Sớm luật hóa quy định ghế chuyên dụng trên ô tô, đảm bảo ATGT cho trẻ em

Các chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng, việc lắp đặt ghế trẻ em trên ô tô cần sớm được luật hóa để tăng hiệu quả đảm bảo ATGT.

Thế giới khuyến cáo, Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể

Hôm nay (24/9), Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Quỹ Phòng chống thương vong châu Á và Báo Giao thông tổ chức Hội thảo tăng cường công tác truyền thông về các yếu tố có nguy cơ cao dẫn tới TNGT nhằm nâng cao ATGT đường bộ tại Việt Nam.

Chia sẻ tại đây, bà Dr. Judy Fleiter, Giám đốc Toàn cầu Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu GRSP cho biết, theo nghiên cứu, ghế chuyên dụng cho trẻ em (một trong 5 yếu tố quan trọng có thể dẫn tới nguy cơ mất ATGT) nếu được sử dụng trên ô tô sẽ góp phần ít nhất 60% nguy cơ tử vong.

Đối với trẻ từ 8 - 12 tuổi, sử dụng ghế nâng giúp giảm 19% tỷ lệ thương tật so với chỉ sử dụng dây an toàn.

Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo tăng cường công tác truyền thông về các yếu tố có nguy cơ cao dẫn tới TNGT nhằm nâng cao ATGT đường bộ tại Việt Nam hôm nay (24/9)

Hiệu quả là vậy song, PGS.TS Phạm Việt Cường, Đại học Y tế công cộng cho biết, theo thống kê chưa chính thức, tỷ lệ các gia đình mua ô tô và tự mua ghế an toàn để bảo vệ con trẻ tại Việt Nam vẫn rất khiếm tốn, trung bình 10.000 xe mới có 2 - 4 xe được trang bị loại thiết bị này.

Theo PGS.TS Phạm Việt Cường, ghế an toàn cho trẻ em là biện pháp được cả thế giới khuyến cáo. Hiện đã có 96 quốc gia có quy định luật liên quan đến ghế an toàn cho trẻ với các độ tuổi được lựa chọn khác nhau, có nước lựa chọn trẻ đến 4 tuổi, có nước lại quy định ghế an toàn cho trẻ đến 15 tuổi.

“Nghiên cứu cho thấy, trẻ em chỉ có thể dùng dây an toàn khi cao khoảng 135cm hoặc khoảng 10 tuổi. Tổ chức y tế thế giới cũng đưa ra 3 tiêu chí của một quy định tốt về ghế an toàn cho trẻ em, gồm: Luật phải quy định trẻ em phải sử dụng ghế trẻ em ít nhất đến 10 tuổi hoặc đạt chiều cao 135cm; Luật cần đề cập tiêu chuẩn về ghế an toàn dành cho trẻ em; Luật hạn chế trẻ em theo tuổi hoặc chiều cao ngồi ghế trước”, ông Cường nói và cho biết, dựa trên khuyến nghị của WHO và nghiên cứu sự phát triển của trẻ em Việt Nam, chúng ta cần sớm luật hóa quy định về ghế an toàn cho trẻ trên ô tô.

“Các quy định có thể nghiên cứu áp dụng là bắt buộc các đối tượng trẻ em dưới 10 tuổi, dưới 135cm; Quy định trẻ em dưới 12 tuổi không được ngồi ghế trước; tiêu chuẩn kỹ thuật ghế, chất lượng ghế trên xe”, ông Cường nói.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, tại Việt Nam hiện nay, nhiều người dân đã chủ động lắp đặt ghế chuyên dụng trên ô tô để đảm bảo an toàn cho con trẻ. Tuy nhiên, ghế được sử dụng có rất nhiều chủng loại nên việc luật hóa, đưa ra các tiêu chí về thiết bị đảm bảo ATGT này cần sớm được nghiên cứu, chuẩn hóa và bổ sung quy tắc giao thông kèm theo.

Kiểm soát nồng độ cồn người điều khiển phương tiện, xử phạt vi phạm hành vi không đội mũ bảo hiểm hay quy định về tốc độ,... là những vấn đề được các chuyên gia ATGT Việt Nam quan tâm, nghiên cứu để tiếp tục đề xuất sửa đổi, nâng cao hiệu quả quản lý, hạn chế tối đa nguy cơ TNGT - Ảnh minh họa

Tiếp tục hoàn thiện quy định, nâng cao hiệu quả quản lý trật tự ATGT

Bà Dr. Judy Fleiter cho biết thêm, theo khảo sát, tốc độ, uống rượu bia khi lái xe, mũ bảo hiểm, dây an toàn và ghế chuyên dụng cho trẻ em là 5 yếu tố quan trọng trong đảm bảo an toàn đối với người tham gia giao thông.

“Nghiên cứu cho thấy, phương tiện lưu thông trên đường cứ tăng tốc 1km/h thì tăng 3% nguy cơ tai nạn thương tích, tăng 4 - 5% nguy cơ tai nạn chết người.

Một vấn đề khác được các chuyên gia quan tâm là hiện nay hành vi không đội MBH chỉ bị phạt từ 200.000 - 300.000 đồng và bình quân là 250.000. Trong khi đó, chi phí cho mũ đạt chuẩn khoảng 300.000 - 400.000. Chi phí của sự tuân thủ đang lớn hơn việc không tuân thủ khiến nhiều người có ý thức chấp hành thấy không phục.

Mức phạt dành cho vi phạm mũ bảo hiểm được đề xuất cần được nâng lên gấp 2 - 3 lần khung quy định hiện hành.

Tốc độ phương tiện càng cao, nguy cơ thương vong với người đi bộ càng lớn, ước khoảng 50% nếu phương tiện đi ở tốc độ 50km/h và tăng lên 60% nếu phương tiện đi ở tốc độ 80 km/h. Nếu giảm 5% tốc độ trung bình có thể giúp giảm 30% số ca gây tai nạn chết người.

Về vấn đề sử dụng rượu bia, khi lái xe có nồng độ cồn trong máu vượt quá 0,05g/dl, nguy cơ TNGT tăng đáng kể. Nếu luật cấm uống rượu bia khi lái xe được thực hiện nghiêm ngặt, số ca tử vong do TNGT có thể giảm được 20%.

Nguy cơ tử vong do TNGT cũng sẽ được giảm 40% và giảm 70% nguy cơ thương tật nghiêm trọng nếu người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm đúng cách”, bà Dr. Judy Fleiter thông tin.

Liên quan đến vấn đề thắt dây an toàn, theo bà Dr. Judy Fleiter, quy định này nếu được triển khai hiệu quả, nguy cơ thương vong sẽ được giảm tới 50% đối với người ngồi ghế trước và 75% đối với người ngồi ghế sau”, bà Dr. Judy Fleiter nói.

Đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, từ hiệu quả nêu trên, thời gian qua, các chuyên gia của Việt Nam đã và đang tiếp tục phân tích ưu/nhược điểm trong quy định pháp luật về ATGT hiện hành ở nước ta để góp ý, sửa đổi, nâng cao hiệu quả quản lý.

Một trong những vấn đề được quan tâm là theo quy định tại Nghị định 100, mức xử phạt cao nhất đối với vi phạm nồng độ cồn trong máu trên 80mg/100ml máu sẽ là 16 - 18 triệu đồng (đối với người điều khiển xe máy), 30 - 40 triệu đồng (đối với người điều khiển ô tô).

Theo nghiên cứu, nồng độ cồn trong máu sẽ đạt 80mg/100ml máu khi lái xe uống khoảng 3 ly bia hoặc 3 chén nhỏ rượu mạnh. Vấn đề đặt ra là với người uống 15 cốc bia, mức phạt vẫn chỉ như người uống 3 cốc, trong khi mức độ rủi ro, nguy hiểm rất khác nhau. Điều đó cho thấy, quy định pháp luật cần được điều chỉnh hơn phù hợp với mức độ vi phạm. Đồng thời, cần nghiên cứu đến hình thức lưu hồ sơ vi phạm, phạt lũy tiến để tạo sự răn đe.

“Hay đối với vấn đề tốc độ, theo ý kiến chuyên gia, hiện nay, quy định tốc độ ở Việt Nam thường được giới hạn theo kết cấu của tuyến đường, ví dụ: tuyến đường cứ có quy mô 2 làn, dải phân cách ở giữa là phương tiện có thể được chạy 60 km/h.

Trong khi đó, tốc độ cao hay không cần phụ thuộc vào mức độ an toàn, đặc điểm lưu thông của tuyến đường (tỷ lệ giao cắt, người đi bộ, mật đô dân cư) như thế nào”, TS. Trần Hữu Minh nói.

Trần Duy - Nam Khánh

Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/som-luat-hoa-quy-dinh-ghe-chuyen-dung-tren-o-to-dam-bao-atgt-cho-tre-em-d526196.html