Sớm khắc phục những bất cập trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Nhiều bạn đọc phản ánh, là tuyến đường hiện đại vào loại bậc nhất, song, sau hơn ba năm chính thức đưa vào sử dụng, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã phát sinh nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể: Nhiều đoạn người dân tự ý phá rào chắn để đi qua đường; đoạn từ Km 123-244+750 không có dải phân cách cứng; lệ phí tham gia giao thông quá cao; thiếu đường gom dân sinh; nhiều nhà xe tùy tiện đón, trả khách trên đường…

Tồn tại nhiều bất cập

Anh Nguyễn Văn Hóa, ở huyện Phù Ninh (Phú Thọ) cho biết: “Người dân thường dắt trâu bò, đi mô-tô trên đường cao tốc khiến các lái xe phải phanh gấp. Một số lái xe không kịp phanh cho nên đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông… ”. Anh Nguyễn Tuấn Phong, lái xe thường xuyên đi lại trên tuyến đường này cho rằng: Hiện nay, mức phí 300 nghìn đồng mà Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC, chủ đầu tư) thu đoạn từ Hà Nội đi Lào Cai là quá cao. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng của tuyến đường này chưa đạt chuẩn mà vẫn phải đóng lệ phí theo tiêu chuẩn đường cao tốc là không công bằng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua năm tỉnh, thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai với chiều dài khoảng 250 km. Hiện tuyến đường này được ví như “đòn bẩy” kinh tế của khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động đến nay đã nảy sinh nhiều bất cập như: Có khoảng 22 km không rào được hành lang; nhiều đoạn như Km 36+600 (TT), Km 134 (TT), Km 104 (TT)… người dân tự ý phá, mở rào để tạo lối đi, canh tác hoa màu, chăn thả gia súc… Hơn nữa, tại các Km 117 (PT+TT), Km 172 (PT), Km 189 (PT) thường xuất hiện xe mô-tô đi vào đường cao tốc dù không được phép; người dân mở hàng quán tự phát, khiến nhiều ô-tô chở khách thường xuyên dừng đỗ, đón trả khách...

Được biết, nguyên nhân chính là do công tác đền bù giải phóng mặt bằng giữa người dân và chủ đầu tư chưa thống nhất; ý thức của một số người dân tham gia giao thông còn hạn chế. Bên cạnh đó, hệ thống đường gom dân sinh kết nối các nút giao, các trạm dừng nghỉ còn thiếu; việc quy hoạch các điểm dừng đỗ xe tại các địa phương chưa hợp lý; không có các trạm dịch vụ phục vụ xe lưu thông trên đường như rửa xe, bơm nước mui, tắm cho gia súc… Những bất cập, hạn chế đó phần nào lý giải vì sao sự mất an toàn giao thông (ATGT) luôn rình rập trên tuyến đường này, gây bức xúc trong dư luận.

Theo Đại tá Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, cao tốc (Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT), Bộ Công an), ngoài những bất cập nêu trên thì từ khi triển khai, thực hiện Nghị định 46/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, nhiều lái xe trên đường cao tốc đã tìm mọi cách để tránh sự phát hiện, xử lý của CSGT. Đáng chú ý, do mức phạt cao, có thể bị tước giấy phép lái xe đã khiến một số người vi phạm tìm mọi cách chống đối, thậm chí hối lộ CSGT để được bỏ qua. Bên cạnh đó, hệ thống biển báo hiệu đường bộ Việt Nam trên đường cao tốc này có kích thước lớn hơn, vị trí đặt biển và số lượng biển báo cũng nhiều hơn so với trước đây, nhưng chậm được thay thế. Chính những điều đó khiến các CSGT làm nhiệm vụ trên tuyến đường này gặp không ít khó khăn…

Sớm tháo gỡ vướng mắc

Theo Phó Tổng Giám đốc VEC Nguyễn Văn Nhi, để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đơn vị đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể, gồm: Thường xuyên tuyên truyền, phát tờ rơi về các quy định lưu thông trên đường cao tốc; kiên quyết từ chối phục vụ các chủ xe, hãng xe vi phạm ba lần lỗi tùy tiện dừng đỗ, đón trả khách cho đến khi các đơn vị này có cam kết không vi phạm; tổ chức hội nghị khách hàng giữa VEC và các đơn vị vận tải, các địa phương để cùng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh; bước đầu tổ chức đề án đón trả khách, trung chuyển khách từ đường bộ, qua nút giao vào đường cao tốc. Bên cạnh đó, đơn vị cũng thường xuyên phối hợp đoàn thanh niên, ban ATGT các địa phương để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ. Cũng theo ông Nguyễn Văn Nhi, trong tháng 1-2018, có khoảng 36.000 phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường bị từ chối phục vụ do chở hàng quá tải trọng quy định, dừng đỗ, đón trả khách trái phép, gian lận thẻ, gian lận cước phí, sang tải trên đường cao tốc gây mất ATGT,...

Trao đổi với đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Chiến Thắng, chúng tôi được biết, tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai có hơn 80 km đi qua địa bàn tỉnh. Trước những hạn chế, bất cập nêu trên, lãnh đạo tỉnh đã kiến nghị VEC sớm cải tạo, sửa chữa những đoạn đường gom mà chủ đầu tư đã sử dụng trong khi làm đường cao tốc; mở thêm nút IC 13 như đã thiết kế. Lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo lãnh đạo các huyện Văn Yên, Trấn Yên và TP Yên Bái tổ chức cho người dân các xã, nơi có đường cao tốc đi qua ký cam kết thực hiện bảo đảm ATGT, bảo vệ các trang thiết bị của tuyến đường. Nghiêm cấm các nhà xe đăng ký hoạt động ở tỉnh dừng đỗ, đón trả khách trái phép trên đường cao tốc. Nếu nhà xe nào cố tình vi phạm sẽ bị cấm lưu hành có thời hạn. Tuy nhiên, để hạn chế đến mức thấp nhất những bất cập nêu trên, các địa phương và các đơn vị tham gia quản lý, khai thác tuyến đường này phải cùng triển khai, thực hiện các giải pháp đồng bộ và quyết liệt.

Để bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, mọi người tham gia giao thông phải điều khiển phương tiện đúng tốc độ quy định; đi đúng phần đường quy định; không lùi xe, quay đầu xe, đi ngược chiều; không tùy tiện dừng đỗ, đón trả khách; không điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia; không điều khiển xe mô-tô đi vào đường cao tốc. Khi trời mưa, đường trơn, sương mù… các phương tiện phải giảm tốc độ. Nếu người điều khiển các phương tiện cố tình vi phạm sẽ bị lực lượng CSGT xử lý nghiêm.

Đại tá Phạm Văn Hòa Phó Trưởng Phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, cao tốc (Cục CSGT, Bộ Công an)

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã nhiều lần kiến nghị lãnh đạo các địa phương có đường cao tốc đi qua phải bảo đảm an toàn cho tuyến đường, bởi đây là tài sản quốc gia. Bên cạnh đó, các địa phương nên quy hoạch các điểm đón, trả khách ngoài đường cao tốc để các nhà xe không dừng, đón khách trái phép. VEC cần phối hợp sở GTVT các địa phương, Cục CSGT trong quá trình xử lý các phương tiện vi phạm trên đường. Đối với các hành vi tự ý phá rào chắn, gây mất an ninh - trật tự trên đường cao tốc,… công an các địa phương phải xử phạt nghiêm, nhằm tăng tính răn đe.

Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia

Hiện nay, trên quốc lộ, các phương tiện được phép lưu thông với tốc độ tối đa 90 km/giờ, trong khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn qua tỉnh Yên Bái tốc độ tối đa là 80 km/giờ. Phải chăng đây chưa phải là đường cao tốc, mà chỉ là đường chất lượng cao? Hơn nữa, tại một số trạm soát vé có tình trạng người dân đi xe máy vào đường cao tốc, nhưng không bị cơ quan chức năng xử lý. Đây là những bất cập mà chủ đầu tư cần nghiên cứu, sửa đổi và sớm khắc phục.

Ông Nguyễn Văn Chí (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái)

Để bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, mọi người tham gia giao thông phải điều khiển phương tiện đúng tốc độ quy định; đi đúng phần đường quy định; không lùi xe, quay đầu xe, đi ngược chiều; không tùy tiện dừng đỗ, đón trả khách; không điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia; không điều khiển xe mô-tô đi vào đường cao tốc. Khi trời mưa, đường trơn, sương mù… các phương tiện phải giảm tốc độ. Nếu người điều khiển các phương tiện cố tình vi phạm sẽ bị lực lượng CSGT xử lý nghiêm.

Đại tá Phạm Văn Hòa Phó Trưởng Phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, cao tốc (Cục CSGT, Bộ Công an)

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã nhiều lần kiến nghị lãnh đạo các địa phương có đường cao tốc đi qua phải bảo đảm an toàn cho tuyến đường, bởi đây là tài sản quốc gia. Bên cạnh đó, các địa phương nên quy hoạch các điểm đón, trả khách ngoài đường cao tốc để các nhà xe không dừng, đón khách trái phép. VEC cần phối hợp sở GTVT các địa phương, Cục CSGT trong quá trình xử lý các phương tiện vi phạm trên đường. Đối với các hành vi tự ý phá rào chắn, gây mất an ninh - trật tự trên đường cao tốc,… công an các địa phương phải xử phạt nghiêm, nhằm tăng tính răn đe.

Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia

Hiện nay, trên quốc lộ, các phương tiện được phép lưu thông với tốc độ tối đa 90 km/giờ, trong khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn qua tỉnh Yên Bái tốc độ tối đa là 80 km/giờ. Phải chăng đây chưa phải là đường cao tốc, mà chỉ là đường chất lượng cao? Hơn nữa, tại một số trạm soát vé có tình trạng người dân đi xe máy vào đường cao tốc, nhưng không bị cơ quan chức năng xử lý. Đây là những bất cập mà chủ đầu tư cần nghiên cứu, sửa đổi và sớm khắc phục.

Ông Nguyễn Văn Chí (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái)

HOÀNG HIẾU và HỒNG SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/35608402-som-khac-phuc-nhung-bat-cap-tren-duong-cao-toc-noi-bai-lao-cai.html