Sơn La: Hiệu trưởng trường THPT Mộc Hạ bị tố bớt xén khẩu phần ăn của học sinh

Việc hiệu trưởng bớt xén khẩu phần ăn của học sinh cũng như bán gạo nhà nước trợ cấp khiến dư luận và cha mẹ học sinh xôn xao.

Báo Công lý & Xã hội vừa nhận được thông tin phản ánh về việc ông Lê Thảo Nguyên, hiệu trưởng trường THPT Mộc Hạ tại xã Tô Múa, huyện Vân Hồ, Sơn La có hành vi cắt xén khẩu phần ăn của học sinh, bán gạo trợ cấp của học sinh cũng như nguồn thực phẩm hàng ngày nấu cho học sinh ăn không rõ nguồn gốc.

Một thầy giáo (xin được giấu tên), thông tin: “Thực phẩm toàn cấp đông trong tủ lạnh để lâu ngày. Bên cạnh đó, khẩu phần ăn của học sinh bị cắt xén quá mức, thịt được cho nhiều gia vị át mùi hôi. Hàng ngày, nhà trường nấu cơm cho khoảng 270 học sinh bán trú nhưng số tiền rất ít. Mỗi bữa, thầy Nguyên chỉ đạo người nấu bằng cách thịt xào độn thêm nhiều củ cải, đỗ, rau và chỉ nấu canh, không luộc rau cho học sinh để giảm số lượng”

Cũng theo thầy giáo này, nhà trường thuê 3 người địa phương nấu cơm cho học sinh bán trú mà không có sự giám sát của Ban giám hiệu. Ngoài ra, phòng nấu ăn được đóng cửa không cho giáo viên, nhân viên trong trường vào kiềm tra. Việc nấu ăn không được công khai thực đơn, chỉ 3 người nấu ăn, bà Hà quản lý bếp và ông Lê Thảo Nguyên biết.

Quá trình tìm hiểu tại trường học này, được biết, mỗi học sinh bán trú được hỗ trợ gần 12 nghìn đồng/bữa, mỗi mâm cơm là 6 học sinh có tổng số tiền là 72 nghìn đồng. Tuy nhiên, khi PV quan sát mâm cơm của học sinh vào trưa ngày thứ 4 (16/5/2018) chỉ có bát thịt gà, bát canh và xong cơm khiến nhiều người lo ngại về chất lượng nấu ăn có được đảm bảo?

Không những thế, vị hiệu trưởng trường THPT Mộc Hạ còn bị tố liên quan đến bán gạo trợ cấp của học sinh. Theo đó, mỗi tháng học sinh ở vùng núi khó khăn được Nhà nước trợ cấp 15kg/tháng.

Tài liệu mà PV Công lý & Xã hội có trong tay, được biết, trường THPT Mộc Hạ có hợp đồng mua bán hàng hóa với bà Nguyễn Thị Luyến có địa chỉ ở huyện Yên Mỹ, Hưng Yên. Theo đó, trường THPT Mộc Hạ bán cho bà Luyến gạo nhập kho lâu ngày đã có dấu hiệu giảm sút về chất lượng (là gạo được cấp), số lượng là 2490,725kg với tổng giá trị 19.925.800 đồng. Ngược lại, phía bà Luyến sẽ bán gạo khác ngon hơn cho trường THPT Mộc Hạ với số tiền19.925.800 đồng là 1847kg.

Trường THPT Mộc Hạ nơi ông Lê Thảo Nguyên đang làm hiệu trường bị tố bớt xén khẩu phần ăn của học sinh.

Trường THPT Mộc Hạ nơi ông Lê Thảo Nguyên đang làm hiệu trường bị tố bớt xén khẩu phần ăn của học sinh.

Trong một diễn biến khác, PV còn nhận được thông tin trường THPT Mộc Hạ có dấu hiệu lạm thu khi thu những số tiền ngoài quy định năm 2017 - 2018. Công văn só 2670-CV/TU ngày 30/8/2017 của Tỉnh ủy Sơn La và công văn 2784 ngày 1/9/2017 của UBND tỉnh Sơn La, các cấp lãnh đạo đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La yêu cầu các trường trên địa bàn chấm dứt việc thu 5 khoản không có trong văn bản quy định của nhà nước gồm: Quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh trường, quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, quỹ đội, quỹ khuyến học và quỹ chữ thập đỏ.

Thế nhưng, theo PV nắm được, trong đầu năm học 2017-2018, trường THPT Mộc Hạ đã thu những khoản thu như quỹ phụ huynh 500 nghìn đồng, tiền bán trú 400 nghìn đồng, tiền chữ thập đỏ 20 nghìn đồng, tiền điện nước 270 nghìn đồng, tiền lao đông 100 nghìn dồng…

Một phụ huynh cho biết, với mức thu phụ thuộc vào học sinh từng khối nhưng tính bình quan là khoảng 1.1 triệu đồng đến 1.8 triệu đồng/học sinh. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cho rằng khoản thu 270 nghìn đồng tiền điện nước là không hợp lý bởi số tiền trên không được sử dụng triệt để phụ vụ cho học sinh bán trú. Học sinh phải uống nước lã hút từ giếng lên không qua xử lý. Nhà trường có hai giếng khoan phục vụ cho học sinh nhưng nguồn điện lại lấy từ nguồn điện nhà trường do ngân sách nhà nước chi chả mà vẫn thu tiền điện của học sinh.

Bữa cơm bán trú của học sỉnh chỉ có thịt gà, canh và cơm.

Trước sự việc này, PV đã lên đến địa phương để tìm hiểu cũng như trao đổi với Ban giám hiệu nhà trường. Trả lời PV, ông Lê Thảo Nguyên, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm 2016 khi tổ chức cho học sinh ở nội trú thì nhà trường có để cho tổ văn phòng nhà trường nấu cơm. Gạo mà được nhà nước cấp cho mỗi em học sinh là15kg/tháng thì khi nấu học sinh không ăn được, sau đó bọn mình có thống nhất với ban cha mẹ học sinh là sẽ bán gạo đó đi và mua gạo khác ngon hơn để trộn vào 50-50”.

Trước câu hỏi của PV, khi bán gạo trợ cấp có được công khai và báo cáo lên Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La? Ông Nguyên cho rằng, sau khi nhà trường thống nhất thì giao cho hiệu phó là thầy Triệu Văn Tiên quản lý và việc bán gạo đều được công khai và có chứng từ mua bán. "Khi bán nhà trường đã thông báo với các anh bên Phòng kế hoạch Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La" - Ông Nguyên nhấn mạnh.

“Không có chuyện việc nhà trường cắt xén khẩu phần ăn của học sinh. Mỗi học sinh được hỗ trợ 520 nghìn/ tháng mà chia cho 22 ngày nên mỗi học sinh được gần 12 nghìn đồng một bữa. Nhà trường ký hợp đồng và cam kết với bên cung cấp thực phẩm. Ngoài ra, còn các chi phí khác như ga, tiền vận chuyển thực phẩm, tất cả đều tính vào tiền ăn. Hàng tuần, nhà trường đều hỏi học sinh xem ăn thế có no không, có được không?”, ông Nguyên giải thích.

Ngoài ra, vị hiệu trưởng trường THPT Mộc Hạ cũng cho rằng, việc thu tiền quỹ hội phụ huynh thu 500 nghìn thì được sử dụng làm công tác khen thưởng học sinh là 300 nghìn còn 200 nghìn thì chi vào các hoạt động khác.

“Về việc thu 400 nghìn tiền bán trú là vì trước đó nhà trường làm nhà bán trú nhưng kinh phí còn thiếu nên nhà trường mới họp phụ huynh xin phép thu tiền đó để bù vào kinh phí xây nhà bán trú còn thiếu. Việc thu 270 nghìn tiền điện nước là thu 9 tháng, mỗi tháng học sinh đóng 30 nghìn. Nguồn nước thì mình lấy từ nước giếng nhà trường khoan và qua máy lọc nước. Năm nào nhà trường cũng đều công khai trước phụ huynh”, ông Nguyên lý giải.

Theo ông Nguyên, có thể trong quá trình làm việc, nhà trường sẽ có những sai sót nhưng nhà trường sẽ rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.

PV đã liên hệ với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La để tìm hiểu, tuy nhiên ông Trần Văn Trọng, Chánh văn phòng Sở này cho biết chưa nắm được nội dung gì về vụ việc này.

“Việc bán gạo thì ai cho bán, theo quy định là không được phép bán nên trường nào dám bán, nếu học sinh ăn không hết thì trả về chứ không ai cho bán. Phía Sở chưa hề nắm được thông tin này, khi phát gạo thì Sở có giám sát. Sở đã có công văn không hề được thu những khoản ngoài quy đinh”, ông Trọng cho hay.

Báo Công lý & Xã hội sẽ thông tin tới bạn đọc về vụ việc này.

Ngọc An

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/ket-noi-ban-doc/son-la-hieu-truong-truong-thpt-moc-ha-bi-to-bot-xen-khau-phan-an-cua-hoc-sinh-12484.html