Sớm xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về vi phạm giao thông

Xử phạt qua hình ảnh camera (phạt nguội) là hình thức xử phạt vi phạm khách quan, có tính giáo dục cao đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Thế nhưng, quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục.

Phạt nguội có làm khó người dân?

Chị Nguyễn Minh Anh, ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội chia sẻ: "Ngày 15-7-2018, chồng tôi nhận được thông báo của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Quảng Bình gửi qua bưu điện về việc xe ô tô của gia đình đã chạy quá tốc độ 15km khi đi qua thị xã Ba Đồn. Cơ quan công an yêu cầu ngày 20-7, phải đến Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình để nộp phạt. Chồng tôi đề nghị được nộp phạt bằng cách chuyển khoản qua kho bạc, nhưng không được chấp nhận mà phải đến trụ sở cơ quan chức năng nơi xảy ra vi phạm hoặc ủy quyền người khác đến ký biên bản vi phạm hành chính. Vào ngay Quảng Bình là không thể, còn muốn ủy quyền thì gia đình tôi không có người thân trong đó. Quy định quá chặt chẽ như trên khiến người dân chúng tôi muốn chấp hành cũng khó...”.

Cảnh sát giao thông thành phố Phủ Lý (Hà Nam) điều tiết, phân luồng giao thông. Ảnh: TTXVN

Trường hợp anh Nguyễn An ở đường Nguyễn Văn Cừ, quận Gia Lâm, TP Hà Nội cũng gặp khó khăn khi mua phải xe cũ bị phạt nguội. Anh mua xe cũ được hai tháng mới đi làm thủ tục sang tên đổi chủ. Tại cơ quan chức năng, anh An được thông báo chiếc xe này đang nợ tiền phạt nguội do lỗi vượt đèn đỏ cách đây 5 tháng, nếu không nộp phạt sẽ không được sang tên đổi chủ. Liên lạc với người bán xe cho mình, anh An được biết người chủ trước cũng mua lại từ một người khác và hiện người này không có mặt ở Việt Nam. Để làm xong thủ tục, anh An đành nộp phạt thay cho người vi phạm.

Quy định phạt nguội cũng ảnh hưởng đến các cơ sở hành nghề cho thuê xe tự lái hoặc chủ xe cho bạn bè mượn mà người thuê, người mượn xe vi phạm bị phạt nguội, khi đó chính chủ xe sẽ nhận được thông báo lỗi.

Thông báo quyết định phạt nguội kịp thời đến chủ xe

TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng: "Hiện nay cơ quan chức năng vẫn chưa thống nhất quan điểm xử lý phạt nguội là phạt người điều khiển phương tiện xảy ra vi phạm hay phạt chủ xe. Song theo tôi, phạt chủ xe mới đúng vì qua camera chỉ biết biển số xe và tìm ra chủ xe, chứ không biết ai điều khiển chiếc xe đó. Hơn nữa, chủ xe không phải là người vi phạm, nhưng có xe cho mượn nghĩa là có tín nhiệm nhất định với người mượn, người thuê. Nếu không tín nhiệm hay chịu trách nhiệm về hành vi của người mượn, người thuê thì tốt nhất không cho mượn, cho thuê. Tại các nước tiên tiến cũng quy định như vậy".

Cũng theo TS Khương Kim Tạo, về việc sang tên đổi chủ, pháp luật quy định thời hạn là một tháng dẫn đến vi phạm phạt nguội trong thời gian đó khó xác định ai phải chịu. Vì vậy, cơ quan chức năng cần quy định rõ khi bán xe thì chủ cũ phải mang hồ sơ nộp tại cơ quan công an. Nếu vi phạm trước thời điểm nộp hồ sơ thì chủ cũ phải chịu, sau thời điểm nộp hồ sơ thì chủ mới phải chịu. Tiếp đó là việc nộp phạt, cần quy định mỗi chủ xe khi đăng ký xe phải kèm theo số điện thoại và quyết định xử phạt nên thông báo nhanh nhất đến số điện thoại của chủ xe. Về lâu dài, cần sớm xây dựng hệ thống tích hợp dữ liệu quốc gia về lỗi vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin để quyết định phạt nguội tự động chuyển đến số điện thoại chủ xe chỉ trong thời gian 1 đến 2 giờ. Cùng với đó phải sớm xây dựng hệ thống thu và xóa nợ nộp phạt toàn quốc.

Trung tá Huỳnh Tấn Nam, Đội trưởng Đội Đèn tín hiệu giao thông, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho rằng: “Thời gian tới cần quy định cụ thể về trách nhiệm của chủ phương tiện đối với xe bị phạt nguội cũng như quy định chặt chẽ hơn về thủ tục sang tên đổi chủ của các phương tiện”. Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất chủ phương tiện phải có tài khoản ngân hàng để phục vụ việc nộp phạt và trả phí đường bộ giúp giảm thời gian, thủ tục nộp phạt cho người dân và thuận tiện cho cơ quan quản lý. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hệ thống pháp luật hiện chưa có quy định bắt buộc chủ phương tiện phải mở tài khoản ngân hàng. Để việc phạt nguội phát huy hiệu quả, các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện các quy định của pháp luật bảo đảm phù hợp với thực tế.

KIM DUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/som-xay-dung-he-thong-du-lieu-quoc-gia-ve-vi-pham-giao-thong-548565