Sông Công (Thái Nguyên): Những thách thức trong phát triển đô thị

Sông Công là thành phố công nghiệp, trung tâm kinh tế, hành chính, văn hóa - xã hội phía Nam của tỉnh Thái Nguyên; là đầu mối giao thông, giao lưu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trong vùng. Những năm gần đây, thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, TP Sông Công có tốc độ đô thị hóa khá nhanh. Tuy nhiên, địa phương này cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Một góc thành phố Sông Công (Ảnh: Mộc Miên).

Đô thị nhiều tiềm năng

Với lợi thế đặc biệt, TP Sông Công được xác định là trung tâm công nghiệp lớn và là đô thị bản lề, trung chuyển kinh tế giữa các vùng trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên. Đô thị này luôn giữ nhịp tăng trưởng kinh tế khá, với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân hàng năm đạt khoảng 17%, thu ngân sách tăng bình quân 20%/năm... Với những thành tựu đó, từ một thị xã, năm 2015, Sông Công được công nhận là thành phố loại III. Và hiện tại, đang nỗ lực để trở thành thành phố loại II vào năm 2020.

Cùng với sự phát triển của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, quy mô và số lượng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tăng đáng kể, đến nay tổng số doanh nghiệp đã lên tới trên 450. Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 7.000 tỷ đồng, bình quân tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành công nghiệp trên địa bàn đạt trên 17%/năm.

Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự chuyển dịch tích cực về cơ cấu kinh tế thành phố, chỉ tiêu GDP bình quân đầu người hàng năm trên địa bàn tăng đáng kể, đến năm 2018 là 90,7 triệu đồng người/năm, cao gấp 1,55 lần so với bình quân cả nước.

Thành phố cũng đang hướng tới mục tiêu xây dựng TP Sông Công xanh và có tính đặc trưng cao; có tổng thể không gian hòa nhập với hệ sinh thái môi trường, tạo dựng những giá trị cảnh quan đặc trưng; chú trọng thiết lập các không gian mở, khai thác cảnh quan hai bên bờ Sông Công.

Những thách thức trong phát triển đô thị

Cùng với phát triển công nghiệp, thành phố cũng chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị. TP Sông Công đã đẩy mạnh hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông nội thị nhằm mở ra không gian đô thị hiện đại trong tương lai, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Hiện, thành phố có 10 khu dân cư, khu đô thị được đầu tư xây dựng, trong đó có 4 khu dân cư, khu đô thị (KĐT) đã hoàn thiện hạ tầng, bàn giao đất cho người dân; 3 dự án thuộc lĩnh vực đô thị đang mời gọi các nhà đầu tư, đó là: Dự án KĐT chức năng đầu cầu cứng Sông Công (xã Vinh Sơn), có quy mô 24ha; Dự án KĐT dọc Sông Công (trên địa bàn phường Thắng Lợi, Mỏ Chè và Lương Châu), quy mô 90ha; Dự án KĐT và dịch vụ tiện ích Khu công nghiệp Sông Công II (thuộc phường Lương Sơn và xã Tân Quang), quy mô 46ha…

Tuy nhiên, công tác phát triển đô thị không phải lúc nào cũng thuận lợi, thành phố luôn phải bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính... để thu hút các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng các khu dân cư, KĐT. Mới đây nhất, dự án Xây dựng đoạn đường Thống Nhất và hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phường Thắng Lợi, thị xã Sông Công (nay là TP Sông Công) được phê duyệt vào ngày 29/12/2011 trên diện tích 23ha. Sau đó vào ngày 24/2/2012, UBND thị xã Sông Công đã ra Thông báo 123/TP-UBND về việc thu hồi đất để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dự án lúc này được chỉnh sửa thành "Khu dân cư đoạn đường Thống Nhất, phường Thắng Lợi".

Trong quá trình thực hiện, đại đa số người dân đều chấp hành bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp và chấp nhận phương án đền bù. Với một vài hộ không đồng ý, tới ngày 27/12/2017, UBND đã ra Quyết định 2462/QĐ-UBND về việc thu hồi đất để thực hiện việc đền bù, hỗ trợ, tái định cư nhằm phục vụ cho dự án. Do phát sinh một số tình huống từ thực tiễn thi công, đến ngày 31/7/2018, dự án lại được bổ sung, chỉnh sửa là "Xây dựng đoạn đường Thống Nhất và hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phường Thắng Lợi" cho phù hợp với tình hình thực tế. Và đến ngày 22/8/2019 vừa qua, UBND ra Quyết định 1669/QĐ-UBND về việc cưỡng chế thu hồi đất của các hộ còn lại.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước khi triển khai dự án, khu vực này là một vùng đồi núi hoang sơ, ruộng đồng lầy lội. Từ khi dự án được triển khai, cuộc sống người dân nơi đây đã thay đổi. Nhà cao tầng mọc lên thay thế những ngôi nhà cấp 4. Đời sống người dân được cải thiện đáng kể. Hệ thống hạ tầng đường sá, cây xanh sạch đẹp.

Ông Lê Văn Khôi - Chủ tịch UBND TP Sông Công chia sẻ: Thực tế quá trình phát triển hạ tầng đô thị của địa phương không phải lúc nào cũng được cộng đồng thông cảm và chia sẻ. Nhưng thành phố luôn xác định xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp là để cho người dân, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày một cao của xã hội nên không thể thiếu sự chung tay, đồng thuận của nhân dân. Cùng với đó, lãnh đạo thành phố luôn chú ý tuân thủ nguyên tắc "Sống và làm việc theo pháp luật", trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Nhờ tinh thần ấy, sau khi TP Sông Công chính thức được thành lập vào năm 2015, đã nhanh chóng khẳng định vị trí quan trọng trong sự phát triển chung của tỉnh Thái Nguyên, với việc phát huy thế mạnh, tiềm năng sẵn có, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, trở thành vùng đất đầy triển vọng để phát triển.

Hạ tầng đô thị hiện đại - điểm tựa cho phát triển kinh tế

Cũng theo ông Lê Văn Khôi, Chủ tịch UBND TP Sông Công: Từ các ưu thế về vị trí địa lý, giao thông, Sông Công được xác định là trung tâm công nghiệp lớn, đầu mối trung chuyển kinh tế đến các khu vực trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên.

Thực tế thời gian qua, Sông Công đã rất thành công khi thu hút đầu tư, trở thành "điểm sáng" phía Nam của tỉnh Thái Nguyên, và là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, trở thành thành phố công nghiệp.

Để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư; thành phố đã tích cực phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ cam kết với các nhà đầu tư.

Lãnh đạo thành phố cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh mặt tích cực, trên địa bàn TP Sông Công còn tồn tại một số vấn đề như: Diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp; sự chuyển đổi nghề nghiệp của người dân chưa bắt kịp với tốc độ phát triển kinh tế; cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, một số lĩnh vực còn thể hiện sự thay đổi chậm.

Để giải quyết những tồn tại, thách thức trên, thời gian tới, TP Sông Công cần có những giải pháp trung và dài hạn, cụ thể như: Xây dựng quy hoạch tổng thể, nghiên cứu lập kế hoạch sử dụng đất đai lâu dài, đảm bảo tính phát triển bền vững cho tỉnh Thái Nguyên nói chung và cho TP Sông Công nói riêng.

Với sự chung tay, góp sức của chính quyền và người dân trong giải quyết kịp thời các vướng mắc nảy sinh, nhiều dự án trên địa bàn TP Sông Công đã được triển khai và về đích trước thời hạn, góp phần tạo diện mạo mới cho thành phố phát triển.

“Địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để giải đáp thỏa đáng các ý kiến, kiến nghị, giúp thành phố giải tỏa hiệu quả các "điểm nghẽn" trong quá trình thu hút đầu tư để ngày càng phát triển”, ông Lê Văn Khôi - Chủ tịch UBND TP Sông Công chia sẻ.

Mộc Miên

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/song-cong-thai-nguyen-nhung-thach-thuc-trong-phat-trien-do-thi.html