'Song hổ' họa

Ở Đà Nẵng, mỗi khi nói đến chuyện hội họa, người ta thường nhắc đến Phan Ngọc Minh. Nỗi đam mê vẽ đã khiến ông quên ăn, quên ngủ và từng quên luôn cả con trai của mình cũng vì những bức tranh. Điều này về sau đã tái hiện trong ký ức của Phan Ngọc Vinh, con trai ông với tất cả huyền bí, ám ảnh, cám dỗ của nó…

Phan Ngọc Minh, người đời còn gọi là Minh “râu” vì ông để bộ râu xồm xoàm, dựng ngược, mỗi khi nói chỉ thấy bộ râu chuyển động. Nói về cuộc chơi nghệ thuật của cha mình, Phan Ngọc Vinh cho rằng đó là “đam mê, quá sức, chỉ có thể là tình yêu, ngoài ra không một áp đặt nào có thể làm nổi…”.

Từ “hổ phụ” Phan Ngọc Minh…

Minh “râu” còn có một biệt danh là Minh “Chàm” vì ông là người có thời gian vẽ Chàm và gắn bó với Mỹ Sơn như máu thịt. Thường mỗi đợt sáng tác ông xa nhà ba tháng. Khi trở về, hồn vía ông như lạc hết vào tranh. Phan Ngọc Minh ký họa Chàm siêu đến độ không thể không nhắc đến ông khi đã nói đến thế giới nghệ thuật này. Tên tuổi của ông cũng bắt đầu được biết đến ở nước ngoài.

Ông bố, họa sĩ Phan Ngọc Minh, ngoài mảng ký họa...

Vào tháng 12 năm 2005, khi tôi có dịp đến Pháp, thật bất ngờ khi tại câu lạc bộ Foyer du Viet Nam, một địa chỉ của những người Pháp yêu Việt Nam thường lui tới ở Paris, có treo biển giới thiệu triển lãm Chăm của Phan Ngọc Minh. Sau Pháp, tranh ông còn đến được với một số nước khác châu u. Nói chung có thể “điểm” ở ông: Ăn Chàm. Ngủ Chàm. Vẽ Chàm.

...còn nổi tiếng ở tranh sơn dầu

Phan Ngọc Vinh nhớ thời gian ấy chỉ có một bóng cha đương đầu, quăng quật vẽ hàng loạt tranh khổ lớn, tranh ký họa với một sức làm việc khủng khiếp. Cha vẽ nhiều đến nỗi trong một triển lãm thì không thể treo hết. Ông chỉ chọn lọc một số bức tinh túy, còn bao nhiêu đem dốc ngược vào kho. Và rồi vẫn với một xe Honda, ông lại lên đường trở lại Mỹ Sơn bạt ngàn gió bụi. Ông quay quắt với một ý tưởng lạ: Mở một cuộc triển lãm cá nhân tại Mỹ Sơn!

Vào thời điểm năm 1990, Mỹ Sơn như cách gọi của Chế Lan Viên là “cả vương quốc ma Hời” bới sự điêu tàn, trống toác và heo hút gió.

Qua miền ký ức

Kể chuyện với tôi, Vinh nhớ lại: “Cuộc chơi đơn độc một mình ông”. Nhiều bạn bè ông thời điểm đó còn cho rằng ông bị Chàm “ám” hay ông bị lập dị. Mỹ Sơn của ngày ấy còn sơ khai. Khách du lịch các tour chưa có hệ thống, đường xá lên xuống gồ ghề, lởm chởm sỏi đá. Mở triển lãm tại nơi gió bụi này đồng nghĩa với việc không thể thu lại được đồng vốn. Nhưng thái độ của họa sĩ với cuộc chơi lại quá thành tâm, quá thiêng liêng. Đặc biệt, ông có người vợ hiền chịu thương, chịu khó, chiều chồng nên đảm đương hết mọi khoản kinh tế…. Phan Ngọc Minh mới cùng con trai chọn các tranh vẽ đề tài Chăm-pa khổ lớn đem đi bỏ khung, cắt kiếng cẩn thận. Để chở đống tranh ấy lên Mỹ Sơn quả gian lao. Sau nhiều lần bàn tính, cuối cùng ra giải pháp tìm mua cả trăm ký giấy vụn, giấy rẻo về để áp, để lót vào giữa tranh. cho khỏi vỡ kiếng.

Để rồi, lần đó tại Mỹ Sơn là một triển lãm... thành công. Khách mời có cả nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin nhân một chuyến công tác về miền Trung đã đến cắt băng khai mạc cùng rất nhiều văn nghệ sĩ Đà Nẵng... Với Vinh, ngoài ký ức kính yêu người cha mình, anh như vẫn còn băn khoăn: “Người nghệ sĩ tìm kiếm gì trước bản thể mà mê mải trước chiều loang tím?”.

Đến “hổ tử” Phan Ngọc Vinh

Và câu hỏi không dễ trả lời đó ngỡ đã lặng sâu trong ký ức chàng trai trẻ, bất chợt một ngày vụt trở lại lúc nào không biết. Khi Phan Ngọc Vinh đang bước vào năm thứ 4 của trường Đại học Kiến Trúc. Bất chợt một đêm khuya anh tìm bút vẽ và muốn vẽ, muốn tái hiện lại những ngày tháng, những chân dung… Có cái gì đó tiềm ẩn đã vỡ toang, cuộn trào trong máu anh. Và tất cả hiện ra dưới những bức tranh, những ký họa dằng dặc không ngày, không tháng.

Nhà thơ Đông Trình .

Nhạc sĩ Trịnh công Sơn

Ký ức sống của một thời đoạn cùng cha chợt vụt trở về lung linh, nguyên vẹn. Đó là những chân dung văn nghệ sĩ từ Bùi Giáng, Phạm Duy, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đông Trình… mà anh được nghe cha kể, được may mắn gặp gỡ run rẩy dưới ngòi bút mà lòng anh không thể kiềm chế. Chưa đủ, chưa dừng lại ở đó, những bức sơn dầu, màu nước về môi trường sống và con người đương đại chấm phá bay bổng trong tranh Vinh. Tất cả người xem đều ngạc nhiên. Và người ngạc nhiên nhất vẫn là Phan Ngọc Vinh vì anh chưa bao giờ nghĩ rằng tình yêu vô bờ bến sắc màu hội họa của cha đã truyền qua tim mình.

Thi sĩ Bùi Giáng

Trong dịp cuối năm vừa qua, Phan Ngọc Vinh đã cùng cha “thao dượt” vẽ hàng loạt bức ký họa tại chỗ tặng cho khách du lịch Huế trước nhiều cặp mắt ngưỡng mộ “hổ phụ sinh hổ tử”. Vinh đang ấp ủ nhiều dự định. Có thể là một phòng triển lãm chung về ký họa, đất nước, con người Việt Nam, quê hương Quảng Nam, Mỹ Sơn, Quảng Nam… trong thời gian tới. Đễ cái gien hội họa, văn hóa, truyền thống, từ huyết quản cha tiếp nối sang con là những bước chuyển thế hệ. Rất có thể sẽ là như vậy.

Nguyễn Hữu Hồng Minh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/song-ho-hoa-327715.html