Sống để gieo mầm yêu thương

Sống chung với bệnh ung thư quái ác, nhưng Lê Huy (SN 1979) vẫn cảm ơn nó vì đã giúp bản thân biết yêu thương con người, trân trọng giá trị cuộc sống, sẻ chia, giúp đỡ những mảnh đời cùng cảnh ngộ. Còn Hoàng Hoa Trung (SN 1990) coi thiện nguyện là một phần cuộc sống của mình, có nhiều đóng góp tạo ra thay đổi tích cực cho xã hội.

Lê Huy (ngoài cùng bên phải) đang phát cháo cho bệnh nhân ở Bệnh viện K (Quán Sứ, Hà Nội). Ảnh: Bình Minh.

Lê Huy (ngoài cùng bên phải) đang phát cháo cho bệnh nhân ở Bệnh viện K (Quán Sứ, Hà Nội). Ảnh: Bình Minh.

“Bệnh tật cho tôi biết sống yêu thương”

Gặp Lê Huy (SN 1979, nhóm trưởng Đội phát cháo tự nguyện từ thiện Từ Tế) đúng lúc đang trực tiếp múc cháo trao tận tay những bệnh nhân ở Bệnh viện K (Quán Sứ, Hà Nội). Mỗi bát cháo Huy trao đi đều không quên kèm một nụ cười tươi rói: “Xin lỗi để cô chú chờ lâu. Cô chú ăn luôn đi khi cháo còn nóng ạ”.

Nhìn Huy ít ai biết được rằng đằng sau nụ cười hạnh phúc kia, hàng ngày cậu đang phải đấu tranh với căn bệnh quái ác- ung thư máu bị gần 7 năm nay. “Cuộc đời tôi giờ cũng như ngọn đèn dầu trước gió, nó có thể vụt tắt bất cứ lúc nào, nhưng tôi lại cảm thấy thật may mắn. Tôi biết trân trọng những gì mình đang có, sống biết yêu thương hơn”, Huy chia sẻ.

Đội cháo của Huy không chỉ mang đến những bát cháo, mà hơn thế nữa là sự sẻ chia, động viên các bệnh nhân vượt lên nỗi đau bệnh tật, sống có ý nghĩa hơn. Gặp các bệnh nhân, Huy luôn kể về cuộc đời và căn bệnh của mình, cách mà cậu đang đối diện với nó.

Huy từng tốt nghiệp ngành Cơ khí của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, sau đó học thêm ngành Quản trị kinh doanh ở trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Ra trường đi làm cho một doanh nghiệp, anh phấn đấu lên trưởng phòng, rồi phó giám đốc công ty. Sự nghiệp đang phát triển, tai họa bất ngờ ập đến, anh đi bệnh viện khám phát hiện bị mắc căn bệnh ung thư máu quái ác. “Trời đất như sập xuống, tôi nghĩ mình sắp chết. Khi xạ trị toàn thân da cháy sạm, bong tróc đến nỗi đứa con thứ hai không nhận ra bố, nó khóc và không dám đến gần. Có lần tôi tìm cách tự sát để giải thoát cho bản thân, gia đình nhưng không thành…”, Huy kể.

Cuộc sống của Huy là những chuỗi ngày tuyệt vọng, cho tới một ngày anh thấy một em bé mới bảy tuổi cùng phòng điều trị mất vì bệnh ung thư máu. Chứng kiến những đau đớn mà gia đình em bé phải chịu đựng, Huy nghĩ đến bố mẹ, vợ con. Huy quyết định “chiến đấu”với bệnh tật.Từ đây Huy nằm điều trị với tâm lý thoải mái hơn, hằng ngày chống nạng tập đi.

Điều trị trong viện, có cơ hội tiếp xúc với nhiều mảnh đời bất hạnh phải xa quê đến Hà Nội điều trị, thiếu thốn đủ bề, Huy nảy ra ý định muốn làm một việc gì đó để giúp đỡ họ. Huy muốn “cho đi” và không có ý định “nhận lại”.Ý tưởng lập ra Đội phát cháo tự nguyện từ thiện Từ Tế xuất hiện từ đây. Huy tâm sự: “Tôi là con một trong một gia đình khá giả. Từ bé tôi như một cậu ấm, sống không thiếu thứ gì. Lớn lên đi làm tôi cũng là một người thành đạt có địa vị trong xã hội. Nhưng khi đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết, tôi mới nhận ra rằng chỉ sự quan tâm, động viên của mọi người mới là sức mạnh quý giá nhất giúp chiến thắng bệnh tật”.

Đội phát cháo tự nguyện từ thiện Từ Tế ra đời, đến nay thu hút hàng trăm thành viên tham gia. Đội phát cháo đều đặn vào buổi trưa các ngày trong tuần. Thứ 4 và thứ 6 phát cháo ở Bệnh viện K; thứ 5 và thứ 7 ở Bệnh viện Nội tiết; Chủ nhật ở khoa Tâm thần (Bệnh viện Quân y 103); các ngày còn lại ở Bệnh viện Đa khoa Phú Xuyên.

“Có lần chở cháo mang tới viện, tôi bị sốt cao, người run lên. Lúc đó tôi chỉ còn biết âm thầm cầu ông trời cho mình có đủ sức mang được chuyến cháo tới cho các bệnh nhân rồi chết cũng được.Và khi trao tận tay bệnh nhân những bát cháo nóng hổi, thấy họ trân trọng nó, nở những nụ cười tươi, tôi thấy mình vui hơn và có thêm sức mạnh”, Huy chia sẻ.

Với những đóng góp cho cộng đồng hơn 7 năm qua, Trung tâm UNESCO Khoa học Nhân văn và Cộng đồng đã trao chứng nhận Đội phát cháo tự nguyện từ thiện Từ Tế do anh Huy làm chủ nhiệm là “Địa chỉ nhân văn” ở Việt Nam.

Nhiều đóng góp cho cộng đồng

“Với mình thiện nguyện là một phần cuộc sống. Giúp đỡ được những đứa trẻ nghèo nơi biên giới có quần áo ấm mặc, có sách vở, trường đẹp để học tập thực sự là điều hạnh phúc nhất”, Trung Gốm, chủ nhiệm CLB Tình nguyện Niềm tin bắt đầu câu chuyện.

Trung Gốm có tên đầy đủ là Hoàng Hoa Trung, SN 1990, ở Thanh Xuân, Hà Nội.Cái biệt danh “Trung Gốm” ra đời không phải do anh là người làm gốm, mà gắn với CLB Tình nguyện Niềm tin. CLB được thành lập từ năm 2003, từ đó đến nay anh và những người bạn trong nhóm tình nguyện thường xuyên đến các cơ sở sản xuất gốm ở Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) xin những sản phẩm gốm lỗi đem đi bày bán trong các hội chợ sách, gây quỹ giúp đỡ trẻ em nghèo, xây các điểm trường vùng cao. Nhiều nghệ nhân ở làng gốm đều biết tới anh và luôn ủng hộ những việc làm của CLB.

Hoàng Hoa Trung chia sẻ, ban đầu là những hoạt động nhỏ như chiếu phim, tặng quà, tổ chức giao lưu, tặng tủ sách cho trẻ em vùng cao. Có giai đoạn nhóm gây quỹ với hoạt động thu mua ve chai. Trung cùng các thành viên trong CLB tới từng ký túc xá, các công ty và nhà máy xin vỏ chai đem bán lấy tiền gây quỹ. Sau thời gian ngắn, nhóm kiếm được 5 triệu đồng, mua 8 đàn gà và hai con lợn sữa ủng hộ người dân nghèo ở Điện Biên.

Trung cùng các bạn cũng đã thực hiện hiệu quả chương trình “Đất phù sa sông Hồng”. Trung đến gặp Ban quản lí đất bồi sông Hồng xin đất phù sa rồi phát động chương trình bán đất trồng cây gây quỹ từ thiện. Số tiền thu được CLB đã dành để mua dê ủng hộ cho người dân nghèo. CLB của Trung đã mua được 10 con dê giống tặng bản Nậm Vì, Mường Nhé, Điện Biên.

Nhận thấy nhiều trường vùng sâu, vùng xa không có nhà vệ sinh, nhà tắm, nhóm bắt đầu lên ý tưởng xây dựng và kêu gọi gây quỹ. Để có vốn thực hiện những mục tiêu lớn hơn, ngoài số tiền từ bán gốm, Trung trích một phần tiền từ cửa hàng in ảnh gỗ của mình, kêu gọi sự đóng góp của nhiều nhà hảo tâm, bè bạn. Có tiền, Trung và những người bạn bắt tay thực hiện Dự án Ánh Sáng Núi Rừng với mục tiêu xóa 20 điểm trường tranh tre nứa lá.

CLB của Trung hiện có trên 50 thành viên; đã xóa được 8 điểm trường tạm.Ngoài xây dựng các điểm trường, CLB còn hỗ trợ bữa cơm trưa cho học sinh nghèo; tặng dê giống, lợn giống, gà giống cho người nghèo; hướng dẫn người dân trồng tỏi giúp xóa đói giảm nghèo.

Trước những nỗ lực trên, nhóm của Trung đã giành giải Nhất cuộc thi Giải thưởng Thanh niên kiến tạo 2017 - Thế hệ trẻ vì sự phát triển bền vững. Giải thưởng nhằm tôn vinh những đóng góp của tổ chức thanh niên với cộng đồng, góp phần truyền cảm hứng tới giới trẻ, thắp sáng những trái tim tình nguyện, cùng nhau tạo ra thay đổi tích cực cho xã hội.

Cầm bát cháo nóng trên tay, nghe câu chuyện của Huy, chị Nguyễn Thị Lan (quê Hà Nam), một bệnh nhân ung thư đang điều trị ở Bệnh viện K, ôm lấy Huy bật khóc, nói: “Cảm ơn Huy đã cho tôi thêm động lực để đấu tranh với căn bệnh ung thư. Nếu cứ buồn rầu, oán trách số phận, bệnh tật thì cuộc sống này quá vô nghĩa và lãng phí. Mình còn gia đình, còn người thân, bạn bè, sẽ sống hết mình bởi cuộc sống luôn có những điều kỳ diệu”.

Lộc Hà

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/song-de-gieo-mam-yeu-thuong-1262348.tpo