Sớm đưa Nghi Sơn trở thành đầu tàu kinh tế Nam Thanh - Bắc Nghệ

Ngày 12/8, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) tổ chức khai mạc Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Tham dự Đại hội, có các đồng chí: Lê Huy Ngọ, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bùi Văn Thạch, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; các đồng chí nguyên là lãnh đạo các bộ, ngành trung ương qua các thời kỳ. Đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, các Mẹ VNAH và 268 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 11.000 Đảng viên trên địa bàn thị xã Nghi Sơn.

Thị xã trẻ

Thị xã Nghi Sơn được thành lập từ 01/6/2020, trên cơ sở nguyên trạng 455,61km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 307.304 người của huyện Tĩnh Gia. Thị xã Nghi Sơn có 31 đơn vị hành chính trực thuộc 16 phường, gồm: Hải Châu, Hải Bình, Hải An, Tân Dân, Hải Lĩnh, Ninh Hải, Bình Minh, Hải Thanh, Hải Thượng, Xuân Lâm, Trúc Lâm, Hải Hòa, Hải Ninh, Nguyên Bình, Tĩnh Hải, Mai Lâm và 15 xã ngoại thị.

Toàn cảnh Đại hội

Trong những năm qua, xây dựng và phát triển thị xã Nghi Sơn luôn là nhiệm vụ trọng tâm, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa quan tâm chỉ đạo, được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tĩnh Gia nỗ lực, cố gắng thực hiện. Theo đó, Quy hoạch xây dựng vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ đến năm 2025, tầm nhìn sau năm 2025 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1447/QĐ-TTg, ngày 16/9/2009. Trong đó, định hướng đến năm 2025 sẽ hình thành thành phố Nghi Sơn. Nhờ những thuận lợi về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, cùng với sự quan tâm của tỉnh Thanh Hóa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Nghi Sơn đã giành được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư, phát triển, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, diện mạo đô thị hình thành rõ nét, khang trang.

Trong nhiệm kỳ qua, đã có 23/27 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 29,9%, vượt mục tiêu đại hội, cao nhất so với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Quy mô giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 80.455 tỷ đồng, gấp 3,7 lần năm 2015; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 48 triệu đồng/người, gấp 2,6 lần năm 2015.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản năm 2020 ước chiếm 2,2%, giảm 5% so với năm 2015; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 91,3%, tăng 7,5% so với năm 2015; ngành dịch vụ chiếm 6,5%, giảm 2,5% so với năm 2015. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông, lâm, thủy sản từ 36,3% năm 2015 xuống còn 25,3% năm 2020; tăng tỷ trọng lao động công nghiệp, xây dựng và dịch vụ từ 63,7% năm 2015 lên 74,7% năm 2020.

Giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 168,2 nghìn tỷ đồng. Nhiều dự án sản xuất, kinh doanh, đầu tư kết cấu hạ tầng quy mô lớn đã hoàn thành, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của thị xã và của tỉnh. Hiện trên địa bàn có gần 900 doanh nghiệp, tăng 43,4% so với đầu nhiệm kỳ và đang hoạt động trên các lĩnh vực xây dựng, thương mại, dịch vụ, vận tải hàng hóa, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến thủy, hải sản, du lịch... Các doanh nghiệp đã và đang đóng góp vào ngân sách với mức thu cân đối trên địa bàn hằng năm đạt gần 320 tỷ đồng/năm, tăng bình quân 23,9%/năm, vượt 15% so với mục tiêu đại hội.

Các đại biểu tham dự Đại hội

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Nghi Sơn đã triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) 287 dự án. Đặc biệt, đã hoàn thành GPMB nhiều dự án trọng điểm, như: Đường giao thông từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS), đường ống nước thô KKTNS, mặt bằng Khu C - Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, khu công nghiệp luyện kim, đường từ Quốc lộ 1A đi Khu du lịch Hải Hòa, các bến cảng tổng hợp... và nhiều dự án thương mại, dịch vụ quan trọng khác.

Đi đôi với lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ thị xã Nghi Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức công tác chính trị, tư tưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và các chuyên đề hằng năm, đặc biệt là đăng ký học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thiết thực, hiệu quả...

Sớm đưa Nghi Sơn trở thành đầu tàu kinh tế Nam Thanh - Bắc Nghệ

Phát biểu tại Đại hội, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng ghi nhận và biểu dương những thành quả trong nhiệm kỳ vừa qua mà Đảng bộ thị xã Nghi Sơn đã đạt được. Đồng chí Phó Bí thư cho biết: "Nghi Sơn là địa phương nằm trên trục giao lưu Bắc - Nam của đất nước, có vị trí trọng yếu về kinh tế, quân sự và đối ngoại, với KKTNS là 1 trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước, có dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Cảng biển Nghi Sơn, những nhà máy, khu công nghiệp, khu du lịch, khu đô thị…, những năm qua, thị xã Nghi Sơn đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Việc thành lập thị xã Nghi Sơn vào tháng 4 vừa qua là tiền đề quan trọng, mở ra cho Nghi Sơn thời cơ, vận hội mới, để tiếp tục bứt phá trở thành một trung tâm kinh tế, đô thị ven biển trọng điểm của cả nước".

Lễ nhấn nút vận hành TM dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn

"Thị xã Nghi Sơn - KKTNS với vai trò là đô thị công nghiệp hạt nhân của Trung tâm động lực phía Nam, là đầu mối kết nối với vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa, có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển của tỉnh, của khu vực và quốc gia, vì vậy nhiệm vụ công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa vừa là yêu cầu, vừa là hướng đi tất yếu của thị xã từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo" - Phó Bí thư Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh

Để thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ Đảng bộ và Nhân dân thị xã đề ra, Đảng bộ cần bám sát định hướng chính trị, Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch chung xây dựng KKTNS đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, mở rộng; phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, Ban Quản lý KKTNS và các khu công nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết, làm cơ sở để kêu gọi đầu tư và quản lý đô thị; bảo đảm có tư duy đổi mới, tìm ra những giải pháp đột phá về thể chế, về môi trường đầu tư kinh doanh nhằm phát huy tốt hơn nữa nền tảng hiện có, liên kết chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất với tổng thể phát triển chung của tỉnh, với các đô thị trong nước, hướng đến khu vực và quốc tế.

Có cơ chế, chính sách phù hợp thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống hạ tầng kỹ thuật then chốt, các dự án hạ tầng xã hội, khu vực KKTNS mở rộng, các xã phía Đông Bắc và phía Tây Nghi Sơn để từng bước hoàn thiện hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo sức hấp dẫn mới thu hút đầu tư vào thị xã, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Cùng với phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển đột phá khu phía Đông, phát triển mạnh khu phía Nam, cần tạo động lực lan tỏa phát triển nhanh khu Đông Bắc, phát triển rõ nét khu phía Tây, bảo đảm cho đô thị Nghi Sơn phát triển bền vững.

Toàn cảnh Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn

Đây là nhiệm vụ chính trị rất cao, cũng chính là nguyện vọng và đòi hỏi chính đáng của Nhân dân; vừa là thách thức đối với Đảng bộ và Nhân dân thị xã Nghi Sơn. Đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân thị xã Nghi Sơn phải "quyết tâm trong ý chí, quyết liệt trong hành động", vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp chính trị, kinh tế, hành chính và công tác cán bộ, tạo bước phát triển mạnh mẽ về sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; tạo lập được môi trường chính trị, xã hội, đô thị ổn định, lành mạnh; xây dựng con người phát triển toàn diện, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của tỉnh.

Với chức năng là trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ ven biển, Đảng bộ thị xã Nghi Sơn đã quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo định hướng của tỉnh Thanh Hóa "phát triển công nghiệp - xây dựng là trọng tâm, dịch vụ là quan trọng", để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác và phát huy tốt các lợi thế cạnh tranh, tiềm năng khác biệt và cơ hội nổi trội, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa.

Nghi Sơn tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với khai thác có hiệu quả Cảng biển Nghi Sơn; phát triển hợp lý các ngành công nghiệp nhẹ, da giày và tiểu thủ công nghiệp, để công nghiệp thực sự là trụ cột của thị xã.

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh

Trong những năm tới, Nghi Sơn cần chú trọng cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư và doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình chuẩn bị và triển khai các dự án, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của thị xã trong những năm tới.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, quản lý đô thị, trật tự xây dựng; xử lý triệt để các điểm bức xúc ô nhiễm do chất thải, nước thải của các cơ sở sản xuất, bảo đảm chất lượng môi trường đô thị lành mạnh, tạo điều kiện phát triển toàn diện và bền vững.

Tiếp tục tạo đột phá về chất lượng và cơ cấu sản phẩm dịch vụ trên cơ sở phát huy lợi thế của Cảng biển Nghi Sơn, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường sắt và đường kết nối với Cảng hàng không Thọ Xuân để phát triển mạnh các loại hình dịch vụ cảng biển, logictics, vận tải, xuất nhập khẩu…, trở thành đầu mối giao lưu, trao đổi hàng hóa trong tỉnh, khu vực và quốc tế.

Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, phát triển ngành du lịch, nhất là du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tâm linh; tăng cường xã hội hóa đầu tư hạ tầng dịch vụ du lịch. Quan tâm khuyến khích phát triển các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp hữu cơ; nhanh chóng hình thành vùng nông nghiệp chuyên canh sản xuất các sản phẩm đặc trưng, có thương hiệu và chỉ dẫn địa lý.

Đẩy mạnh xã hội hóa, tạo chuyển biến nhanh, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Quan tâm bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng trên địa bàn; coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp của quê hương, khơi dậy niềm tự hào, biến truyền thống thành nguồn lực quan trọng để xây dựng thị xã phát triển bền vững.

THU HƯƠNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/som-dua-nghi-son-tro-thanh-dau-tau-kinh-te-nam-thanh-bac-nghe-20200812190445492.htm