Sớm xem xét, tạo điều kiện để người dân ổn định cuộc sống

Sau khi Báo Quân đội nhân dân Điện tử đăng bài 'Vạn chài ở Thủ đô và giấc mơ xuyên thế kỷ', ngày 24-7-2018, UBND huyện Gia Lâm, TP Hà Nội có Công văn số 1735/UBND-VP, yêu cầu UBND xã Văn Đức xác minh nội dung theo thông tin báo phản ánh.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử sáng 24-8, ông Trang Thành Nam, Phó chánh văn phòng UBND huyện Gia Lâm cho biết UBND xã Văn Đức đã có báo cáo gửi UBND huyện Gia Lâm về vấn đề này.

Sau cơn mưa, đường vào xóm chài Văn Đức bì bõm nước.

Khi nước thoát hết, những "ổ trâu", "ổ gà" được hình thành.

Theo đó, nhân dân khu vực bến thuyền xã Văn Đức định cư trên mặt nước sông Hồng, thuộc địa bàn xã Văn Đức từ trước năm 1960. Các hộ dân được đăng ký hộ khẩu thường trú tại xã Văn Đức.

Theo sổ theo dõi nhân khẩu do công an xã quản lý, tổng số nhân khẩu khu vực bến thuyền là 71 hộ gia đình, với 288 khẩu. Hiện nay, có 38 hộ với 151 khẩu đã có đất ở, làm nhà trên địa bàn xã và một số nơi khác. Còn lại 33 hộ với 137 nhân khẩu đang sinh sống trên thuyền trên sông Hồng.

Những năm trước, nhân dân khu vực bến thuyền Văn Đức sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản và chở đò ngang qua sông, đời sống cơ bản ổn định. Tuy nhiên, những năm gần đây do nguồn thủy sản cạn dần, việc đánh bắt cá trên sông gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, nhân dân giảm dần việc đánh bắt thủy sản, cho con em đi làm ở các doanh nghiệp và lao động tự do tại các xã lân cận.

Cuộc sống dân chài Văn Đức chủ yếu phụ thuộc vào con tôm, con cá trên sông...

Để tạo điều kiện giúp nhân dân khu vực bến thuyền ổn định cuộc sống, UBND xã Văn Đức thống nhất với phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội tiếp tục giao nhân dân bến thuyền Văn Đức thực hiện việc chở khách bằng đò qua sông. Thế nhưng, hiện nay lượng khách đi lại giảm nhiều, do vậy đời sống nhân dân gặp không ít khó khăn.

“Tại buổi làm, đại diện khu vực bến thuyền kiến nghị các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ nhân dân có cuộc sống ổn định để an cư lập nghiệp: Đề nghị mỗi gia đình được mua một suất đất với giá ưu đãi; tạo điều kiện để nhân dân có đất sản xuất, hoặc chuyển đổi nghề nghiệp ổn định cuộc sống”, báo cáo của UBND xã Văn Đức cho biết.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử, ông Đinh Văn Yên, Phó chủ tịch UBND xã Văn Đức nêu vướng mắc: Về đất canh tác, năm 1995 Nhà nước giao đất theo Nghị định số 64. Theo đó, các hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp mới được giao đất. Còn các hộ khai thác thủy sản thì không.

“Về đất thổ cư, chưa có chủ trương giãn dân cho các hộ ở bến thuyền Văn Đức. Sau Luật Đất đai năm 1993, đất chủ yếu đấu giá. Song, các hộ muốn được giao đất không phải đóng tiền. Trên thực tế, các hộ đánh bắt thủy sản, chở đò chỉ đủ sống, không có tiền mua đất. Chúng tôi mong muốn tạo điều kiện giúp nhân dân, nhưng quy định về đất đai như vậy, không thể làm trái”, ông Đinh Văn Yên cho biết.

Thông qua Báo Quân đội nhân dân, các hộ dân ở bến thuyền Văn Đức đề nghị UBND TP Hà Nội, các sở, ban, ngành liên quan và UBND huyện Gia Lâm xem xét, tạo điều kiện giao đất thổ cư, đất canh tác hoặc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp để nhân dân sớm ổn định cuộc sống.

Nhà một hộ dân ở xóm chài Văn Đức.

Mặc dù đã có cầu phao, nhưng để vào bờ, người dân vẫn phải dùng đò.

Trước đó, ngày 20-7-2018, Báo Quân đội nhân dân Điện tử đăng bài “Vạn chài ở Thủ đô và giấc mơ xuyên thế kỷ”, phản ảnh việc hàng chục hộ với hàng trăm nhân khẩu tại bến đò Văn Đức, thôn Trung Quan, xã Văn Đức không có đất canh tác, không có đất thổ cư; hằng ngày phải lênh đênh trên thuyền, cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào tôm, cá trên sông. Mỗi khi có bão, người dân lại lũ lượt kéo nhau vào nhà văn hóa xã để tránh trú. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhân dân bến thuyền Văn Đức đã nhiều lần kiến nghị được cấp đất nhưng sau gần nửa thế kỷ, vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

Bài, ảnh: HOÀNG HẢI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/som-xem-xet-tao-dieu-kien-de-nguoi-dan-on-dinh-cuoc-song-547701