Sớm đưa dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông vào sử dụng

Phó Thủ tướng đề nghị sớm đưa đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào khai thác vì người dân đang mong mỏi...

Sáng 2/1/2020, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai kế hoạch năm 2020.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá năm 2019, ngành giao thông vận tải đã tạo ra hạ tầng giao thông cho cả nước, tăng năng lực vận tải đóng góp vào phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng, tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhu cầu đi lại người dân, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của nước ta.

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, đoạn qua hồ Hoàng Cầu (Hà Nội). (Ảnh minh họa/Flickr)

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, đoạn qua hồ Hoàng Cầu (Hà Nội). (Ảnh minh họa/Flickr)

Tuy nhiên, ngành giao thông cũng gặp khó khăn với cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó có cả xử lý những vấn đề tồn tại của thời kỳ trước liên quan đến thanh tra, kiểm tra.

Với những việc cụ thể, phó thủ tướng đề nghị Bộ GTVT phối hợp các địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị. Trong đó sớm đưa đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác vì người dân đang mong mỏi hoàn thành để sử dụng.

"Dự án này còn một số vướng mắc nhỏ mà việc xử lý trong thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải nên sớm giải quyết", Phó Thủ tướng đánh giá.

Trước đó, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được cho là lại phải lùi tiếp sang năm 2020, chưa thể vận hành do thiếu chứng chỉ an toàn từ tổng thầu.

Kết thúc năm 2019, Bộ GTVT yêu cầu phải hoàn thành đánh giá an toàn hệ thống mới nhận bàn giao, trong khi tổng thầu khẳng định dự án đã hoàn thành 100%, nên bàn giao ngay. Về yêu cầu hoàn thiện hồ sơ, tổng thầu khẳng định không có hồ sơ để giao nộp.

Để tháo gỡ khó khăn cho dự án, Cục Đăng kiểm đã cấp chứng nhận đăng kiểm tạm thời cho đoàn tàu để đủ điều kiện vận hành thử toàn hệ thống. Đồng thời, Bộ GTVT đề nghị tư vấn rà soát phương thức đánh giá an toàn hệ thống, xem xét cấp tạm thời làm cơ sở vận hành thử và đưa vào khai thác.

Hiện tại, tư vấn ACT đã hoàn thành thêm một số báo cáo đánh giá an toàn (từ 6 lên 9 báo cáo), còn Cục Đăng kiểm cấp chứng nhận đăng kiểm tạm thời cho 13 đoàn tàu của dự án để đủ điều kiện vận hành thử toàn hệ thống. Thế nhưng tổng thầu chưa cung cấp được các chứng chỉ an toàn của 13 đoàn tàu, chưa có các kết quả thử nghiệm an toàn từ nhà sản xuất khiến tư vấn chưa thể hoàn tất đánh giá an toàn.

Về phía Bộ GTVT, cho biết sẽ không nhận bàn giao đường sắt Cát Linh nếu đơn vị thi công chưa chứng minh được chất lượng và tính an toàn như đã nêu trong hợp đồng.

Cam kết mới về đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Khó lắm!

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư năm 2008 với tổng vốn gần 8.800 tỷ đồng (khoảng 553 triệu USD), trong đó 400 triệu USD là vốn vay Trung Quốc. Tổng mức đầu tư sau đó được điều chỉnh lên trên 18.000 tỷ đồng (868 triệu USD) vào năm 2016, vay Trung Quốc tăng thêm hơn 7.220 tỷ đồng, lên mức gần 13.900 tỷ đồng (669,6 triệu USD).

Đến nay sau 11 năm phê duyệt, 8 năm thi công, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng và chỉ còn 1% các hạng mục phụ trợ, nhưng vẫn chưa thể đưa vào khai thác.

An An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/som-dua-du-an-duong-sat-cat-linh-ha-dong-vao-su-dung-3394465/