Sớm đưa điểm thu gom, xử lý chất thải rắn xây dựng vào hoạt động

Bắc Giang là một trong những địa phương trong cả nước sớm chú trọng đến xử lý chất thải rắn xây dựng (CTRXD), qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, người dân khi triển khai dự án, công trình có chất thải xây dựng cần xử lý. UBND tỉnh đã ban hành quy định một số nội dung về vấn đề này. Hiện nay, các địa phương đang rốt ráo thực hiện.

Bố trí 62 vị trí tập kết

Ngày 27/9/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 32/2023/QĐ-UBND về Quy định một số nội dung về thu gom, vận chuyển và xử lý CTRXD trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, có hiệu lực từ ngày 10/10/2023. Theo đó, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh quản lý công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRXD trên địa bàn.

CTRXD được đổ ven đê tả Thương, đoạn qua huyện Lạng Giang.

Trong văn bản cũng nêu rõ, chủ nguồn thải CTRXD cần thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý CTRXD hoặc ký hợp đồng với đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý CTRXD theo quy định. Đối với chất thải như sắt, thép, nhôm, kính, nhựa, gỗ, giấy... thì chủ đầu tư tự thanh lý cho bên thu gom tái chế; đối với chất thải là gạch vỡ, bê tông, cát, đá thì tổ chức vận chuyển đến bãi tập kết đổ thải theo quy hoạch hoặc cơ sở tái chế, cơ sở xử lý để có thể tái sử dụng cho các công trình khác; chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý CTRXD theo hợp đồng ký kết giữa chủ nguồn thải CTRXD và đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý CTRXD.

Sở dĩ phải ban hành quy định này là do trước đây, việc quản lý, xử lý CTRXD còn những hạn chế, thiếu hướng dẫn quản lý, xử lý cụ thể. Trên địa bàn tỉnh chưa có các nhà máy, khu xử lý loại chất thải này nên tình trạng chất thải phát sinh trong quá trình xây dựng chưa được xử lý, bị đổ tràn lan diễn ra khá phổ biến. Không chỉ vậy, việc chưa có quy định cụ thể còn gây khó khăn cho nhiều chủ đầu tư thực hiện dự án. Đơn cử, khi thực hiện dự án tòa nhà liên cơ quan mới, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang), chủ đầu tư mất nhiều thời gian để xin cấp phép, hoàn thiện các thủ tục khi đổ thải vật liệu để xây dựng tòa nhà. Chỉ với hạng mục di chuyển vật liệu cũ, CTRXD, nhà thầu phải mất nhiều tháng trời mới xong.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng, hiện nay, các huyện, TP đã bố trí 62 vị trí đổ thải, với diện tích khoảng 102 ha để làm bãi đổ CTRXD.

Để khắc phục bất cập, đưa xử lý CTRXD vào nền nếp, Sở Xây dựng đã tham mưu và được UBND tỉnh ban hành quy định về xử lý loại chất thải này.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng, thực hiện quy định trên, các huyện, TP đã bố trí khoảng 62 vị trí, với diện tích khoảng 102 ha để làm bãi tập kết, xử lý CTRXD.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành quy hoạch chi tiết

Tìm hiểu tại TP Bắc Giang được biết, hiện đơn vị đã bố trí 1 vị trí bãi đổ thải tập trung có diện tích khoảng 5 ha tại phường Đa Mai để chứa các chất thải rắn phát sinh từ quá trình phá dỡ công trình hiện trạng, thi công dự án. Khu đất trên nằm trong khu vực đã được TP thu hồi bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng bãi xử lý chôn lấp rác thải thị xã (nay là TP) Bắc Giang từ năm 2003.

Theo Quy hoạch chung TP Bắc Giang đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 (tỷ lệ 1/10.000), thì khu đất trên được quy hoạch là đất đầu mối hạ tầng kỹ thuật (phù hợp làm bãi đổ thải và xử lý chất thải rắn xây dựng). Khu vực đề xuất hiện chưa có quy hoạch phân khu.

Theo Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 TP Bắc Giang, khu đất trên quy hoạch là đất khuôn viên và nghĩa trang, hiện trạng là đất bãi thải, xử lý chất thải. UBND TP giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP quản lý bãi chôn lấp chất thải rắn xây dựng trên như mô hình quản lý vận hành bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt Đa Mai (thuê đơn vị quản lý, vận hành theo khối lượng dịch vụ công ích) và thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư số 08/2017/TT-BXD ngày 16/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về quản lý CTRXD.

Từ khi có bãi đổ thải đến nay, đã có 6 đơn vị thực hiện dự án tại địa bàn TP Bắc Giang đổ thải tại khu vực này với tổng hơn 25 nghìn m3 đất, đá, phế thải xây dựng. Ông Đào Công Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết: “Cùng với việc bố trí bãi đổ thải, chúng tôi cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc, UBND cấp xã thực hiện tốt công tác quản lý CTRXD; chỉ đạo chủ đầu tư các công trình thực hiện đổ thải tại vị trí bãi đổ thải trên; xử lý nghiêm các hành vi đổ thải trái phép, không đúng nơi quy định”.

Tại huyện Lạng Giang đã quy hoạch 2 bãi đổ chất thải xây dựng tại xã Nghĩa Hòa, Tân Hưng. Theo Sở Xây dựng, cơ bản chất thải rắn phát sinh từ hoạt động xây dựng công trình (như đất, đá,…) được tái sử dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng song phải bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định; đất, bùn, cỏ rác từ hoạt động đào đất, nạo vét lớp đất mặt không đủ điều kiện tái sử dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng thì có thể sử dụng để bồi đắp cho đất trồng cây và các khu vực đất phù hợp khác hoặc đổ thải đúng vị trí quy định.

Đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong quá trình sửa chữa, cải tạo hoặc xây mới công trình có phát sinh CTRXD phải thực hiện đúng theo quy định và pháp luật về bảo vệ môi trường. Mặc dù đã có quy định song qua khảo sát thực tế, một số địa bàn vẫn còn tình trạng đổ CTRXD chưa đúng quy định.

Để đưa việc xử lý CTRXD vào nền nếp, Sở Xây dựng đôn đốc các địa phương hoàn thiện quy hoạch chi tiết bãi đổ thải để thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý. Cùng đó, đề nghị các chủ đầu tư thực hiện tốt các nội dung của quy định về CTRXD; trong quá trình khảo sát xây dựng lập dự án cần xác định rõ khối lượng đất, đá, cỏ rác. Đồng thời, tính toán, xác định đầy đủ các khoản chi phí liên quan phải thực hiện. Cùng đó, đề nghị UBND cấp huyện thường xuyên tuyên truyền rộng rãi tới cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý CTRXD; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm khi phát hiện vi phạm.

Bài, ảnh: Trường Sơn

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/416054/som-dua-diem-thu-gom-xu-ly-chat-thai-ran-xay-dung-vao-hoat-dong.html