Son phấn tỉ đô

Thị trường mỹ phẩm quy mô 2,3 tỉ USD của Việt Nam đang 'quyến rũ' các thương hiệu nước ngoài.

AmorePacific, tập đoàn mỹ phẩm nổi tiếng ở Hàn Quốc, vừa có cuộc gặp gỡ với giới truyền thông 5 nước Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Singapore và cho biết đang nhắm đến mục tiêu đạt 500 tỉ won (tương đương 423,5 triệu USD) doanh thu hằng năm đến năm 2023 tại Đông Nam Á. Trong đó, AmorePacific xác định Việt Nam là thị trường sôi động và dự tính sẽ triển khai chiến lược kinh doanh nhiều khác biệt để tạo ra thế mạnh cạnh tranh.

Tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á

Theo nghiên cứu của Asia Plus, Việt Nam là một trong những thị trường mỹ phẩm tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Hãng cũng chỉ ra số người trang điểm hằng ngày đã tăng lên 30% và 73% sử dụng các sản phẩm chăm sóc da ít nhất mỗi tuần một lần hoặc thường xuyên hơn.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, khi dân số Việt Nam gần chạm 100 triệu người, khoảng 60% dân số dưới 35 tuổi, cùng mức thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam cải thiện và tầng lớp trung lưu tăng nhanh thì chi tiêu cho mỹ phẩm hứa hẹn tăng mạnh. Báo cáo của Q&Me cho thấy, chi tiêu hằng tháng trung bình cho mỹ phẩm của người Việt đã đạt khoảng 300.000 đồng, tức khoảng 13 USD/người/năm, tăng khoảng 3 lần so với giai đoạn 2016-2017. Khảo sát này tương tự với kết quả mà Mintel (Anh) công bố khi đánh giá thị trường mỹ phẩm của Việt Nam đạt quy mô khoảng 2,3 tỉ USD. Trong 10 năm tới, Viện Nghiên cứu Yano (Nhật) dự báo, tốc độ tăng trưởng của thị trường mỹ phẩm dưỡng da và trang điểm Việt Nam sẽ vào khoảng 15-20%/năm.

Hiện tại, không riêng doanh nghiệp Hàn Quốc như AmorePacific (nhãn hàng Sulwhasoo, Mamonde, Laneige, Innisfree, Etude House...), LG Household & Health Care (Ohui, The Face Shop, Whoo, Isa Knox, Sooryehan, SU:M37...), Skinfood, Nature Republic, Stylenanda (3CE)... mà các công ty mỹ phẩm nước ngoài khác cũng đều đẩy mạnh hoạt động. Có thể kể đến Shiseido, Naris, Sakura Beauty Solution (Sakura), Menard, Shu Uemura của Nhật hay L’Oreál, Clarins, Nivea, Dior... của châu Âu, Maybelline, ColourPop, Murad, MAC, NYX, Esteé Lauder, Clinique của Mỹ. Các tập đoàn đa quốc gia như Unilever, Kao, P&G cũng tích cực củng cố vị thế.
Báo cáo của Nielsen cho biết, 90% thị phần mỹ phẩm nằm trong tay các tên tuổi ngoại. Còn theo Hiệp hội Mỹ phẩm - Hương liệu và Tinh dầu Việt Nam, các thương hiệu đến từ Hàn Quốc đang nắm 30% thị phần, kế đó là EU (23%); Nhật (17%), Thái Lan (13%) và Mỹ (10%).

Cuộc chiến kênh phân phối

Ông Trần Đình Thăng, CEO Công ty Zacy Aesthetics, nhận định bản chất của cuộc đua giành thị phần trên thị trường mỹ phẩm Việt Nam nằm ở các nhà phân phối. Trong gần 500 doanh nghiệp tham gia thị trường mỹ phẩm Việt Nam, 90% doanh nghiệp làm đại lý phân phối cho các nhà mỹ phẩm nước ngoài. Theo Hiệp hội Hóa Mỹ phẩm TP.HCM, 80% thị trường dược, mỹ phẩm Việt Nam hoạt động theo mô hình bán lẻ truyền thống. Vì thế, giới đầu tư rất quan tâm đến mô hình này. Giữa tháng 7 vừa qua, Matsumoto Kiyoshi, chuỗi cửa hàng dược mỹ phẩm lớn nhất Nhật, đã ký thỏa thuận hợp tác kinh doanh với Lotus Food Group nhằm lập liên doanh phát triển, điều hành chuỗi cửa hàng dược mỹ phẩm mang thương hiệu Matsumoto Kiyoshi tại Việt Nam.

Trước đó, tháng 1.2019, Watsons, đại gia bán lẻ mỹ phẩm ở Hồng Kông, cũng loan tin về kế hoạch đổ bộ Việt Nam. InsideRetail Asia từng cho rằng, khi Watsons vào Việt Nam, chuỗi bán lẻ này sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ như Guardian, Medicare. Ngoài ra, các cửa hàng tiện lợi như Miniso, Ilahui... cũng là địa chỉ bán lẻ mỹ phẩm.

Ở mặt trận khác, chính các hãng như MAC, Clinique đã lập cửa hàng riêng. Tính đến nay, MAC đã mở 10 cửa hàng, còn Clinique mở 11 cửa hàng. Một số công ty phân phối độc quyền như Hoa Sen Việt cũng đã thiết lập trên 80 cửa hàng The Face Shop khắp các thành phố lớn. Dù doanh thu cửa hàng không được tiết lộ nhưng với sự bành trướng và mở rộng quy mô cửa hàng, bán lẻ mỹ phẩm rõ ràng là lĩnh vực hấp dẫn. Nhiều cá nhân đã tham gia, trở thành đại lý cho các hãng mỹ phẩm nổi tiếng. Các nhà bán lẻ, công ty mỹ phẩm và cá nhân vẫn tìm kiếm cơ hội hợp tác để phân phối mỹ phẩm. Ngoài ra, kênh bán hàng trực tuyến đang được ngành mỹ phẩm chú ý. Theo ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc Marketing Haravan, doanh số mỹ phẩm trên thương mại điện tử chỉ thua ngành hàng thời trang.

Trong năm 2019, nhiều hãng nổi tiếng như MAC, Clinique, AmorePacific đã mở cửa hàng chính hãng trên Lazada. ”Tiềm năng tăng trưởng của thị trường này đang ở cấp số nhân và mức thị phần có thể đạt tới 60% tại Việt Nam đối với các nhãn hàng mỹ phẩm cao cấp”, bà Abigail Baniqued, Giám đốc nhãn hàng MAC tại Việt Nam, nhận định.

Sức hấp dẫn này đã thu hút nhiều người tham gia vào mạng lưới phân phối mỹ phẩm, cho các công ty phân phối, công ty mỹ phẩm và cả hàng xách tay... Trong đó, Facebook, Shopee, Lazada, Leflair là những kênh bán hàng mỹ phẩm online rất được ưa thích. Bên cạnh đó, các công ty như Oriflame, Amway... chọn bán mỹ phẩm qua kênh đa cấp, dù mô hình này ở Việt Nam vấp phải nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, cho đến nay, 2 hãng này vẫn hoạt động ổn định, mang lại công việc, thu nhập cho hàng ngàn người Việt Nam.

Ngọc Thủy

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/doanh-nghiep/son-phan-ti-do-3330909/