu cầu tăng thêm thu nhập thì ngân sách cần chi thêm khoảng 720 tỷ đồng…

Dù rất muốn bổ sung những đối tượng nêu trên vào chính sách chi tăng thêm thu nhập để bảo đảm công bằng, nhưng các cơ quan chức năng của thành phố chưa thể giải quyết được do vướng các quy định pháp lý hiện hành.

Căn cứ quan trọng nhất để HĐND thành phố ban hành NQ 03 là NQ 54. Thế nhưng, trong hai văn bản này, những đối tượng người lao động đã nêu ở trên lại không được xếp vào diện được hưởng thu nhập tăng thêm. Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng cho biết, kinh phí chi thu nhập tăng thêm cho CB-CC-VC chủ yếu lấy từ nguồn cải cách tiền lương; nhưng không phải cơ quan, đơn vị nào cũng “rủng rỉnh”; không ít nơi còn thiếu hụt, cho nên rất khó dùng nguồn này để chi thu nhập tăng thêm cho những đối tượng bị sót, chưa kể việc này cũng không đúng quy định. Còn nếu sử dụng ngân sách thành phố thì lại vượt quá thẩm quyền của thành phố, phải làm thủ tục điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách và xin ý kiến của Bộ Tài chính…

Giải pháp vẹn toàn được nhiều đại biểu HĐND thành phố nêu ra là HĐND thành phố cần kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến để Quốc hội sửa đổi NQ 54 theo hướng bổ sung những đối tượng người lao động đã nêu vào diện được thụ hưởng thu nhập tăng thêm. Ngoài ra, theo thẩm quyền của mình, HĐND thành phố cũng cần sớm có ý kiến rõ ràng về việc cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ tài chính được chọn lựa áp dụng Nghị định số 43/2006/NĐ-CP thay vì NQ 03. Điều này đúng với tinh thần của NQ 54 vì thực tế lâu nay nhiều đơn vị đã chi tăng thêm thu nhập với mức chi gấp đôi mức lương, cao hơn mức chi theo NQ 03…

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/40130202-som-bo-sung-co-che-chi-tra-thu-nhap-tang-them.html