Sơn La: Cây cao su ở Tây Bắc lại trở thành gánh nặng cho các hộ dân

Sau khi Báo Lao động và Xã hội/Báo Dân sinh đăng tải loạt bài về 'Sơn La: Vỡ mộng xóa nghèo từ... 'vàng trắng' đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người dân và các chuyên gia nghiên cứu cũng như Tập đoàn Cao su Việt Nam. Ngay sau khi báo đăng tải, phía Tập đoàn có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh đã cử đoàn công tác gồm nhiều đơn vị của Tập đoàn nhanh chóng có mặt tại Sơn La tìm hiểu thêm thông tin và phương án giải quyết những vướng mắc tồn tại. Đồng thời PV cũng nhận được nhiều thông tin, từ các cuộc hội thảo góp ý của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp, đất đai…

Cây cao su ở Tây Bắc nhiều yếu tố không phù hợp

Cây cao su ở Tây Bắc nhiều yếu tố không phù hợp

Cây cao su ở Tây Bắc nhiều yếu tố không phù hợp

Trao đổi với phóng viên, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững Việt Nam – cho biết: “Đối với cây cao su thường thì trong 8 năm, và đường kính phải lớn hơn 12 – 13cm thì người ta đưa vào trích mủ. Cách đây 4 năm tỉnh Lai Châu có mời tôi lên thăm các vườn cao su, khi đó tôi có nói trên bản đồ của Lai Châu nếu có chỗ nào nhiệt độ trung bình trên 20 độ, tốt nhất 24 độ, độ cao không quá 700m so với mực nước biển, độ dốc phù hợp, không bị sương muối…thì trồng mới hiệu quả.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững Việt Nam.

Tuy nhiên theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, sau khi đi khảo sát các nơi thấy nhiều chỗ không phù hợp, chỗ phù hợp diện tích rất nhỏ. Không phù hợp bởi hệ sinh thái, khí hậu, đất đai không… phù hợp. “Trước đây Pháp có thử nghiệm một số nơi ở Phú Thọ, Điện Biên… người ta thấy kết quả không như mong muốn nên họ không trồng, họ có trồng ở phía Nam trồng chỗ nào chắc chắn chỗ đó và không trồng ở Tây Bắc” - GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung nói.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung nói thêm rằng, “Từ năm 2006 – 2007 phong trào trồng cao su lớn mạnh trên cả nước nói chung và Tây Bắc nói riêng, nên họ trồng hơi quá ý định của Trung ương, thêm nữa họ không trồng thử nghiệm”. Trước sự phát triển mạnh mẽ cây cao su khoảng 10 năm trước, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung và nhiều chuyên gia khác cũng đã đưa ra cảnh báo việc lấy nhiều rừng để trồng cao su, mất rừng sẽ nguy cơ lũ ống, lũ quét.

GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cùng quan điểm với ông Lung, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Trồng cây cao su ở Sơn La thì phải nói cây cao su phát triển từ đâu, thực ra cây cao su không có lịch sử ở Việt Nam mà du nhập từ Brazil, pháp họ đưa sang Việt Nam chứ không phải chính phủ mình nhập, đa số trồng ở vùng Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Tây nguyên…”.

Ngoài các yếu tố về sinh thái, khí hậu, môi trường thì GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng: “Nguyên tắc canh tác cao su phải phá rừng triệt để, cạo trọc thì mới trồng được, nếu mất rừng mà lại đúng vùng hay xảy ra lũ lụt, thậm chí gây nguy hiểm đến đồng bằng sông Hồng. Ở Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu thảm thực vật chỉ khoảng 40 – 50%”.

Ngồi lại với nhau để bàn giải pháp khắc phục

Nói về việc có nên tiếp tục phát triển cây cao su ở Tây Bắc nữa không? GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng: “Ở Tây Bắc nên trồng các loài cây ăn quả, để bà con xóa đói giảm nghèo. Nếu chọn cây cao su là cây chủ lực thì không nên, trồng 10 năm mà chưa lấy mủ cần đánh giá xem nguyên nhân vì đâu. Trước đây ở Sơn La đã từng thất bại cây cà phê. Còn cao su đã lỡ trồng rồi nên chăm sóc để sau này khai thác. Hiện nên rút kinh nghiệm, đánh giá, kết hợp với các Viện khoa học nghiên cứu xem có thích hợp không mới phát triển thêm, để đảm bảo đúng chủ trương của nhà nước”.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung đưa ra giải pháp là các bên cần phối hợp với nhau để khắc phục, có những cách xử lý để cuộc sống người dân được cải thiện, phát triển kinh tế. “Ngày xưa vận động người dân phá các loại cây khác để trồng cao su, giờ thấy không hiệu quả thì cần phối hợp với nhau để khắc phục. Cách xử lý như thế nào, có địa phương chuyển đó thành rừng gỗ, có địa phương trả lại cho dân, mỗi nơi có cách khắc phục khác nhau” - GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung nói.

TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia nghiên cứu về rừng của Tổ chức Forest Trends tại Việt Nam.

Là người đã nhiều lần trực tiếp khảo sát thực tế mô hình người dân góp đất trồng cao su trong 10 năm ở Tây Bắc, TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia nghiên cứu về rừng của Tổ chức Forest Trends tại Việt Nam cho rằng: “Điều quan trọng đầu tiên, cần phải làm càng sớm càng tốt là thực hiện việc đánh giá tổng thể toàn bộ mô hình này ở vùng Tây Bắc. Đánh giá này không phải là yêu cầu mới, mà thực tế nằm trong Quyết định 990 /QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 18/6/2014 trong đó yêu cầu đánh giá tổng thể mô hình và báo cáo Thủ tướng.

Dựa trên kết quả đánh giá, cơ quan quản lý cấp trung ương và các địa phương liên quan, cùng với Tập đoàn và đại diện các công ty, Hội Nông dân cần họp bàn và đưa ra các giải pháp cấp bách giúp người dân giảm thiểu khó khăn. Giải pháp có thể bao gồm các cơ chế như ứng trước kinh phí cho người dân trong những năm chưa khai thác mủ, sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với các diện tích cao su nằm trong lưu vực có chi trả để trả cho người dân, tăng tiếp cận tính dụng ưu đãi cho người dân nhằm phát triển các hoạt động sinh kế mới…

Phát triển mô hình góp đất trồng cao su tại Tây Bắc là định hướng của Trung ương và địa phương. Trong bối cảnh người dân gặp khó khăn trong mô hình như hiện nay, đòi hỏi các cơ quan cùng với Tập đoàn và Công ty cần bàn bạc và đưa ra phương án giải quyết khó khăn cho người dân trong thời gian sớm nhất”.

Cần thêm nhiều giải pháp cấp bách giúp người dân

Còn việc “người dân đã chính thức góp đất vào mô hình từ năm 2007-2008. Đến nay đã được 10 năm, tuy nhiên hợp đồng góp đất mới chỉ được ký kết vào cuối năm 2018. Như vậy trong 1 thập kỷ, những gì ràng buộc giữa người dân và công ty chỉ là những thỏa thuận miệng”.

Theo ý kiến của nhiều hộ gia đình, khi vận động người dân góp đất, cán bộ của công ty và chính quyền địa phương đưa ra nhiều lời hứa, về lợi ích cho người dân trong 6-7 năm sau trồng, về tiếp cận với vay ưu đãi phát triển sản xuất, về các hỗ trợ chuyển đổi mô hình sinh kế. Tuy nhiên, hầu hết các lời hứa này không được thực hiện. Điều này làm cho người dân mất lòng tin vào công ty và cán bộ địa phương, mất lòng tin vào mô hình.

Ông Phúc cho rằng việc chậm trễ làm hợp đồng đã khiến “niềm tin của người dân vào mô hình giảm đáng kể. Tuy nhiên, mặc dù muốn từ bỏ mô hình, hầu hết các hộ dân lại không dám, vì đất đã góp cho công ty và trên diện tích đất của mình là cây cao su của công ty. Sự “không dám” của các hộ thể hiện trên một số khía cạnh như chặt bỏ cao su, chuyển đổi sang cây trồng khác là hoạt động phạm pháp”.

Thêm nữa, việc công ty Cao su cắm nhiều biển hiệu bên cạnh những cánh rừng cao su, với nội dung “cao su là tài sản quốc gia” và “mọi người phải giữ gìn bảo vệ” mặc dù về bản chất cây cao su không thể là “tài sản quốc gia”, đặc biệt trong bối cảnh các công ty thuộc Tập đoàn Cao su đã tiến hành cổ phần hóa. Với các biển hiệu như vậy, người dân không dám xâm hại đến “tài sản quốc gia’”.

Cầm trên tay bản hợp đồng của một hộ dân đã ký với Công ty Cao Su đã được UBND xã xác nhận, ông Phúc nói: “Trong hợp đồng góp đất các điều khoản về quyền lợi và trách nhiệm giữa các bên đều không rõ ràng. Ngoài ra, hoàn toàn không có các điều khoản có liên quan đến các rủi ro trong việc vận hành mô hình và cơ chế giải quyết rủi ro. Thực tế là tính pháp lý của hợp đồng cần phải xem xét”.

Những gì đang diễn ra đối với các hộ dân tại Tông Lạnh, Mường Bon như báo chí nêu… có lẽ cũng tương tự như hàng chục ngàn hộ dân ở các địa bàn khác của tỉnh Sơn La và các tỉnh khác như Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái với 9 Công ty. Điều này có nghĩa rằng tác động của mô hình này đối với sinh kế của người dân vùng Tây Bắc là hoàn toàn không nhỏ, đặc biệt đây là vùng đồng bào dân tộc và vùng có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất trong cả nước. Thật trớ trêu, cây cao su từng được kỳ vọng là cây giúp xóa đói giảm nghèo cho các hộ đồng bào của vùng Tây Bắc khó khăn này hiện lại trở thành gánh nặng của các hộ dân. Cuộc sống của các hộ dân nghèo nơi đây đã khó khăn là càng khó khăn hơn.

Những tác động rất lớn của mô hình này đối với sinh kế của hàng chục ngàn hộ gia đình đòi hỏi cần có những giải pháp cấp bách nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực cho các hộ dân.

Đại diện phát ngôn Tập đoàn Cao su cho biết: “Khi báo chí đăng thông tin, Tập đoàn đã thành lập đoàn đi kiểm tra, thành viên của đoàn gồm cán bộ của Ban kỹ thuật, Viện cao su, các đơn vị thành viên góp vốn …Và Công ty CP Cao su Sơn La cũng đã có báo cáo những khó khăn, vướng mắc gửi tập đoàn”. Được biết tại 6 tỉnh phía Bắc là Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Tập đoàn Cao Su đã thành lập 9 công ty cao và tiến hành trồng 28.900 ha cao su, từ những năm 2007 – 2008, hiện nay khoảng 6.000 ha đã cho thủ hoạch.

HOÀNG TƯỞNG-THANH NGỌC

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/son-la-cay-cao-su-o-tay-bac-nhieu-yeu-to-khong-phu-hop-d97275.html