Sơn “công chúa” giữa đời thường

(Dân Việt) - Hơn 10 năm kể từ ngày Hồng Sơn "nhả đạn" giúp Việt Nam thắng Indonesia 1-0 ở bán kết SEA Games 1999, hình ảnh anh chào kiểu nhà binh ăn mừng bàn thắng vẫn in đậm trong ký ức người hâm mộ.

Người lính đá bóng Nhớ lại thời cầu thủ, Hồng Sơn tâm sự: "Với những người lính đá bóng, thì mỗi trận đấu cũng là một trận chiến gắn với truyền thống hào hùng của Tổ quốc và Thể Công. Cứ nhìn cảnh các CĐV không ngại nắng, mưa, ngồi kín sân Cột Cờ, rồi sẵn sàng bỏ tiền tiết kiệm từ những đồng lương ít ỏi đi theo đội tới Thanh Hóa, Hải Phòng, Vinh... cổ vũ cho đội, là chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, phải chiến đấu và chiến thắng". Sơn bảo không chỉ riêng anh, mà cả các đồng đội, khi sống trong bầu không khí ấy thì tiền không còn mang ý nghĩa nữa, mà quan trọng hơn là danh dự: "Tôi không bao giờ hối tiếc về đời cầu thủ của mình, cũng không bao giờ so đo với những gì thế hệ cầu thủ ngày nay nhận được. Thời chúng tôi có ai ra sân mà nghĩ đến tiền đâu. Cái chúng tôi nhận được là tình cảm chân thành từ người hâm mộ. Mà cái đó thì tiền chưa chắc đã mua được. Giờ tôi hoàn toàn hài lòng với khoản thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng từ lương quân hàm trung tá và vị trí HLV U19 Viettel". Có lẽ vì mang trong mình chất lính mới khiến Sơn đủ bản lĩnh, dũng cảm đi bóng giữa "rừng gươm", tạo nên đột biến, phá vỡ bế tắc, cống hiến cho người hâm mộ những pha bóng mãn nhãn. Cũng chính nhờ chất lính, Việt Hoàng mới quên đi chuyện mình có thể "gãy chân" khi quyết định sút bóng ngay trước gầm giày đối phương, mở tỷ số trong trận Việt Nam đại thắng Thái Lan 3-0 ở bán kết Tiger Cup 1998... Những phẩm chất ấy giờ quá xa xỉ đối với lớp cầu thủ ngày nay - những con người sẵn sàng nằm sân ăn vạ, từ chối vinh dự khoác áo đội tuyển, CLB nào trả nhiều tiền hơn là tới... chứ không quan tâm nhiều tới ý nghĩa màu cờ sắc áo. Bóng đá và nghệ thuật sống Chứng kiến Sơn "công chúa" tài hoa trên sân cỏ, ít người có thể hình dung ra anh còn có thể vào vai "bảo mẫu" hoàn hảo. Một nách hai con cộng với việc phải để mắt tới hơn 20 cậu học trò ở đội U19 Viettel, nhưng Sơn vẫn giải quyết đâu vào đấy. Hồng Sơn hạnh phúc bên 2 con nhỏ Tôi "đột nhập" vào phòng Hồng Sơn ở Trung tâm Đào tạo VĐV trẻ Viettel (Mỹ Đình) vào đúng... bữa tối. Hình ảnh Sơn dỗ dành cậu con trai Gia Bách (7 tuổi) và cô con gái Khánh Vy (5 tuổi) ăn cơm đủ để nói lên rất nhiều điều, mà có thể những cuộc tâm sự ngày này qua ngày khác cũng khó cảm nhận hết. "Vợ bất ngờ đi công tác ít ngày nên mọi việc đều đến tay mình. Nhà bà ngoại ngay cạnh đây nhưng 2 con lại thích ở bên bố nên phải chiều chứ biết làm sao" - Hồng Sơn vui vẻ nói. Đủ chiêu "khích tướng" hai anh em thi nhau ăn xem ai ăn nhiều hơn thì sẽ được bố đưa đi chơi, cho chơi game... Rồi phải ngoan mới bố cho mượn điện thoại gọi cho mẹ, cho ra sân bóng cùng... Xen kẽ với những lời ngọt ngào là những cái nhìn nghiêm khắc đủ để Gia Bách, Khánh Vy phải nghe lời. Thật không quá khi nói rằng Hồng Sơn khéo bao nhiêu trên sân cỏ, thì anh “điêu luyện” bấy nhiêu trong chăm sóc con. Biết mình, biết người để thắng Với Sơn, sân cỏ và cuộc sống rất gần nhau, mà mỗi trận đấu đều giúp anh rút ra những bài học quý trong cách hành xử đời thường: "Có người nói vui thời chúng tôi đi đá bóng phải học qua một lớp... võ thuật. Ngày ấy, luật còn chưa bảo vệ cầu thủ nhiều như hiện nay. Chuyện phải đối mặt với những pha vào bóng quyết liệt thái quá, giật chỗ kín cùng nhiều tiểu xảo trên sân là bình thường. Mình mà không hiểu cặn kẽ tính cách, lối chơi của đối thủ thì "dính đòn" như cơm bữa. Trong cuộc sống cũng thế thôi. Khi mình hiểu vợ, con, hiểu các học trò của mình thì sẽ có cách điều chỉnh hữu hiệu", Sơn bật mí. Trưởng thành trong môi trường nhà binh, Sơn có thể là ngôi sao, thủ lĩnh trên sân, nhưng khi trở về đơn vị, không chỉ anh, mà nhiều cựu danh thủ khác của Thể Công đều phải biết trên, biết dưới theo cấp bậc quân hàm. Quan điểm sống có phần an phận, chấp nhận thực tại giúp Sơn "công chúa" luôn duy trì được trạng thái cân bằng cần thiết, ngay cả khi ở đỉnh cao của sự nghiệp hay khi đã lùi về phía hậu trường. Anh luôn cố gắng là chính mình chứ không phải là bản sao của bất kỳ ai. Những ngày ở Anh tham dự cuộc thi kỹ thuật Pepsi World Challenge 2001, trong khi các ngôi sao hàng đầu thế giới như Rivaldo, Beckham, Rui Costa, Carlos, Veron... thỏa sức "diễn", thì Sơn vẫn chỉn chu, cơ bản trong từng đường bóng để về đích ở vị trí á quân. 5 chuyện nhỏ của Sơn "công chúa" 1. Năm 2000, HAGL cùng 1 CLB Thái Lan, 1 CLB Indonesia từng chạy đua để có chữ ký của Hồng Sơn với giá chuyển nhượng trên 3.000USD, nhưng Sơn đã từ chối. 2. Hiện Hồng Sơn đã có bằng A HLV, 2 bằng Đại học TDTT và Luật. Anh đang kỳ vọng sẽ dẫn dắt các cầu thủ trẻ U19 Viettel thi đấu thành công tại vòng loại giải U21 toàn quốc năm 2010 (diễn ra tại Vinh ngày 5-9 tới). 3. Thích uống bia vào thời gian rảnh với các đồng đội cùng thời, nhưng hiếm khi ngồi nhâm nhi ở “quán” 19 Hoàng Diệu bởi Hồng Sơn rất buồn khi nhìn sân Cột Cờ - "thánh địa" của Thể Công - giờ đã không còn. 4. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là tấm HCB SEA Games 1995. Nhưng 3 năm sau đó, Hồng Sơn cũng đã phải trải qua nỗi buồn, sự nuối tiếc lớn nhất khi ĐTVN thất bại trong trận chung kết Tiger Cup 1998. 5. Lời khuyên dành cho thế hệ cầu thủ hiện nay: Trên sân cỏ cũng như cuộc sống phải cố gắng bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh. Những "cái đầu" nóng không bao giờ giải quyết được vấn đề, mà chỉ làm cho mọi chuyện tồi tệ hơn. Lê Đức

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/13385p1c27/son-cong-chua-giua-doi-thuong.htm