Sớm tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế đặt hàng các cơ quan báo chí

Chiều 9/3, tại Trung tâm Phát thanh quốc gia (58 Quán Sứ), đại diện Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội làm việc với lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam về kinh tế báo chí và việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về báo chí.

Tại buổi làm việc, Phó Tổng giám đốc VOV Trần Minh Hùng kiến nghị Chính phủ xem xét, ban hành các quy định bổ sung, sửa đổi về cơ chế tự chủ để phù hợp với đặc thù hoạt động của Đài theo quy định. Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hướng dẫn, tạo điều kiện để VOV sớm xây dựng, ban hành hệ thống đơn giá sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử làm cơ sở thực hiện xây dựng định mức phân bổ chi thường xuyên và có kế hoạch phân bổ cũng như cân đối sử dụng thu, chi trong các năm tiếp theo.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Đức Thành, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC cũng cho rằng, cơ chế đặt hàng với các cơ quan báo chí cũng còn những vướng mắc nhất định về mặt phương pháp, cách thức. Đây cũng là vấn đề lúng túng cần được tháo gỡ không chỉ với VOV mà với nhiều cơ quan báo chí khác.

 Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội làm việc với lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Trang

Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội làm việc với lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Trang

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, VOV là 1 trong 4 cơ quan báo chí quan trọng, với bề dày truyền thống 78 năm, có đủ các loại hình báo chí.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục cũng nhìn nhận, thời gian qua VOV cũng như các cơ quan báo chí khác đã và đang phải đối mặt khá nhiều khó khăn, thách thức. Đây cũng là xu thế chung khi sự cạnh tranh ngày càng lớn, cách làm truyền thông thay đổi, chưa kể những yếu tố khác sẽ tác động trực tiếp đến cơ chế vận hành của cơ quan báo chí. Một trong những khó khăn lớn hiện nay là vướng mắc về thể chế chính sách, nguồn lực… Đây đều là những vấn đề lớn, thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, cần nghiên cứu kỹ lưỡng..

“Một số vấn đề khó cần nghiên cứu để có tư duy rõ ràng và cách giải quyết chắc chắn hơn. Trong thời gian tới, với chức trách, nhiệm vụ của Ủy ban Văn hóa – Giáo dục, chúng tôi sẽ phối hợp với VOV trong các vấn đề, đặc biệt là nội dung liên quan đến cơ chế chính sách. Trước tiên là Luật Báo chí, những vấn đề liên quan đến các cơ quan truyền thông lớn thì cần cố gắng giải quyết cho được, xác lập vị thế các cơ quan báo chí chủ lực bằng luật, đi kèm theo đó là chính sách. Hiện nay nhiều khi nói đến đầu tư nhưng khi hỏi anh nào quan trọng hơn thì lại không có căn cứ, khi luật pháp xác định vị thế rõ ràng thì sẽ dễ hơn rất nhiều. Nghị định 60 cũng là văn bản quan trọng liên quan trực tiếp đến VOV và các cơ quan báo chí, tự chủ có rất nhiều vấn đề, không chỉ là biên chế, mà làm sao để trả thù lao cho cộng tác viên… Những vướng mắc về thể chế nhiều khi tạo ra khó khăn trong quá trình hoạt động”, ông Nguyễn Đắc Vinh nói.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Nguyễn Trang

Bên cạnh đó, nhận định kinh tế báo chí có tác động lớn đến các cơ quan báo chí như VOV, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục cho biết, quan điểm của Ủy ban khi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông là các cơ quan báo chí cách mạng, thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao thì Nhà nước phải đảm bảo ngân sách để họ thực hiện nhiệm vụ chính trị. Ngay cả khi các đơn vị có thể tự chủ hoàn toàn, Nhà nước cũng không nên buông mà cần có sự đầu tư nhất định. Với những đơn vị chưa có điều kiện tự chủ, Nhà nước phải đầu tư, nhất là các cơ quan báo chí chủ lực khi đang làm trách nhiệm quốc gia.

Bên cạnh đó, ông Vinh cũng cho rằng, một trong những cơ chế cần gỡ vướng cho báo chí hiện nay là việc đặt hàng, Bộ Thông tin và Truyền thông cần có đơn giá hợp lý, tránh trường hợp đơn giá quá thấp, nên dù số tiền đặt hàng lớn, các cơ quan vẫn không thể giải ngân hết.

Vũ Phong

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/som-thao-go-vuong-mac-trong-co-che-dat-hang-cac-co-quan-bao-chi-post238587.html