Sớm khắc phục tình trạng keo chết hàng loạt ở Tuyên Quang

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang liên tục xảy ra tình trạng cây keo chết héo. Tốc độ cây bị chết lan rất nhanh, thành vùng, thành khoảnh lớn, chủ yếu ở diện tích rừng trồng từ một đến năm tuổi, trên giống keo hạt và keo hom... Thực trạng này đòi hỏi các ngành, đơn vị liên quan tập trung nghiên cứu, sớm tìm ra giải pháp xử lý vấn đề trên giúp cho kinh tế lâm nghiệp của tỉnh phát triển bền vững.

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang liên tục xảy ra tình trạng cây keo chết héo. Tốc độ cây bị chết lan rất nhanh, thành vùng, thành khoảnh lớn, chủ yếu ở diện tích rừng trồng từ một đến năm tuổi, trên giống keo hạt và keo hom... Thực trạng này đòi hỏi các ngành, đơn vị liên quan tập trung nghiên cứu, sớm tìm ra giải pháp xử lý vấn đề trên giúp cho kinh tế lâm nghiệp của tỉnh phát triển bền vững.

Theo Ðoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Tuyên Quang, chúng tôi đi kiểm tra thực tế tại một số lô keo lai, keo tai tượng, bạch đàn trồng khoảng năm 2017 - 2018 của đội 974 thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Sơn. Tại lô 12 và lô 13 thuộc khoảnh 437, diện tích chỉ có 0,9 ha keo hom nhưng có tới gần một nửa số cây chết héo. Tại các lô 2, 3, 4 cũng trong khoảnh 437, khoảng 5% cây keo đang có biểu hiện chết héo. Còn tại lô rừng số 9 có 0,9 ha keo thì có 0,4 ha cây đã chết. Ðội sản xuất 1082 có 400 ha thì có 10 ha đã chết khô không thể tận thu. Qua quan sát, chúng tôi thấy có nhiều cây keo bị chết đứng; những cây bị bệnh có hiện tượng nứt vỏ, chảy gôm, mạch dẫn bị thâm đen, cành lá bị vàng, lá héo, phần rễ bị thối, tuột vỏ và chết từng phần. Hiện tượng cây chết nằm rải rác thành từng chòm hoặc từng đám lớn.

Tiếp tục đến kiểm tra một số lô ở khoảnh 438A thì diện tích 5,7 ha trồng cây bạch đàn cấy mô bị thiệt hại hoàn toàn. Ðây chủ yếu là giống cây bạch đàn PN2, dù trên thân, rễ chưa phát hiện hiện tượng bất thường, nhưng trên lá bánh tẻ và lá già có hiện tượng ngả vàng, chuyển khô cháy và rụng lá hàng loạt, đọt non chết khô. Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Sơn Vũ Thị Dung cho biết, nhiều lô rừng của công ty đều có hiện tượng keo chết héo và tập trung nhiều nhất ở diện tích rừng được trồng từ hai đến 5 năm tuổi. Những năm gần đây, số keo chết gia tăng, nhất là từ đầu năm đến nay, do nhiệt độ, độ ẩm cao, keo chết rất nhiều từng vùng, từng khoảnh, có lô tỷ lệ cây chết lên đến từ 40 đến 50%. Theo báo cáo từ các đội sản xuất, toàn công ty có 93,97 ha cây keo bị bệnh, diện tích thiệt hại đến thời điểm này là 14,03 ha. Ðối với bạch đàn, có 9,2 ha rừng bị bệnh, trong đó 6,795 ha bị thiệt hại. Hiện đang vào mùa mưa khiến dịch bệnh trên cây lan rộng cho nên keo chết rất nhanh. Cứ mỗi tháng, một lô rừng có khoảng 20 đến 30 cây chết. Keo chết nhiều khiến việc xử lý của các đội không thể xuể.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Dương cũng là đơn vị chịu nhiều thiệt hại lớn do keo chết héo hàng loạt. Tại đội sản xuất Ðông Hữu, xã Ðông Thọ (huyện Sơn Dương), keo chết héo rải rác ở 500 ha, nếu quy diện tích đông đặc thì có khoảng 4 ha đã chết hoàn toàn mà không thể tận thu vì gỗ bị đổi mầu, kém chất lượng. Ðội trưởng đội sản xuất Ðông Hữu Lý Văn Ðông cho biết, tốc độ cây bị chết lan rất nhanh, thành vùng, thành khoảnh lớn, chủ yếu ở diện tích rừng trồng từ một đến năm tuổi, trên giống keo hạt và keo hom.

Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ của Sở NN và PTNT tỉnh, hiện tượng keo chết héo diễn ra ở cả diện tích rừng keo của người dân cũng như của các công ty lâm nghiệp ở nhiều huyện trong tỉnh. Diện tích keo chết héo đông đặc khoảng 18 ha, trong đó nặng nhất là Yên Sơn với 14 ha, Sơn Dương 4 ha. Với tình trạng diện tích keo héo không có khả năng phục hồi như hiện nay, dự báo số lượng cây keo bị thiệt hại sẽ tiếp tục tăng thêm. Ðây là năm ghi nhận thiệt hại nặng nhất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Theo kết quả kiểm tra cho thấy, bệnh gây hại nặng trên cây keo trồng năm thứ 2 đến năm thứ 4, nhất là trên diện tích rừng keo trồng chu kỳ 2, chu kỳ 3. Sở NN và PTNT tỉnh đã giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật lấy mẫu bệnh phẩm, phân tích tìm nguyên nhân. Kết quả cho thấy, hầu hết cây keo chết do thân và rễ bị tổn thương; nấm xâm nhiễm, gây thối rễ, vỏ cây tại các vị trí xâm nhiễm. Gỗ bị biến mầu và cây không có khả năng phục hồi. Bệnh phát triển và có xu hướng lây lan mạnh trong điều kiện thời tiết mưa ẩm. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh xảy ra các đợt mưa lớn kèm theo dông lốc làm đổ gãy nhiều. Từ các điểm tổn thương trên cây keo, nấm khuẩn đã xâm nhập gây hại và lan rộng. Riêng đối với những diện tích đã trồng lâu năm, một phần nguyên nhân là do quá trình khai thác, trồng lại nhiều chu kỳ, bà con không thực hiện khử trùng, vệ sinh rừng cẩn thận, mầm bệnh lưu trú cho nên gặp điều kiện thời tiết thuận lợi là phát tán gây hại trên cây non. Bên cạnh nguyên nhân do nấm khuẩn gây ra thì một nguyên nhân nữa đang khiến người trồng rừng nghi ngờ đó là nguồn cây giống. Bởi hầu hết diện tích keo chết đều là giống keo lai giâm hom.

Tuyên Quang là tỉnh có thế mạnh về phát triển cây lâm nghiệp. Ðể phát huy lợi thế tiềm năng về kinh tế lâm nghiệp, tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ: Ðầu tư nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng; tích cực chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất lâm nghiệp; quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy để phát triển hợp tác, liên kết trồng rừng sản xuất; luôn duy trì tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh hơn 64%... từ đó thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực chế biến lâm sản, như: Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa công suất 1,3 triệu m3/năm; Nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang 680 nghìn m3/năm; Nhà máy ván ép nhân tạo MDF 120 nghìn m3/năm; Nhà máy sản xuất đồ gỗ xuất khẩu 160 nghìn m3/năm. Sự quan tâm đầu tư của địa phương cùng sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân cũng như tiềm năng đầu tư lớn mà các chủ đầu tư trong lĩnh vực khai thác cây lâm nghiệp triển khai tích cực thời gian qua, đã giúp kinh tế lâm nghiệp của tỉnh phát triển nhanh, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2018 đạt hơn 1.064 tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2017, bình quân giai đoạn 2013 - 2018 tăng 7,4%/năm. Vì vậy, trước tình trạng cây keo chết hàng loạt như thời gian qua, cần sớm có giải pháp để khắc phục tình trạng keo chết héo, trước mắt phải khoanh vùng, dập dịch ngăn không cho bệnh chết héo phát sinh lan rộng; đồng thời nghiên cứu kỹ về quy trình nhân giống, sử dụng giống sạch bệnh và các biện pháp phòng ngừa bệnh để bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh bền vững, tạo sinh kế lâu dài cho người dân địa phương cũng như cho ngành kinh tế lâm nghiệp của Tuyên Quang.

HẢI CHUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41255302-som-khac-phuc-tinh-trang-keo-chet-hang-loat-o-tuyen-quang.html