Sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tái định cư

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Hòa Bình khóa XVII, các đại biểu đã thẳng thắn đặt câu hỏi về nhiều vấn đề nổi cộm đang được cử tri, nhân dân quan tâm, như: giải pháp phát triển du lịch, dịch vụ; tình trạng một số dự án chậm triển khai; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân khu tái định cư... Các thành viên UBND tỉnh nghiêm túc trả lời, chỉ rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục.

Xây dựng chiến lược bài bản phát triển du lịch

Đại biểu Trần Trung Đức (huyện Lương Sơn) nêu thực trạng, Hòa Bình có nhiều lợi thế phát triển du lịch từ cảnh quan thiên nhiên, văn hóa ẩm thực nhưng hoạt động du lịch chưa có chiến lược lâu dài, bài bản và thiếu tính tổng thể; chưa có sự kết nối tổng thể giữa các điểm du lịch trên địa bàn với các tỉnh, thành khác. Đề nghị lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết kế hoạch, chiến lược khắc phục tình trạng này.

Đại biểu Nguyễn Thu Hà (thành phố Hòa Bình) chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: T. Tâm

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bùi Thị Niềm nhấn mạnh: sở sẽ tập trung tham mưu phát triển các dòng sản phẩm văn hóa, du lịch sinh thái, tâm linh, thể thao, du lịch cộng đồng. Khi có được sản phẩm sẽ tiếp tục xây dựng thành các chương trình du lịch và quảng bá hình ảnh Hòa Bình với du khách. Hiện, ngành du lịch tỉnh đang tích cực triển khai các giải pháp hoàn thành mục tiêu đón 4,9 triệu lượt khách, đạt tổng thu 5.400 tỷ đồng từ hoạt động du lịch, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh vào năm 2025.

Liên quan chất vấn của đại biểu Bùi Văn Thượng về việc chậm khởi công Dự án Khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình tại xã Suối Hoa (huyện Tân Lạc) tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến việc thực hiện thỏa thuận giải phóng mặt bằng các dự án khác trong bối cảnh đạt khối lượng giải phóng mặt bằng 65,1% (đủ điều kiện để thực hiện giai đoạn 1), Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Phúc cho biết: dự án có diện tích 150,79ha, đến nay mới xác định được nguồn gốc sử dụng đất đối với 74ha. Trong đó, chủ đầu tư mới thỏa thuận nhận đất của các hộ dân là 53,3ha, còn 20,7ha vẫn chưa thỏa thuận được. Ngoài ra, còn 76,69ha mới hoàn thiện xác định nguồn gốc đất để thực hiện hình thức thỏa thuận giao đất, cho thuê đất theo quy định.

Để thực hiện việc này, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các sở, ngành điều chỉnh quy hoạch đối với những diện tích không thể thỏa thuận được và không nằm ở vị trí ảnh hưởng lớn đến dự án; đề nghị chủ đầu tư đưa ra khỏi quy hoạch để lập lại dự án, hoàn thiện các thủ tục theo quy định, cấp phép xây dựng, giao đất cho thuê đất để bảo đảm các điều kiện khởi công theo quy định của Luật Xây dựng.

Ban hành chính sách hỗ trợ, thu hút bác si tay nghề cao

Một trong những nội dung “nóng” khác cũng được các đại biểu quan tâm là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân khu tái định cư. Theo đại biểu Nguyễn Thu Hà, việc di dân tái định cư do ảnh hưởng bởi thiên tai lũ lụt đã được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm thực hiện trong nhiều năm qua. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình đã triển khai xây dựng 29 khu tái định cư cho 1.683 hộ dân; trong đó, 25 khu tái định cư đã hoàn thành với 1.494 hộ dân đã chuyển đến nới sinh sống ổn định. Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 1.279 hộ dân thuộc 25 khu tái định cư vẫn chưa được thực hiện. Đại biểu đề nghị làm rõ các hộ này có được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không và lý do vì sao đến nay vẫn chưa thực hiện?

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Toàn cho biết: do hồ sơ thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của một số khu tái định cư chưa được thực hiện dẫn đến nếu cấp mới ở khu tái định cư thì một gia đình có 2 mảnh đất. Thiếu kinh phí đo đạc cũng là nguyên dân dẫn đến chậm triển khai... Sở đã và đang phối hợp với các sở, ngành địa phương rà soát lại toàn bộ hồ sơ pháp lý các khu tái định cư và thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, các hộ tái định cư….

Theo ông Toàn, các địa phương cũng cần chủ động bố trí trình cấp có thẩm quyền kinh phí đo đạc; phấn đấu đối với các hộ dân trong khu tái định cư đã được đo đạc sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2023. Đối với các hộ còn lại (khoảng trên 500 hộ), sẽ cơ bản thực hiện xong trong năm 2024 nếu bảo đảm kinh phí đo đạc và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương.

Đối với chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Gia về giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, bảo đảm chăm sóc sức khỏe nhân dân, Giám đốc Sở Y tế Bùi Thu Hằng cho biết: ngày 21.6.2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 18 về nâng cao chất lượng, năng lực khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Hiện, Ngành Y tế đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, thống nhất đề án trình UBND tỉnh ban hành đề án thực hiện. Sau đó, tiếp tục đề xuất HĐND tỉnh xây dựng các nghị quyết; từ đó, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút bác sĩ tay nghề cao về tỉnh công tác; nghị quyết đầu tư cơ sở vật chất cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các trung tâm y tế cấp huyện, xã, đáp ứng nhu cầu của người dân.

TRẦN TÂM

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/som%C2%A0cap-giay-chung-nhan-quyen-su-dung-dat%C2%A0tai-dinh-cu-i337307/