Sóng gió trên những con tàu vỏ thép ở Miền Trung

Sự kiện tàu vỏ thép đóng theo NĐ 67/CP của Chính phủ sớm bị hư hỏng, thiếu hiệu quả sau vài chuyến đi biển đã gây sóng gió dư luận trong vài ngày qua. Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã quan tâm và có chỉ đạo sát sao vấn đề này. Chính quyền các địa phương gồm: Bình Định, Ninh Thuận, Phú Yên... đã tìm kiếm, mổ xẻ các nguyên nhân, đồng thời tích cực thúc đẩy các giải pháp sớm khôi phục đội tàu thép đánh bắt hải sản. Đà Nẵng là một trong những điểm sáng trong chủ trương phát triển đội tàu thép Nghị định 67/CP có hiệu quả.

Máy phát điện trên tàu vỏ thép của ông Thắng bị hư hỏng. Ảnh: P.V

Kỳ 1: Vướng mắc tàu dịch vụ hậu cần ở Ninh Thuận

UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương đưa con tàu vỏ thép duy nhất đóng theo NĐ 67/CP nằm bờ hơn 1 năm qua tại cảng Cà Ná (huyện Thuận Nam) của ngư dân Dương Văn Thắng lên đà, bảo dưỡng định kỳ, đồng thời tìm kiếm chủ đầu tư khác sở hữu, đề xuất Bộ NNPTNT quyết định. Liệu bước đi này có làm thay đổi “số phận” con tàu này hay không?

“Giải phóng” con tàu nằm bờ

Ngày 17.8, ông Trần Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - chủ trì buổi sơ kết quá trình thực hiện NĐ 67/CP. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, Ninh Thuận có 35 dự án được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện đăng ký vay vốn tín dụng để đóng mới, nâng cấp tàu cá, với tổng dự toán 382 tỉ đồng. Hiện tại có 25 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động (2 nâng cấp, 23 đóng mới) và 10 dự án đang trong giai đoạn thi công, dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động.

Ông Nam khẳng định, trừ con tàu vỏ thép nằm bờ của ngư dân Dương Văn Thắng (phường Mỹ Đông, TP.Phan Rang - Tháp Chàm) các con tàu còn lại đang hoạt động ổn định, có hiệu quả. Ông Nam không đề cập đến trang thiết bị, máy móc “có vấn đề” mà Lao Động đề cập trong bài viết “Bán nhà nuôi tàu vỏ thép nằm bờ” trên con tàu ông Thắng và cho rằng, việc đóng và sử dụng con tàu này quá sức, vượt khả năng của chủ tàu. Ông Nguyễn Khắc Lâm - Phó GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận - cho rằng, quyết tâm giữ con tàu của ông Thắng không còn nữa, khả năng tài chính cũng yếu kém. “Con tàu này cần đổi chủ sở hữu” - ông Lâm đề xuất.

Theo ông Nam, nếu để con tàu này tiếp tục nằm bờ, 5-7 năm nữa sẽ không xử lý nổi, gây thiệt hại kinh tế cho gia đình. Vì vậy, ông Nam đề nghị các đơn vị liên quan phải sớm đưa con tàu này lên đà bảo dưỡng định kỳ, đồng thời khẩn trương báo cáo việc chuyển đổi chủ đầu tư khác sử dụng, có năng lực vận hành con tàu, đề xuất Bộ NN&PTNT quyết định. “Tôi đề nghị việc này không được chậm trễ” - ông Nam nói.

Không dễ!

Ông Đặng Văn Tín - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) cho rằng, về mặt vật lý, trên biển, hai vật liệu khác nhau thì biên độ dao động cũng sẽ khác nhau. “Anh Thắng đóng tàu vỏ thép nhưng các đối tượng thu mua của anh lại là tàu vỏ gỗ thì tầng số lao động cũng khác nhau, riêng tàu vỏ composit cặp vào tàu vỏ gỗ đã khó, huống gì tàu thép. Bởi vì, biên độ lao động của tàu vỏ thép sẽ chậm đi mà tàu vỏ gỗ lại nhanh hơn và do hai con tàu không cùng chu kỳ lắc, khi sóng lên xuống vô hình dung thì sườn của tàu vỏ thép trở thành cái “máy chém” con tàu vỏ gỗ” - ông Tín thừa nhận.

Tự nhận là một ngư dân có kinh nghiệm 20 năm đi biển, ông Tín khẳng định: “Các tàu vỏ gỗ không bao giờ cập vào tàu vỏ thép để chuyển các sản phẩm qua được, trừ đi vào các đảo và sóng lặng”. Nói như ông Tín, đây rõ ràng là một “điểm liệt” của tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần. Và liệu việc chuyển giao chủ sở hữu tàu vỏ thép của ông Thắng có thể thực thi, khi mà con tàu vỏ thép này đang mang trên mình “khuyết điểm” nói trên. Chính chủ nhân con tàu, ông Thắng khẳng định: “Nếu tàu vỏ thép của tôi cập tàu vỏ gỗ thu mua hải sản, có thể mang họa bất cứ lúc nào. Lý do, tàu vỏ thép sẽ đâm vỡ, làm chìm tàu vỏ gỗ”.

Bản thân ông Thắng đã từng đề nghị cơ quan chức năng cho phép “xả” đáy tàu để thiết kế bằng, thay vì hình chữ V hiện tại nhưng không được chấp thuận. “Cơ quan chức năng bảo nếu làm vậy thì chi phí đó ai chịu và Cty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh (Khánh Hòa) cũng không dám làm vì phải có ý kiến của Bộ NN&PTNT” - ông Thắng nói.

Trong khi đó, ông Lâm nêu một thực tế: “Tôi chưa biết rõ thực tế con tàu này hoạt động như thế nào trên biển và mong muốn địa phương khác có đóng con tàu theo mẫu này để đến tìm hiểu, đối chiếu, so sánh nhưng rất tiếc không nơi nào có cả. Do đó Bộ NN&PTNT cần tổ chức đánh giá lại các mẫu thiết kế, chứ ở góc độ địa phương rất khó để nhận định”.

Theo ông Lâm, hiện đã có hai ngư dân ngỏ ý đăng ký mua lại con tàu nếu giá cả hợp lý. “Người thứ nhất, mua về để phục vụ hậu cần cho 5 con tàu cá vỏ gỗ của gia đình họ. Người thứ hai mua để chở dầu phục vụ cho các tàu cá” - ông Lâm cho hay. Về quyền lợi của chủ tàu cá cũ và mới khi chuyển nhượng con tàu này, ông Lâm cho biết, phải chờ NĐ 67/CP sửa đổi và Thông tư hướng dẫn.

NHIỆT BĂNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/song-gio-tren-nhung-con-tau-vo-thep-o-mien-trung-549969.ldo