Sớm cơ cấu lại ngành chăn nuôi

Thời gian gần đây giá lợn hơi có nhiều biến động, có thời điểm xuống còn 47.000 đồng/kg nhưng ngay sau đó đã lên 53.000 đồng/kg. Đáng chú ý, giá thịt lợn hơi giảm nhưng giá đến tay người tiêu dùng vẫn neo cao.

Thời điểm này giá lợn hơi trong cả nước có nhiều biến động.

Giá lợn hơi liên tục biến động

Khảo sát giá lợn hơi ngày 22/10 cho thấy, tại tỉnh Hưng Yên giá lợn hơi ở mức cao nhất toàn miền 53.000 đồng/kg. Các địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nội, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Thái Bình đạt mức giá 50.000 - 52.000 đồng/kg. Trong khi đó, tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Nam, Nam Định ở mức giá 49.000 đồng/kg. Còn giá lợn hơi tại tỉnh Ninh Bình được thu mua với mức thấp nhất toàn miền, 48.000 đồng/kg.

Tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, thịt lợn hơi có giá 50.000 đồng/kg. Các địa phương như Thanh Hóa, Đắk Lắk, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Khánh Hòa ở mức 48.000 - 49.000 đồng/kg.

Dù giá lợn hơi đã giảm nhưng giá thịt lợn bán lẻ tại chợ dân sinh vẫn ở mức cao. Theo ghi nhận tại một số chợ tại Hà Nội trong một tuần trở lại đây giá thịt lợn đã giảm nhẹ từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg, song nhìn chung vẫn cao. Cụ thể sườn thăn có giá 140.000 đồng/kg, thịt ba chỉ ở mức 130.000 đồng/kg. Ngoài ra nạc vai, thịt bắp giò vẫn ở mức 120.000 đồng/kg. Lý giải vì sao giá thịt lợn bán lẻ vẫn neo cao khi giá lợn hơi đã giảm, bà Nguyễn Thị Hường - chủ sạp chợ Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, giá lợn hơi đã giảm nhưng lúc lên lúc xuống nên thương lái hầu như vẫn giữ giá, vì vậy người bán lẻ vẫn buộc phải giữ giá, chỉ hạ với một số loại như: thịt mông, xương cục, chân giò…

“Vì giá lợn lên xuống thất thường nên những người bán hàng như chúng tôi rất khó bán. Ngày thường trung bình mỗi ngày sạp hàng của tôi bán được từ 1 - 2 tạ thịt lợn các loại nhưng 1 tháng trở lại đây chưa khi nào bán được đến 1 tạ. Mọi chi phí đều tăng nên người dân thắt chặt chi tiêu” - bà Hường chia sẻ.

Cơ cấu lại theo hướng tăng trưởng bền vững

Giá lợn hơi giảm có nguyên nhân đầu tiên là sức mua thấp vì kinh tế khó khăn kéo dài. Ngoài yếu tố thị trường còn có yếu tố hiện tại các loại dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, bùng phát ở một số địa phương. Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp ở một số địa phương, khiến giá lợn liên tục giảm sâu trong thời gian gần đây.

Nêu nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại, ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Thú y (Bộ NNPTNT) cho hay, chủ yếu do công tác quản lý và chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học chưa tốt.

“Từ nay đến cuối năm, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi sẽ tiếp tục xảy ra nếu các địa phương, đặc biệt là những nơi phát triển về chăn nuôi không quan tâm, không triển khai có hiệu quả kịp thời các giải pháp mà Chính phủ và Bộ NNPTNT đưa ra” - ông Long nói.

Giới chuyên gia cho rằng, để ngành chăn nuôi lợn phát triển bền vững, cần cơ cấu lại theo hướng tăng trưởng ổn định, phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các tác nhân tham gia và cả người tiêu dùng. Muốn vậy, phải kiểm soát tốt vấn đề dịch bệnh, kiểm soát tốt an toàn thực phẩm, môi trường, thị trường, tổ chức các chuỗi liên kết.

“Những năm gần đây, sản phẩm chăn nuôi đều khó tiêu thụ, phải bán dưới giá thành trong khi nhập khẩu lại tăng lên. Đây là thực trạng rất đáng suy ngẫm, nếu không sớm có các giải pháp thì ngành chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ sẽ gặp vô vàn khó khăn thậm chí dẫn đến phá sản. Mà điều này xảy ra thì sẽ có hàng nghìn người mất sinh kế, thu nhập” - ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho hay.

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/som-co-cau-lai-nganh-chan-nuoi-5742004.html