Sơn La: Thiệt hại do mưa lũ tiếp tục gia tăng

Tính đến 17h ngày 20/7, mưa to kéo dài trên diện rộng đã làm một người bị thương, hơn 200 ngôi nhà bị ảnh hưởng. Nhiều đoạn đường quốc lộ, tỉnh lộ tiếp tục bị sạt lở, gây ách tắc.

Nhiều diện tích hoa bị thiệt hại

Từ ngày 18-20/7, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh nối với áp thấp nhiệt đới suy yếu từ cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh Sơn La có mưa trên diện rộng, riêng khu vực phía Đông Nam có mưa rất to và dông.

Thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sơn La, tình hình mưa lũ trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp. Tại lưu vực Nậm Pàn, mực nước tại trạm Hát Lót lúc 13 giờ ngày 20/7 là 513,46 m, thấp hơn cấp báo động III 0,04m. Dự báo trong những giờ tới mực nước tại trạm Hát Lót duy trì ở mức báo động II xấp xỉ mức báo động III. Lưu vực Nậm La, mực nước lúc 13 giờ ngày 20/7 tại trạm Cầu 308 là 638,69m cao hơn cấp báo động I là 0,19m. Dự báo đến 19 giờ ngày 20/7 mực nước tại trạm Cầu 308 có khả năng lên đến cấp báo động II.

Công tác phòng tránh, ứng phó mưa lũ, sạt lở đất đã được các huyện, thành phố; các sở, ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện ngay từ khi có thông tin về tình hình thời tiết của Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc và thực hiện Công điện số 02/CĐ-BCHPCTT&TKCN ngày 17/7/2018 của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; Công văn số 197/PCTT&TKCN ngày 19/7/2018 của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh về việc chủ động ứng phó với mưa to diện rộng và lũ trên lưu vực suối Nậm Pàn. Công tác cảnh báo đến nhân dân vùng hạ du đã được 2 nhà máy thủy điện Suối Sập 1 và Suối Sập 3 thực hiện.

Tuy nhiên, tính đến 17h ngày 20/7, mưa lũ đã làm 1 người dân tại huyện Vân Hồ bị thương. 206 nhà bị ảnh hưởng, trong đó 8 nhà có nguy cơ sập đổ, xói trôi; 99 nhà bị sạt lở; 99 nhà bị ngập.

Về giao thông, sạt ta luy dương 26.600m3 tại 213 điểm, trong đó, điểm sạt lở lớn gây ách tắc giao thông có 3 vị trí. Có 1 điểm bị ngập úng trên quốc lộ 6C gây tắc đường một phần. Nhiều tuyến đường tỉnh lộ, liên xã, bản tại nhiều huyện bị sạt lở, ngập úng. 4 cầu treo bị cuốn trôi, sạt lở; 3 công trình thủy lợi bị hư hỏng… Sạt lở 2.000m3 đất đá, sập gẫy 270m kênh mương.

Về sản xuất, ngập trắng và cuốn trôi hơn 230ha lúa mới cấy, lúa sắp thu hoạch bị ngập hơn 2ha; hơn 5ha lúa bị vùi lập, cùng nhiều diện tích rau màu, ngô, chè của người dân bị ảnh hưởng.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, UBND các huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành và nhân dân thực hiện phòng chống, khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ”. Kịp thời di chuyển các hộ gia đình có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở đất đến nơi an toàn, di chuyển đồ đạc đến nơi cao ráo để hạn chế thiệt hại. Tại các đoạn đường bị sạt lở, nhà thầu đã cho máy móc, thiết bị hót sụt, sa bồi xử lý sạt lở đảm bảo giao thông. Đồng thời, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, thông tin diễn biến thời tiết cho người dân để ứng phó kịp thời.

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/xa-hoi/son-la-thiet-hai-do-mua-lu-tiep-tuc-gia-tang-1256094.html