Sớm hoàn thiện chính sách đặc thù, để nghệ sĩ giữ nghề và sáng tạo

Sau 12 ngày diễn ra sôi nổi, Liên hoan các trích đoạn Sân khấu hay toàn quốc năm 2023 đã cho thấy đây thực sự là một 'đại tiệc' đầy sắc màu với sự tham gia của hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên của 33 đơn vị nghệ thuật trên cả nước, cùng 106 trích đoạn nghệ thuật sân khấu đặc sắc.

Kịch hát truyền thống “lên ngôi”

Tại Liên hoan các trích đoạn Sân khấu hay toàn quốc năm 2023, những trích đoạn kinh điển của Việt Nam và thế giới, những trích đoạn về đề tài lịch sử đã được các nghệ sĩ đem ra trình diễn bên cạnh những trích đoạn về đề tài chiến tranh cách mạng và đời sống đương đại. Sự phong phú, đa dạng về đề tài trong các trích đoạn đã làm cho Liên hoan có nhiều màu sắc, không nhàm chán, gieo được những cung bậc cảm xúc khác nhau cho khán giả.

7 đơn vị nhận giải Trích đoạn xuất sắc tại Liên hoan.

Đánh giá chất lượng Liên hoan, TS. Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo nhận định, các trích đoạn tại liên hoan tuy chưa phải là bức tranh hoàn chỉnh khắc họa diện mạo của nghệ thuật Sân khấu Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, nhưng cũng đủ các yếu tố để chúng ta nhìn nhận, đánh giá xem nghệ thuật sân khấu đang đứng ở cung bậc nào trước đòi hỏi của đời sống xã hội và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân.

Theo TS. Nguyễn Đăng Chương, phần lớn trích đoạn sân khấu đưa đến liên hoan đều có kết cấu hợp lý, người xem hiểu nội dung câu chuyện được chuyển tải trong khoảng thời gian ngắn mà không bị hụt hẫng, tẻ nhạt thông qua hình tượng của một hoặc hai nhân vật chính.

Đặc biệt, trong 106 trích đoạn thì có tới 85 trích đoạn thuộc các loại hình nghệ thuật kịch hát truyền thống. Theo ông Chương, con số này là thành công lớn nhất của Liên hoan. Bởi trong điều kiện còn quá nhiều khó khăn thách thức, các nghệ sĩ kịch hát dân tộc vẫn thắp sáng khát vọng sáng tạo, cố gắng vượt qua chính mình, “gạn đục khơi trong” để giữ nghề, để lưu truyền và tiếp nối những thành quả mà nhiều thế hệ ông cha đã vắt kiệt cả cuộc đời mới tạo dựng nên.

Hội đồng giám khảo cũng ghi nhận 29 trích đoạn kinh điển của nghệ thuật tuồng và chèo truyền thống được trình diễn trong Liên hoan. “Về cơ bản các thành phần sáng tạo đã giữ được các nguyên tắc và đặc trưng cốt lõi của từng loại hình nghệ thuật, giữ được các trò diễn, trò nhời; tiếp nhận và phát huy những thành quả cha ông để lại với tiết tấu mới, phù hợp với sự tiếp nhận của khán giả ngày hôm nay. Nhiều diễn viên đã tỏa sáng, lấp lánh trên các tiêu chí “thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần” mà người xưa truyền lại, tạo nên cảm xúc ngọt ngào nhưng mãnh liệt”, TS. Nguyễn Đăng Chương nhận định.

Trích đoạn vở chèo “Những vì sao không tắt” của Đoàn Nghệ thuật Chèo - Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam.

Đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các nghệ sĩ, các thành phần sáng tạo từ các đơn vị tham gia Liên hoan, NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan cho rằng, từ liên hoan nghệ thuật lần này, các nghệ sĩ có thêm những kiến thức và kinh nghiệm nghề nghiệp, tiếp tục không ngừng nâng cao trình độ, cống hiến cho xã hội những tác phẩm ý nghĩa, chất lượng.

“Với sự lao động nghệ thuật miệt mài nghiêm túc, liên hoan đã mang đến cho đông đảo khán giả yêu thích nghệ thuật sân khấu những cảm nhận sâu sắc, thấu hiểu hơn những người làm nghề, khám phá và hiểu biết nhiều hơn những giá trị tinh hoa của loại hình nghệ thuật truyền thống”, NSND Trịnh Thúy Mùi nhấn mạnh.

Còn đó những âu lo

Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật Sân khấu toàn quốc năm 2023 đã chính thức khép lại với những huy chương lấp lánh được trao. Thế nhưng, sau những nụ cười rạng rỡ trong đêm trao giải, khi tấm màn nhung khép lại, vẫn còn đâu đó những trăn trở, âu lo.

Không âu lo sao được khi có những mục đích mà nhà tổ chức đặt ra nhưng vẫn chưa thể thực hiện được trọn vẹn; có những vấn đề đã diễn ra nhiều năm nhưng đến nay vẫn là những “nan đề” khó giải quyết.

Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật Sân khấu toàn quốc năm 2023 được kỳ vọng là hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống trước những tác động của cơ chế thị trường. Đây cũng là dịp để các nghệ sĩ thuộc nhiều loại hình nghệ thuật giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nhằm sáng tạo ra nhiều trích đoạn, vai diễn hay. Thế nhưng, yếu tố “trao đổi, học hỏi” của Liên hoan khá mờ nhạt. Thực tế là hầu hết các đơn vị đều cận ngày diễn mới đến, diễn xong là về ngay. Nguyên do bởi kinh phí eo hẹp, câu chuyện “cơm, áo, gạo, tiền” đeo đẳng nên người nghệ sĩ và cả lãnh đạo đơn vị nghệ thuật đều khó có thể bố trí thời gian và chi phí cho các nghệ sĩ ở lại nhiều ngày.

Trích đoạn trong vở “Cát bụi” - Nhà hát Kịch Hà Nội.

Trước đây, trong các kỳ liên hoan, hội diễn, các đoàn được cấp kinh phí, không nhiều nhưng cũng đủ để các đơn vị xem nhau cho tới ngày bế mạc. Bây giờ đơn vị công lập đã khó khăn rồi, đơn vị sân khấu xã hội hóa còn khó gấp bội. Thế nên mới có tình trạng bạn diễn không xem nhau, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu cũng không mấy mặn mà. Các diễn viên, thành phần sáng tạo vở diễn không có cơ hội xem đơn vị bạn biểu diễn thì nói gì tới chuyện học hỏi. Vì vậy, cũng như các kỳ liên hoan nghệ thuật khác, Liên hoan năm nay vẫn là nơi... “đến diễn xong tất cả lại về”; giữa các đoàn nghệ thuật, giữa nghệ sĩ với khán giả ít có sự giao lưu, tương tác.

Bên cạnh đó, các liên hoan, cuộc thi hay hội diễn thường được coi là ngày hội của người làm nghề, là dịp để người làm nghệ thuật đầu tư tâm sức, xây dựng những tác phẩm chất lượng cao nhất. Kỳ Liên hoan này, công chúng mong chờ việc thi thố các trích đoạn hay sẽ thúc đẩy sự sáng tạo của các nghệ sĩ; người nghệ sĩ sẽ mang đến Liên hoan những gì tinh túy nhất, những “mảng miếng” sáng tạo mới nhất. Thế nhưng, bên cạnh số ít “tích hay, trò lạ”, Hội đồng giám khảo cũng đã chỉ ra một vài đơn vị mang tới liên hoan những sản phẩm rất nghiệp dư, thậm chí có cả trích đoạn về đề tài hiện đại được ê kíp sáng tạo hư cấu phản cảm. Đặc biệt, tại Liên hoan có tới 6 trích đoạn “Đôi lứa xứng đôi” được phóng tác, dàn dựng từ tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao. Điều này cho thấy sự sáo mòn, già cỗi, lặp lại chính mình, biến nghệ sĩ biểu diễn trở thành “thợ diễn” trên sân khấu.

Chủ tịch Hội đồng giám khảo Nguyễn Đăng Chương cũng lưu ý một thực tế, đó là đội ngũ diễn viên đang quá phụ thuộc vào sự chỉ dẫn của đạo diễn hoặc người hướng dẫn nên thiếu sự sáng tạo của cá nhân nghệ sĩ trong các vai diễn. Nhiều đơn vị nghệ thuật đang lâm vào tình trạng khủng khoảng cả về “lượng” và “chất” trong đội ngũ diễn viên...

Nghệ sĩ Kim Thùy, Hoàng Hải và Nhã Thy (Nhà hát Trần Hữu Trang) đoạt giải thưởng tại Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật Sân khấu toàn quốc 2023.

Để nghệ sĩ giữ nghề và sáng tạo, ông Nguyễn Đăng Chương kiến nghị nên tổ chức Liên hoan định kỳ 3 năm một lần. Cần xây dựng đề án, lên kế hoạch tổ chức để các đơn vị nghệ thuật có thời gian chuẩn bị về mọi mặt, lựa chọn trích đoạn, lựa chọn diễn viên, đầu tư kinh phí dàn dựng. Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm hoàn thiện chế độ chính sách đặc thù đối với nghệ sĩ, chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống để dần lấp đầy khoảng trống về đội ngũ sáng tạo...

Nghệ sĩ Hoàng Hải đoạt Huy chương vàng trong trích đoạn độc diễn “Cám dỗ vương quyền”.

“Trước khi diễn ra Liên hoan, Thường trực Hội phân công các Ủy viên Ban chấp hành đi xem, tư vấn đóng góp để các đơn vị nâng cao chất lượng các trích đoạn, tham mưu với Ban Chỉ đạo kiên quyết không triệu tập những trích đoạn yếu kém về nội dung, tư tưởng, chất lượng nghệ thuật tham dự Liên hoan”, TS. Nguyễn Đăng Chương đề xuất.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/som-hoan-thien-chinh-sach-dac-thu-de-nghe-si-giu-nghe-va-sang-tao-post250783.html