Sớm có giải pháp chống úng ngập bền vững tại TP Hồ Chí Minh

Mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của bão số 9 đã khiến hàng trăm điểm, khu vực dân cư của TP Hồ Chí Minh chìm trong biển nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, tài sản của người dân. Tình trạng ngập, úng sau mưa, triều cường ở TP Hồ Chí Minh đã và đang đặt ra yêu cầu cần có những giải pháp giải quyết tình trạng này một cách căn cơ, bền vững.

Ðường Phan Huy Ích, quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) bị ngập sâu, người dân di chuyển khó khăn. Ảnh: LÊ QUÂN

Mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của bão số 9 đã khiến hàng trăm điểm, khu vực dân cư của TP Hồ Chí Minh chìm trong biển nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, tài sản của người dân. Tình trạng ngập, úng sau mưa, triều cường ở TP Hồ Chí Minh đã và đang đặt ra yêu cầu cần có những giải pháp giải quyết tình trạng này một cách căn cơ, bền vững.

Khẩn trương ổn định cuộc sống

Cho đến tận chiều ngày 26-11, hàng chục xe máy và tài sản của người dân tại hai tầng chung cư 71/5 và 71/6 trên đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh vẫn chưa được "giải cứu". Trận mưa lớn kéo dài suốt ngày 25-11 đã làm hệ thống thoát nước trên đường Chu Văn An quá tải và hầm để xe của hai chung cư này vô tình trở thành nơi chứa nước. Chị Nguyễn Thành Tuấn, một cư dân tại đây cho biết, sáng 26-11 chị phải xin nghỉ làm để sửa hai chiếc xe bị hư hỏng nặng do ngâm nước từ hôm qua. Chung quanh hai chung cư này, các thợ trong các tiệm sửa xe máy đều bị quá tải do lượng xe vào ra liên tục. Tương tự, lực lượng phòng, chống thiên tai các quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp cũng có một ngày làm việc vất vả khi nhiều tầng hầm để xe của các tòa nhà dọc hai bên đường Phan Xích Long bị biến thành hầm nước do ảnh hưởng của cơn mưa lớn.

Trận mưa lớn lịch sử này cũng đã gây ngập cả bệnh viện. Tại Bệnh viện đa khoa khu vực huyện Hóc Môn, nước đã tràn vào các khoa, phòng, riêng khu hành chính, khoa cấp cứu, khoa khám bệnh và nhà giữ xe nước gây khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thậm chí, các y, bác sĩ đã phải lội nước bì bõm để khám, điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân.

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 9 gây ra, liên tục từ chiều ngày 25 đến trưa 26-11, các đơn vị và cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố đã chủ động triển khai nhiều công việc và kế hoạch cụ thể. Theo đó, Sở Y tế đã chỉ đạo các quận, huyện chủ động thực hiện việc vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, xử lý các điểm ngập úng; trường hợp không xử lý được thì Sở sẽ hỗ trợ chi viện. Tại Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn, bác sĩ Nguyễn Mạnh Bảo, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Nước ngập trong khuôn viên bệnh viện đã rút dần nhưng một số khu vực trũng thấp như sân, khu vực nhà xe vẫn còn nước. Ðể bảo đảm công tác khám, chữa bệnh cho người dân, Ban Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn đã chỉ đạo chuyển Khoa khám bệnh và Khoa cấp cứu lên tầng 2.

Trong tối 25-11, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân tại một số khu vực chịu ảnh hưởng nặng của cơn bão (ngập lụt, cây xanh ngã đổ...), Tổng công ty Ðiện lực TP Hồ Chí Minh đã chủ động cắt điện một số tuyến đường, làm ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cho khoảng 130 nghìn khách hàng. Tuy nhiên, đến 8 giờ sáng 26-11, đơn vị đã khôi phục cấp điện trở lại cho hầu hết khách hàng. Trước đó, để ứng phó bão số 9, UBND huyện Cần Giờ đã tổ chức 28 điểm di dời cho khoảng 4.600 người của các hộ có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông, biển, các khu vực xung yếu, vùng trũng thấp đến các khu tránh trú an toàn. Ðến sáng 26-11, người dân tại các điểm tránh trú đã trở về nhà an toàn. Hiện, các lực lượng cũng tiếp tục rà soát, hỗ trợ sửa chữa nhà cho các hộ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, từ sáng sớm ngày 26-11, các bến phà tại TP Hồ Chí Minh đã hoạt động trở lại bình thường, trong đó có phà Bình Khánh (nối từ huyện Nhà Bè đến Cần Giờ), giúp hoạt động kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm thành phố được thông suốt.

Cần giải pháp chống ngập dài hạn

Theo đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ, trận mưa do ảnh hưởng bão số 9 là một trong những trận mưa lớn lịch sử tại TP Hồ Chí Minh về thời gian và lưu lượng nước. Tại quận 1, mực nước đo được là 301 mm, huyện Nhà Bè là 345 mm, huyện Cần Giờ là 293 mm và cao nhất ở quận Tân Bình là 407,6 mm. Còn thống kê của Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, trận mưa này cũng xuất hiện đến 60 điểm ngập trên toàn thành phố, trong đó, nhiều điểm ngập sâu hơn một mét, khiến nhiều người dân chấp nhận "bỏ của chạy lấy người" khi hàng loạt ô-tô, xe máy có giá trị bị ngâm nước trong suốt đêm 25-11. Theo Trung tâm chống ngập, đơn vị đã cử lực lượng tăng cường máy bơm để nước thoát ra, đồng thời bố trí công nhân vớt rác thường xuyên ở miệng cống và khu vực kênh rạch để tăng sự thoát nước, giảm ngập song hệ thống cống chỉ thoát được tối đa 86 mm/3 giờ, kênh rạch thoát được 96 mm/3 giờ, trong khi lượng mưa đo được có nơi hơn 400 mm.

Ngập úng không phải là vấn đề mới đối với TP Hồ Chí Minh. Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh cho biết, giai đoạn 2016 - 2018, thành phố đã dồn sức triển khai nhiều giải pháp đồng bộ hơn so với trước đây như nâng đường, nâng nền, làm bờ bao, cống kiểm soát triều, nâng cấp hệ thống thoát nước… nhằm giải quyết căn cơ tình trạng ngập nước đô thị. Cụ thể, thành phố triển khai 54 dự án xây dựng hệ thống thoát nước để bổ sung gần 100 km cống các loại và nạo vét 61 km kênh rạch; thực hiện 1.494 công trình, cải tạo nâng cấp các tuyến hẻm; triển khai thực hiện 209 hạng mục công trình cấp bách nhằm khống chế tình trạng phát sinh khu vực ngập mới; thuê dịch vụ chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh... Tuy vậy, hạn chế của công tác chống ngập hiện nay là các quy hoạch về thoát nước, chống ngập, thủy lợi được phê duyệt đã không còn phù hợp; thành phố vẫn chưa có quy hoạch cao độ nền làm cơ sở tính toán chính xác khi đầu tư hệ thống thoát nước; việc phối hợp, cập nhật xây dựng chung Quy hoạch tổng thể các ngành, lĩnh vực chưa đồng bộ; thêm nữa, nguồn vốn để đầu tư hạ tầng chống ngập cũng đang là bài toán nan giải khi mà giai đoạn 2016 - 2020 thành phố cần tới gần 10.000 tỷ đồng để thực hiện. Theo các chuyên gia quy hoạch, nếu triển khai đồng bộ việc xây các hồ điều tiết thì lượng nước mưa tích trữ sẽ lên đến hàng chục triệu m3, giúp giảm được trên 30% tình trạng ngập úng.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến, để giải quyết tình trạng ngập nước, chính quyền thành phố đã yêu cầu Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố và các sở, ngành chức năng tập trung tìm nguyên nhân từng điểm ngập, từ đó xây dựng kế hoạch chống ngập căn cơ và bền vững. Về lâu dài, TP Hồ Chí Minh cần thực hiện tổng thể các giải pháp tiêu thoát nước theo quy hoạch đề ra như đầu tư đồng bộ hệ thống cống thoát nước, cống kiểm soát triều, đê bao; tập trung sử dụng nguồn vốn ngân sách đầu tư các công trình cấp bách, ưu tiên mời gọi các dự án đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa.

QUANG QUÝ và VÕ LÊ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/38376202-som-co-giai-phap-chong-ung-ngap-ben-vung-tai-tp-ho-chi-minh.html