Sớm ổn định giá và ngành hàng thịt lợn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ tháng 4 đến nay, giá thịt lợn hơi liên tục tăng, có thời điểm đạt mức từ 52 đến 56 nghìn đồng/kg ở một số địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi có lãi. Tuy nhiên, giá lợn xuất chuồng tăng cao trong thời gian qua không chỉ ảnh hưởng đển chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mà còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đối với ngành hàng thịt lợn của Việt Nam.

Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), sản lượng thịt lợn xuất chuồng chín tháng qua ước đạt 2,7 triệu tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó, quý III - 2018, sản lượng thịt lợn xuất chuồng ước đạt 834,2 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2017. Dự tính quý IV, sản lượng thịt lợn hơi sẽ đạt xấp xỉ 1,1 triệu tấn, tăng 1,9% so cùng kỳ năm 2017 và cả năm ước đạt gần 3,8 triệu tấn, tăng 0,9% so năm 2017. Về giá sản phẩm thịt lợn, trong quý I - 2018, giá lợn hơi giữ ở mức 31 đến 32 nghìn đồng/kg, nhưng đến đầu quý II, giá bắt đầu tăng lên từ 35 đến 48 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, đến quý III, giá tăng cao từ 49 đến 56 nghìn đồng/kg và hiện đang giữ ở mức hơn 50 nghìn đồng/kg. Từ tháng 5 đến nay, giá lợn tại Việt Nam tăng nhanh và luôn cao hơn so với giá lợn hơi tại Trung Quốc và Thái-lan.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia chăn nuôi, giá thành sản xuất khoảng 35 đến 36 nghìn đồng/kg lợn hơi, nếu bán với giá 52 đến 56 nghìn đồng, lãi khoảng 20 nghìn đồng/kg. Nếu giá lợn tiếp tục chênh lệch, thịt lợn ngoại sẽ ồ ạt nhập vào Việt Nam; rồi các hộ, trang trại chăn nuôi đồng loạt tái đàn thì rất có thể lại rơi vào cảnh khủng hoảng thừa như giai đoạn 2016 - 2017, khiến ngành chăn nuôi trong nước phát triển không bền vững. Cùng với đó là nguy cơ dịch bệnh khi có những con lợn không đủ tiêu chuẩn cũng làm giống, nhất là nhiều nước trên thế giới đang chịu ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Lý giải về việc giá lợn hơi tăng cao, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Nguyễn Thành Trung cho rằng, đó là do người chăn nuôi sợ thua lỗ nên không mạnh dạn đầu tư tái đàn, dẫn đến quy mô tổng đàn giảm. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường tăng cao, nguồn cung không đáp ứng đủ. Mặt khác, theo Chi Cục trưởng Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, khi thống kê rà soát tổng đàn, nhiều nơi vẫn thống kê mang tính xác suất cho nên cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực chăn nuôi luôn bị động trong định hướng phát triển. Thực tế trên cho thấy, việc quản lý thị trường chưa hiệu quả, cần cải thiện trong quản lý cung - cầu và có các giải pháp căn cơ để ổn định giá cả.

Để bình ổn thị trường và phát triển bền vững ngành hàng thịt lợn của Việt Nam, các doanh nghiệp chăn nuôi kiến nghị Bộ NN và PTNT, Cục Chăn nuôi thường xuyên có thông tin kết nối các doanh nghiệp với nhau. Cần có cảnh báo tổng thể và làm tốt công tác đăng ký đàn lợn. Đặc biệt lưu ý chăn nuôi nông hộ, bởi các hộ này thường xuyên thay đổi số lượng lợn nuôi, do vậy cần kiểm soát được chăn nuôi tự phát.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dabaco Phạm Văn Học, để giảm được giá lợn hơi cần quan tâm vấn đề sản xuất giống, sản xuất lợn thương phẩm, phân phối thịt lợn, giá nguyên liệu đầu vào. Trong đó, vai trò điều tiết của cơ quan quản lý là rất quan trọng. Về vấn đề này, Quyền Cục trưởng Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho rằng, ngoài việc đa dạng hóa sản phẩm và thị trường tiêu thụ thịt lợn, ngành sẽ tái cơ cấu thật nhanh theo hướng tổ chức chăn nuôi lợn theo các chuỗi liên kết, đứng đầu là các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và nông hộ theo nhiều hình thức; áp dụng công nghệ tiên tiến để tăng năng suất, hiệu quả. Đầu tư hiện đại hóa hoạt động giết mổ, chế biến sâu và đa dạng hóa các sản phẩm thịt lợn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu... Ngoài ra, cần có giải pháp giảm chi phí lưu thông, vì hiện nay khi giá bán lợn hơi là hơn 50 nghìn đồng/kg thì giá thịt lợn trên thị trường là 100 nghìn đồng/kg, chênh lệch quá lớn. Bên cạnh đó, cần giảm chi phí sản xuất, nhất là thức ăn, đồng thời liên kết theo chuỗi và có truy xuất nguồn gốc. Đồng tình với ý kiến nêu trên, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam Kiều Minh Lực cho biết, về phía doanh nghiệp luôn sẵn sàng hợp tác để duy trì ổn định giá cả thị trường và Công ty C.P đã quyết định tiếp tục giảm giá lợn thịt của khu vực phía bắc xuống thêm 500 đồng/kg và cung ứng đủ nhu cầu con giống cho người chăn nuôi có nhu cầu tái đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi.

ANH PHƯỜNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/37943202-som-on-dinh-gia-va-nganh-hang-thit-lon.html