Sơn La sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản

Chiều 5/7, tại thành phố Sơn La, Tỉnh ủy Sơn La tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả phát triển cây ăn quả, hợp tác xã, tiêu thụ các loại quả và xuất khẩu nông sản 6 tháng, kế hoạch những tháng cuối năm 2019.

Xác định sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh Sơn La, từ đầu năm 2019, tỉnh Sơn La đã tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển lực lượng sản xuất. Tỉnh đã chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích đất canh tác; phát triển hợp tác xã nhằm hoàn thiện quan hệ sản xuất theo chuỗi giá trị; trong đó hợp tác xã đóng vai trò là cầu nối giữa người nông dân và doanh nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm; xác định xuất khẩu nông sản là khâu đột phá trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, tỉnh Sơn La có diện tích cây ăn quả tăng nhanh và trở thành địa phương có diện tích cây ăn quả lớn nhất trong các tỉnh phía Bắc. Diện tích canh tác cây ăn quả của Sơn La cơ bản đáp ứng quy trình nông nghiệp an toàn; trong đó, có 549 ha cây ăn quả được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Cùng với đó, Sơn La đã hình thành và phát triển được một số vùng cây ăn quả tập trung, thích hợp với tiểu vùng khí hậu, có chất lượng cao tại các huyện Mai Sơn, Sông Mã, Yên Châu, Mường La, Mộc Châu, Vân Hồ, Thuận Châu, Phù Yên, Bắc Yên. Sơn La đã trồng được 9.648 ha cây sơn tra và 246,7 ha cây mắc ca là cây lâm nghiệp được thu hoạch quả hàng năm; trồng thử nghiệm và mở rộng được 1.390 ha cây chanh leo, 1.022 ha cây bơ.

Tính đến 30/6/2019, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La ước đạt 62.734 ha, bằng 106,6% so với năm 2018. Sản lượng các loại quả năm nay ước đạt 401,257 tấn, bằng 186,2% so với năm 2018. Sơn La đã có 18 sản phẩm nông sản, thực phẩm có thương hiệu như: Chè Shan tuyết Mộc Châu, cà phê Sơn La, chè Olong Mộc Châu, rau an toàn Mộc Châu, chè Phổng Lái - Thuận Châu, nếp Mường Và - Sốp Cộp, cá tầm Sơn La, cá sông Đà Sơn La, chè Tà Xùa - Bắc Yên, nhãn Sông Mã - Sơn La, cam Phù Yên - Sơn La…

Tỉnh Sơn La hiện có 588 hợp tác xã, tăng 33 hợp tác xã so với năm 2018; diện tích đất sản xuất của các hợp tác xã nông nghiệp là 4.800 ha, tăng 300 ha so với năm 2018; vốn sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã nông nghiệp là 490 tỷ đồng, tăng 30 tỷ đồng so với năm 2018.

Các hợp tác xã đã tham gia sản xuất và xuất khẩu 10.611 tấn quả các loại sang 12 thị trường như: Australia, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc... Tỉnh Sơn La đã tiêu thụ nông sản đạt kết quả tốt trên cả 3 thị trường (trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu); giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 81 triệu USD; trong đó giá trị nông sản xuất khẩu ước đạt trên 78 triệu USD…

Tuy nhiên, việc phát triển cây ăn quả, hợp tác xã, tiêu thụ các loại quả và xuất khẩu nông sản ở Sơn La vẫn còn một số hạn chế như: Vùng nguyên liệu xuất khẩu còn phân tán, giống cây chưa đồng đều, số lượng diện tích được cấp mã vùng trồng, sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn an toàn còn thấp so với tổng diện tích; khâu thu hoạch, bảo quản, sơ chế, nhãn, mác phục vụ xuất khẩu tuy đã được cải thiệu nhưng vẫn còn hạn chế. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ bước đầu đã đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên diện tích chưa nhiều, doanh nghiệp, hợp tác xã chưa áp dụng rộng rãi. Công tác kết nối giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với đơn vị thu gom còn bất cập trong triển khai hợp đồng tiêu thụ…

Trong những tháng cuối năm 2019, tỉnh Sơn La phấn đấu giá trị xuất khẩu nông sản đạt trên 65 triệu USD, góp phần hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu hàng hóa năm 2019 đạt trên 150 triệu USD. Đồng thời, tỉnh Sơn La phấn đấu tiêu thụ cơ bản nông sản sản xuất trong niên vụ 2019 trên cả 3 thị trường; trong đó, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, giảm tiểu ngạch, tăng sản phẩm, tăng thị trường xuất khẩu, phát huy tác động tương hỗ của xuất khẩu đối với đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, góp phần bình ổn giá, tránh ép cấp, ép giá.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và nêu ra một số giải pháp giúp tỉnh Sơn La tiếp tục đẩy mạnh sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản như tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả, phát triển hợp tác xã; chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nhiệm vụ quảng bá xuất khẩu nông sản. Sơn La cần đẩy mạnh quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn, cấp mã vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; đẩy mạnh liên kết sản xuất với nhu cầu thị trường, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp thu gom, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu…

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La đánh giá cao sự nỗ lực của hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như người dân trong việc sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản của địa phương, đặc biệt là sự giúp đỡ hiệu quả của các bộ, ngành Trung ương.

Các đại biểu dự hội nghị tham quan các sản phẩm nông sản.

Bí thư Tỉnh ủy Sơn La đề nghị các cấp, ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã chú trọng việc xây dựng vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu. Đẩy nhanh đánh giá tác động liên quan đến sản xuất hữu cơ, tiến độ cấp mã vùng trồng, diện tích sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và xuất khẩu, mở rộng chỉ dẫn địa lý các sản phẩm nông sản.

Cùng với đó là liên kết sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp thu gom, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; tập trung tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực xuất khẩu, kỹ thuật thu hái, sơ chế, bảo quản cho lao động tại các doanh nghiệp; tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả.

Tin, ảnh: Nguyễn Cường (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/son-la-san-xuat-gan-voi-che-bien-tieu-thu-va-xuat-khau-nong-san-20190705200344169.htm