Sơn La, ấm áp biên phòng

Lên Sơn La mùa này, những cơn mưa lớn bắt đầu đổ xuống cả một vùng Tây Bắc bao la. Những dòng sông, con suối đục ngầu băng băng chảy về xuôi, dấu vết của những trận sạt lở đất, đá vẫn còn nguyên ở một số cung đường chúng tôi đi qua. Không ai nản lòng, phía trước, một vùng biên cương yêu dấu hội tụ văn hóa nhiều dân tộc và giàu truyền thống cách mạng cùng với những người lính mang quân hàm màu lá cây đang vẫy gọi.

Những sĩ quan trẻ ở Đồn BP Nậm Lạnh. Ảnh: H.Q

Sơn La là một tỉnh vùng cao có đường biên giới với Lào dài 250km. Đường biên giới chạy từ Tây sang Đông và từ Bắc xuống Nam qua đường phân thủy của các dãy núi chính có tính chiến lược làm điểm tựa như Pu Xam Sẩu, Pu Chửn, Pu Gia Thầu, Pu Tông, Pu Khoai, Pu Săn Cang, Pu Ta Nê, Pu Khau Quang, Pha Luông... Trên những đỉnh núi cao vời vợi như vú đất, vú mường ấy, có những cột mốc thiêng liêng phân định chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

Thương nhau mấy núi cũng trèo. Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua. Việt - Lào hai nước chúng ta. Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long (Hồ Chí Minh). Dẫu là anh em, dẫu tình hữu nghị đặc biệt, từng chung một chiến hào đánh giặc ngoại xâm, hạt gạo chia đôi, tấm chăn xẻ nửa thì biên giới cũng phải rõ ràng, minh định. Đó chính là văn hóa ứng xử giữa các quốc gia, dù lớn hay nhỏ cũng đều phải thực tâm như thế. Chỉ huy trưởng BĐBP Sơn La, Đại tá Trần Đức Uẩn rất tâm đắc điều ấy. Hơn một lần trong cuộc trò chuyện với các nhà văn quân đội, anh nhắc lại lời của ông cha "Yêu nhau rào giậu cho kín". Cái sự minh định cương vực bờ cõi hôm nay ai ngờ lại nằm trong câu nói chân chất của người xưa và được nhắc lại một cách hào hứng của vị Đại tá biên phòng này. Phải chăng, đấy cũng là "năng lượng" giúp những người lính biên phòng Sơn La vượt qua muôn vàn khó khăn về địa hình, thời tiết để hoàn thành xuất sắc công tác tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới Việt Nam - Lào.

Trong cả nước có ba nơi thực hiện việc tăng dày, tôn tạo cột mốc khó khăn nhất là Sơn La, Nghệ An và Kon Tum. Ở Sơn La có những cột mốc nằm trên độ cao 1.800m. Việc mang phiến đá làm cột mốc nặng hàng tấn lên đỉnh núi cao cũng là một kỳ công. Rồi xi măng, cát sỏi, sắt thép, gạch đá nữa. Mồ hôi của lính biên phòng và dân bản thấm mặn từng cột mốc biên cương. Tuy nhiên, trước đó phải là khảo sát song phương, đơn phương các vị trí mốc. Khẩn trương để kịp tiến độ nhưng không được phép cẩu thả, sơ sài, thiếu chuẩn xác. Bởi ta và bạn ai cũng hiểu rằng, mỗi thước đất biên cương là tài sản vô giá của tổ tiên, ông cha để lại.

Chính ủy BĐBP Sơn La, Đại tá Đỗ Quốc Vinh cho biết: "Năm 2011, chúng tôi đã tiến hành khảo sát song phương được 8 vị trí mốc, khảo sát đơn phương 13 vị trí mốc, xây dựng xong 70 mốc biên giới. Không lâu nữa, 125 cột mốc trên tuyến biên giới này sẽ được hình thành và đó chính là cơ sở để chúng ta bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Và khi có một đường biên giới minh định, tình hữu nghị đặc biệt Việt-Lào càng được củng cố và phát triển tươi sáng hơn. Chúng tôi cũng đã tổ chức 301 lượt tổ tuần tra song phương, đơn phương bảo vệ biên giới, địa bàn với 1.331 lượt cán bộ, chiến sĩ và dân quân tham gia, duy trì nghiêm công tác kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện, hàng hóa qua cửa khẩu..."

Nét đẹp văn hóa của BĐBP Sơn La còn thể hiện trong ứng xử đời thường, trước hết là với các bạn Lào. Láng giềng của Sơn La là hai tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng. Tình cảm giữa lực lượng bảo vệ biên giới hai nước thật thắm thiết, nồng hậu. Những cuộc tuần tra song phương đã nói lên một phần điều đó. Những câu chuyện giản dị cảm động vẫn còn được nhắc lại. Điển hình như việc Bạn nhờ ta mua một chiếc xe máy tốt dùng cho việc công để tiết kiệm được 9 triệu đồng tiền Việt Nam. Thương Bạn đang còn khó khăn hơn mình, BĐBP Sơn La đã góp thêm tiền mua cho Bạn một chiếc xe máy mới tinh. Ngoài ra, đơn vị còn mua cả máy vi tính tặng Bạn. Hàng năm, biên phòng hai nước thường có những buổi gặp gỡ giao lưu văn nghệ ấm áp vui vẻ.

Biên giới Sơn La là nơi quần tụ của 7 dân tộc anh em gồm: Thái, Kinh, Mông, Dao, Xinh Mun, Khơ Mú, Lào, thuộc 5 huyện Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Sốp Cộp. Nghề sống chính của đồng bào các dân tộc ở đây là trồng trọt, chăn nuôi. Cuộc sống của bà con ở đây còn nghèo, theo tiêu chí mới thì ở Sơn La còn 40% hộ nghèo, có huyện lên tới 60%. Hơn ai hết, những người lính biên phòng luôn cảm thông và tìm cách giúp đỡ nhân dân xóa đói giảm nghèo, từng bước ổn định và phát triển kinh tế. Các anh tìm cách vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hướng về biên giới bằng những việc làm thiết thực, đặc biệt với những xã, bản nghèo khó.

Tận mắt chứng kiến những ngôi nhà "Đại đoàn kết" ở bản Xa Mai, bản Mốc của xã Tân Xuân, huyện Mộc Châu và nhà bán trú dân nuôi ở xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp do Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La và Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp thực hiện, chúng tôi càng thấy rõ hơn tình nghĩa quân dân vùng biên. Không vui sao được khi thấy dân mình được sống trong những ngôi nhà ấm áp tình người. "Của một đồng, công một nén", ngoài đồng tiền ủng hộ quỹ xóa đói giảm nghèo, hàng năm, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Sơn La còn góp bao công sức giúp đỡ, hướng dẫn bà con trồng trọt, chăn nuôi, khám chữa bệnh, dạy học, xây dựng nếp sống văn minh lành mạnh. Bà con dân tộc coi những người lính quân hàm xanh là anh em, bè bạn, là thầy thuốc, thầy giáo của mình. Các anh luôn là khách quý trong các lễ hội, các buổi văn nghệ, thậm chí cả việc hiếu, việc hỉ của các làng bản, gia đình.

Gieo tình yêu thương sẽ gặt được lòng tin cậy. Thật vậy, như các đồng chí chỉ huy BĐBP Sơn La thường nói: "Dân còn tin yêu Đảng, tin yêu Nhà nước, tin yêu BĐBP và yêu biên giới thì bờ cõi biên cương của Tổ quốc sẽ còn được giữ vững". Nhân dân là tai mắt, là điểm tựa của cán bộ, chiến sĩ biên phòng nơi rừng sâu, núi thẳm heo hút mù xa này. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta nói tới biên giới lòng dân. Dân yên, biên giới sẽ yên, bởi sự yên bình bắt nguồn từ cuộc sống ấm no, hạnh phúc của từng gia đình. Trong đó, mỗi người dân có cơm ăn áo mặc, con trẻ được học cái chữ, những giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn gìn giữ và hòa nhập với cộng đồng đất nước rộng lớn.

Trong chuyến đi này, có một điểm nhấn khó quên, đó là khi chúng tôi đến Đồn BP Nậm Lạnh đóng quân ở huyện Sốp Cộp xa xôi. Trời mưa, đường trơn, xe không vào tận đồn, chúng tôi phải lội bùn, cuốc bộ mấy cây số. Mệt nhưng thật ấm lòng khi gặp những nụ cười cởi mở, ánh nhìn thân mến và cái bắt tay nồng ấm của cán bộ, chiến sĩ trong đồn. Những câu chuyện về tuần tra biên giới, về phá án ma túy, về đoàn kết quân dân được Đồn phó, Đại úy Đỗ Minh Thái và Đồn phó Nghiệp vụ, Thiếu tá Nguyễn Tiến Hoàng kể lại với chúng tôi vô cùng hấp dẫn.

Những lúc đi tuần tra ở cột mốc xa, cán bộ, chiến sĩ đơn vị phải mắc võng ngủ rừng, nước suối phải cho thuốc khử khuẩn vào để dùng. Rồi những đêm dầm sương giá lạnh để mật phục buôn lậu, tội phạm ma túy... và lòng buồn thương vô hạn khi đồng đội hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Điều chúng tôi thấy vui nhất khi đến nơi đây là tận mắt chứng kiến một đội ngũ sĩ quan trẻ trung, khỏe mạnh, được đào tạo cơ bản đang bám trụ nơi vùng biên Tổ quốc. Tấm gương người anh hùng liệt sĩ trẻ tuổi Lù Công Thắng, hi sinh trong khi làm nhiệm vụ ở thời bình luôn tỏa sáng trong trái tim những sĩ quan, cán bộ trẻ này.

Đêm Sốp Cộp lành lạnh, mưa lộp độp rơi trên mái tôn. Một buổi giao lưu nho nhỏ đã diễn ra tại Đồn BP Nậm Lạnh giữa những người lính biên phòng trẻ trung và các cô gái Thái áo cóm khăn piêu duyên dáng. Những bài hát truyền thống của quân đội, của lực lượng biên phòng được cất lên cùng với những ca khúc trữ tình do các cô gái trình bày như những giai điệu thiết tha ấm áp lòng quân - dân biên giới.

Nguyễn Hữu Quý

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/son-la-am-ap-bien-phong/