Sớm ổn định đời sống người dân bản Si Văn (Ðiện Biên)

Nhường mặt bằng cho đơn vị thi công tiến hành dự án san nền, giao thông, thoát nước tại điểm dân cư Si Văn, thuộc xã Pa Thơm, huyện Ðiện Biên (tỉnh Ðiện Biên), từ tháng 9-2018, hàng chục gia đình dân tộc Cống ở bản Púng Bon, Si Văn đã chủ động tháo dỡ nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi. Nhưng người dân ở đây rất bức xúc vì sự chậm trễ trong triển khai của đơn vị thi công và sự thiếu quyết liệt của chủ đầu tư khiến tiến độ dự án trì trệ.

Nhiều gia đình tại bản Si Văn phải sống trong những ngôi nhà tạm do dự án chậm tiến độ.

Đường lên điểm đang san gạt tạo mặt bằng bản Si Văn rất khó khăn, đất mới san gạt lại gặp mưa cho nên vừa trơn vừa nhão. Trời nắng như đổ lửa, chúng tôi bước từng bước khó nhọc, lên đến nơi chỉ có mấy nóc nhà lợp tôn thấp lè tè.

Trong căn nhà vừa chật vừa thấp của anh Quàng Văn Ðoan, người dân tộc Cống, bản Si Văn, đồ đạc đáng giá nhất là mấy cái nồi nhôm nằm chỏng chơ ở góc bếp. Thấy chúng tôi người nào người ấy mồ hôi nhễ nhại, anh Quàng Văn Ðoan liền hỏi: "Nóng à? Vậy mà chúng tôi ở đây hơn một năm rồi đấy. Nhiều đêm nóng quá tôi ngủ luôn ở cửa chứ chẳng vào nhà".

Những khó nhọc từ ngày dỡ nhà dịp tháng 10-2018 đến nay được anh Ðoan điểm lại. Cũng như mấy chục gia đình khác, khi nghe nhà thầu vào thông báo dỡ nhà để san gạt mặt bằng cho bản rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn thì anh Ðoan đã nhờ anh em họ hàng đến dỡ nhà, chuyển đồ sang chỗ khác. Vợ chồng anh Ðoan chọn khu đất trống dựng tạm nhà. Ðến bây giờ, đã thêm ba lần nữa phải dựng nhà tạm mà mặt bằng vẫn chưa xong. Ngước nhìn lên mái với những lỗ chân đinh trống hoác, giọng anh Ðoan buồn rầu: "Cứ dựng nhà được vài tháng thì nhà thầu lại nói cần mặt bằng thế là chúng tôi lại chuyển, đến nay đã chuyển bốn lần, mái tôn cứ tháo ra lắp vào hỏng hết".

Nhà bà Nạ Thị Ðăm cũng ở tạm trên cùng khu đất với nhà anh Ðoan. Nghe tiếng khách chào, bà Ðăm chỉ cười đáp lời vì không biết tiếng phổ thông. Nhờ Chủ tịch UBND xã Pa Thơm (huyện Ðiện Biên) Lò Văn Liên phiên dịch, chúng tôi được biết, nhà bà Ðăm có sáu người ở trong ngôi nhà dựng tạm khoảng 10 m2. Ban ngày, trẻ con đi học, con gái và con rể bà Ðăm đi làm nương, nhà chỉ có mình bà. Công việc mỗi ngày của bà Ðăm là lo cơm nước cho mấy đứa nhỏ và đi xuống bản dưới lấy nước ăn cho cả gia đình. Vì ở trên khu này không điện, không nước, không đường đi cho nên lấy nước trở thành việc chính với các gia đình. Nhà nào cũng phải lo cử người hằng ngày xuống bản dưới xách từng can nước. Những người cao tuổi như bà Ðăm, bà Tấu cố lắm thì mỗi ngày cũng mang được khoảng chục lít nước về nhà.

Thấy có đoàn khách lạ ghé thăm, anh Quàng Văn Sam liền tất tả đi tới. Chỉ tay về khu lán tạm của gia đình, anh Sam giãi bày: "Ðấy là nơi sinh sống của sáu người nhà tôi. Vì không tìm được điểm xen ghép tại bản Púng Bon cho nên gia đình tôi đành phải dựng lán trong khu vực dự án, khi thi công gần tới điểm dựng lán thì nhà tôi phải di chuyển sang chỗ khác. Gần một năm nay tôi đã bốn lần chuyển lán mà chưa xong mặt bằng; chỗ ở tạm bợ, không có nước, cuộc sống rất khó khăn".

Ðứng trên nền khu đất mới san gạt, Chủ tịch UBND xã Pa Thơm Lò Văn Liên cho biết: "Chính khu này trước là nhà của một số gia đình, song nhà thầu đã san gạt tạo mặt bằng. Chẳng hiểu chủ đầu tư tính toán, thiết kế kiểu gì, chứ khu này đất xốp san gạt ra rất dễ bị sụt trượt. Lúc đầu, cả chủ đầu tư, nhà thầu đều nói làm nhanh vậy mà suốt một năm mới được thế này. Không biết bao giờ dự án mới hoàn thành để phân nền cho người dân làm nhà".

Chúng tôi có buổi làm việc với ông Giàng A Dình, Trưởng ban Dân tộc tỉnh. Với trách nhiệm chủ đầu tư dự án, ông Giàng A Dình cho biết, Dự án san nền, giao thông, thoát nước điểm dân cư Si Văn, xã Pa Thơm, có tổng mức đầu tư 5,765 tỷ đồng; Công ty cổ phần xây dựng Nam Giang là đơn vị trúng thầu thi công dự án. Ðây là một trong năm dự án đầu tư cho đồng bào dân tộc Cống ở Pa Thơm theo Ðề án "Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Ðiện Biên, giai đoạn 2011- 2020". Dự án nhằm tạo mặt bằng bố trí sắp xếp đất ở cho 30 hộ dân tộc Cống làm nhà theo mô hình chuẩn nông thôn mới để ổn định cuộc sống, tránh di dân tự do, bảo tồn và phát triển người dân tộc Cống tại xã Pa Thơm.

Theo Hợp đồng số 81/2018/HÐ-TCXD ngày 20-7-2018, trong 15 tháng Công ty cổ phần xây dựng Nam Giang phải hoàn thành toàn bộ các phần việc của dự án là san nền tạo mặt bằng dân cư cùng với đường giao thông và hệ thống thoát nước nội bản. Tháng 10-2018, nhà thầu khởi công dự án, nhưng chỉ làm đến tháng 2-2019 đã dừng thi công, bỏ lại khu mặt bằng bị san gạt nham nhở. Ðến giữa tháng 5-2019, nhà thầu lại cho người vào thi công tiếp nhưng máy móc, công nhân quá ít cho nên đến nay khu mặt bằng bản vẫn chưa hoàn thành.

Nắm bắt được thực trạng, tiếp thu ý kiến của HÐND tỉnh sau chương trình giám sát tháng 5-2019, ngày 9-7-2019, ông Giàng A Dình, Trưởng ban Dân tộc tỉnh ký Văn bản số 314/BDT-VP gửi Công ty cổ phần xây dựng Nam Giang và các đơn vị liên quan đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Theo đó, văn bản yêu cầu cụ thể đơn vị thi công: "Bàn giao hạng mục mặt bằng cho chủ đầu tư trước ngày 30-8-2019 và bàn giao toàn bộ công trình cho chủ đầu tư trước ngày 30-10-2019. Trong trường hợp đến ngày 30-8-2019 đơn vị thi công không bàn giao phần mặt bằng thì chủ đầu tư sẽ căn cứ vào các điều khoản của hợp đồng và các quy định của pháp luật để chấm dứt hợp đồng với đơn vị thi công". Văn bản rõ ràng là thế, nhưng đến thời điểm chúng tôi thực hiện bài viết này, dự án san nền, giao thông, thoát nước điểm dân cư Si Văn vẫn dở dang; người dân vẫn phải sống trong cảnh ở tạm trên chính nền đất của nhà mình với bao khó khăn, vất vả.

Bài và ảnh: LÊ LAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/42039202-som-on-dinh-doi-song-nguoi-dan-ban-si-van-%C3%B0ien-bien.html