Sớm rà phá vật cản nổ để đẩy nhanh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại Hà Giang

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Giang, bom mìn, vật nổ còn sót lại rất nhiều sau chiến tranh, đặc biệt tại những khu vực nghi có hài cốt liệt sĩ. Bởi vậy, để đẩy nhanh tiến độ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ thì phải khẩn trương tiến hành rà phá vật cản nổ. Đó là chia sẻ của từ đại diện Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 1237 tỉnh Hà Giang – Đại tá Phạm Văn Vĩnh, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh, với phóng viên Báo QĐND Online, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2017).

Đại tá Phạm Văn Vĩnh.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Chủ nhiệm Chính trị, đồng chí có thể khái quát những nét chính về kết quả thực hiện Đề án 1237 về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo của tỉnh Hà Giang?

Đại tá Phạm Văn Vĩnh: Sau khi có Chỉ thị số 24 của Bộ Chính trị và Quyết định số 1237 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Ban chỉ đạo 1237 tỉnh Hà Giang đã ban hành kế hoạch, quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của tỉnh Hà Giang.

Qua 5 năm triển khai, tỉnh Hà Giang đã tìm kiếm, quy tập được 59 bộ hài cốt liệt sĩ, trong đó có 9 bộ đã xác định được danh tính; còn 50 bộ chưa xác định được danh tính.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đã nhập phần mềm quản lý được 2.359 thông tin liệt sĩ quê Hà Giang qua các thời kỳ và báo cáo cấp trên theo quy định; tiếp đón và trả lời 56 lượt công dân đến hỏi thông tin mộ liệt sĩ và chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, liệt sĩ.

PV: Qua 5 năm thực hiện, những khó khăn, vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến việc thực hiện Đề án 1237 là gì, thưa đồng chí?

Đại tá Phạm Văn Vĩnh: Khó khăn trước tiên phải kể đến vẫn là vấn đề tiếp cận thông tin về địa điểm, ví trí hy sinh của liệt sĩ. Chiến tranh đã lùi xa, do sự tác động của khí hậu, thời tiết và con người, nên địa hình địa vật đã có nhiều thay thay đổi. Thêm vào đó là các nhân chứng, trong đó có các cựu chiến binh cùng tham gia chiến đấu tuổi ngày càng cao, trí nhớ giảm sút nên việc cung cấp thông tin chính xác về nơi liệt sĩ hy sinh ngày càng khó khăn.

Đặc biệt, hiện nay bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn Hà Giang có số lượng nhiều, nên gây ra khó khăn rất lớn cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Dọc tuyến biên giới của 34 xã, đặc biệt ở các xã Thanh Thủy, Thanh Đức, Xín Chải, Lao Chải, Minh Tân của huyện Vị Xuyên và xã Phú Lũng của huyện Yên Minh, được xác định là nơi có nhiều bộ đội chiến đấu hy sinh, hiện nay vẫn còn hơn 9.000ha bị ô nhiễm bom mìn, vật cản nổ chưa được rà phá. Trong khi đó, những vị trí nghi có bộ dội hy sinh thường ở núi cao, địa hình hiểm trở, khó tiếp cận bằng xe ôtô, mà bộ đội phải hành quân xa rất khó khăn.

Một khó khăn nữa là hiện nay Hà Giang chưa có lực lượng tìm kiếm, quy tâp hài cốt liệt sĩ chuyên trách mà chỉ có tổ tìm kiếm lâm thời, với lực lượng, trang bị còn rất hạn chế.

Hiện nay, mức hỗ trợ cho các lực lượng tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ còn thấp, nên khó huy động bà con nhân dân tham gia, đặc biệt là khi vào mùa vụ.

Vật cản nổ còn sót lại nhiều trên địa bàn Hà Giang, gây cản trở không nhỏ đến công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

PV: Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, những kinh nghiệm bước đầu mà Hà Giang rút ra là gì, thưa đồng chí?

Đại tá Phạm Văn Vĩnh: Theo chúng tôi, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền để các cựu chiến binh tích cực, nhiệt tình cung cấp thông tin về nơi hy sinh của liệt sĩ; bà con nhân dân trong quá trình canh tác, sản xuất khi phát hiện hài cốt liệt sĩ thì thông báo ngay với cơ quan chức năng, để tiến hành khảo sát, lập kế hoạch tìm kiếm khi xác định đó đúng là hài cốt liệt sĩ.

Thứ hai, công tác tổ chức tìm kiếm phải được tiến hành chặt chẽ, khoa học, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các lực lượng tìm kiếm, vì địa bàn tìm kiếm thường còn rất nhiều vật cản nổ sót lại sau chiến tranh.

Tiếp theo là phải làm tốt công tác hiệp đồng với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang và Ban CHQS huyện Vị Xuyên (Hà Giang), để khi tìm kiếm được hài cốt liệt sĩ thì nhanh chóng bàn giao và tổ chức truy điệu, an táng đúng nghi lễ, bảo đảm trang trọng.

Ngoài ra, trong tìm kiếm, bằng kinh nghiệm và các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng tìm kiếm phải xác định đúng hài cốt tìm được là hài cốt liệt sĩ, tránh sự nhầm lẫn không đáng có.

Kinh nghiệm tiếp theo là phải thực hiện chi trả, hỗ trợ ngày công cho nhân dân và các lực lượng tham gia đúng, đủ, kịp thời để động viên mọi người tích cực phối hợp tham gia tìm kiếm.

PV: Thưa đồng chí, trong thời gian tới, Hà Giang có những chủ trương, giải pháp gì đối với công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ?

Đại tá Phạm Văn Vĩnh: Trước hết, với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 1237 tỉnh Hà Giang, Bộ CHQS tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cấp, các ngành có liên quan và các tổ chức, nhất là Hội Cựu chiến binh, tiến hành tuyên truyền sâu rộng để bà con nhân dân và các cựu chiến binh hiểu sâu sắc hơn vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, từ đó tự nguyện, tự giác tham gia với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.

Tiếp đó, cần thực hiện tốt việc tiếp nhận phiếu khảo sát thông tin phần mộ của liệt sĩ do gia đình và đồng đội cung cấp; kiểm tra xác minh thông tin phần mộ, khảo sát chặt chẽ trước khi thực hiện nhiệm vụ quy tập, không để sai sót.

Bộ CHQS tỉnh Hà Giang sẽ chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm nắm chắc số liệu mộ liệt sĩ còn tồn đọng trên địan bàn tỉnh để đề ra chủ trương, biện pháp thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập có hiệu quả; đồng thời tiếp tục xác định các vùng trọng điểm nghi có hài cốt liệt sĩ, đề nghị cấp có thẩm quyền tổ chức rà phá bom mìn, vật nổ theo các chương trình, đề án, kết hợp với quy tập hài cốt liệt sĩ.

Đại diện LLVT và đại diện các ban, ngành, đoàn thể tỉnh Hà Giang, đưa hài cốt liệt sĩ được quy tập, về an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ.

PV: Để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, tỉnh Hà Giang có kiến nghị, đề xuất gì thưa đồng chí?

Đại tá Phạm Văn Vĩnh: Trước hết chúng tôi đề nghị cần phải đẩy nhanh việc rà phá bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, nhằm giải phóng những khu vực nghi có hài cốt liệt sĩ, tạo điều kiện thuận lợi choviệc tìm kiếm, quy tập. Ngoài ra, Hà Giang cũng đề nghị được thành lập tổ tìm kiếm chuyên trách, thay vì tổ lâm thời như hiện nay. Bởi khi có tổ chuyên trách với lực lượng, phương tiện kỹ thuật đúng, đủ theo quy định, thì việc tìm kiếm, quy tập chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Chúng tôi cũng đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia 1237 kiến nghị với Chính phủ nâng mức hỗ trợ ngày công cho lực lượng tìm kiếm, quy tập liệt sĩ trong nước cho phù hợp với điều kiện thực tế, vì họ phải thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn rừng núi hiểm trở, đi lại rất khó khăn, gian khổ và nguy hiểm.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HOÀNG HÀ – MẠNH THẮNG – VIỆT CƯỜNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-thuong-binh-liet-si/den-on-dap-nghia/som-ra-pha-vat-can-no-de-day-nhanh-cong-tac-tim-kiem-quy-tap-hai-cot-liet-si-tai-ha-giang-512055