Sống là cho... (Kỳ I: Thân xác này xin hiến tặng cho đời)

Gặp họ tại Lễ Tri ân những người tình nguyện hiến xác cho y học do Khoa Y Dược- ĐH Đà Nẵng tổ chức chiều tối 26-2, tôi bỗng nhớ đến những vần thơ của cố nhà thơ Tố Hữu: '...Sống là cho. Chết cũng là cho'.

Gặp họ tại Lễ Tri ân những người tình nguyện hiến xác cho y học do Khoa Y Dược- ĐH Đà Nẵng tổ chức chiều tối 26-2, tôi bỗng nhớ đến những vần thơ của cố nhà thơ Tố Hữu: "...Sống là cho. Chết cũng là cho".

Ông Nguyễn Tiến Dân và SV Khoa Y Dược ĐHĐN tại Lễ Tri Ân.

Ông Nguyễn Tiến Dân và SV Khoa Y Dược ĐHĐN tại Lễ Tri Ân.

Bình dị mà cao cả!

Khi Ban tổ chức Lễ Tri ân Khoa Y Dược- ĐH Đà Nẵng trân trọng mời ông đại diện những người hiến tặng thi hài cho y học lên phát biểu, tôi nghe cái tên khá quen: Nguyễn Tiến Dân. Lúc tìm gặp tại nhà riêng, tôi mới biết ông cũng là nhà báo, người có cái tên tôi đã ngờ ngợ quen hôm lễ tri ân. Ở tuổi 70 nhưng nhìn ông vẫn còn khá trẻ với mái tóc hoa râm, nước da trắng hồng, dáng đi nhanh nhẹn. Ông cho biết đang làm việc cho Tạp chí Văn hóa Doanh nhân, là thành viên Hội bảo trợ tư pháp người nghèo Việt Nam và Trung tâm Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ. Trước khi gặp ông, tôi nghĩ đủ chuyện để hỏi, nhưng đến lúc gặp lại chẳng biết bắt đầu từ đâu. Khi tôi hỏi thẳng: "Điều gì đã khiến chú đi đến quyết định hiến xác cho y học?", ông từ tốn bảo: "Chuyện bình thường mà, có gì to tát đâu". Nghe giọng tôi biết ông không phải người gốc Đà Nẵng. Ông sinh ở Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) trong một gia đình truyền thống cách mạng. Cha ông là cán bộ tiền khởi nghĩa, hy sinh năm 1971. Nhà ông có 8 anh em: 6 trai, 2 gái, trong đó 3 người anh của ông đã hi sinh..., mẹ ông là Mẹ VNAH. Năm 1964, mới 14 tuổi, ông tham gia cách mạng, chiến đấu tại chiến trường khu V. Trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông chứng kiến biết bao đồng đội hy sinh, thậm chí có người đã chết trên vai ông. Chiến tranh cho ông cảm nhận sâu sắc ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh. "Có khi, chỉ sau một đêm, cả đơn vị bị B52 đánh trúng, nhiều đồng đội của ông đã hy sinh. Đồng đội chú đã sống, chiến đấu anh dũng và ra đi nhẹ tựa lông hồng"- ông bùi ngùi nhớ lại. Sau ngày đất nước thống nhất, ông xuất ngũ, tiếp tục đi học rồi trở thành nhà báo. Trong những lần tham gia đi tìm, bốc mộ liệt sĩ, nhìn thân xác đồng đội hòa tan trong lòng đất..., ông cứ nghĩ mãi về ý nghĩa của sự sống-cái chết, rồi dần hun đúc trong ông ý nghĩ hiến xác cho y học. Thế là ông lên mạng tìm hiểu các thủ tục liên quan đến việc hiến xác và trở thành người đầu tiên đăng ký hiến nhân thể cho y học khi Khoa Y Dược-ĐHĐN tổ chức việc tiếp nhận này vào năm 2016. "Người ta nói chết là hết, nhưng tôi nghĩ, nếu ta đem thân xác mình hiến cho khoa học để tiếp tục phục vụ sự sống thì cái chết đó mới thật sự có ý nghĩa...Trước đây, nhiều người cho rằng việc hiến xác là xúc phạm tới tâm linh, trái với đạo lý dân gian, với truyền thống của người Việt. Nhưng ngày nay khoa học càng phát triển, tri thức con người ngày càng được mở rộng thì việc hiến xác, hiến tạng là một nghĩa cử cao đẹp, một việc làm ý nghĩa, thiết thực và đầy tính nhân văn"- ông chia sẻ. Tôi băn khoăn: "Gia đình chú không có ý kiến gì trước quyết định này sao?", ông cười, hướng mắt về phía vợ-bà Nguyễn Thị Kim Nhị (63 tuổi)-từ phía bếp đi lên. Nghe chuyện, bà bật cười vui vẻ: "Chuyện đó cũng bình thường mà. Thật ra, ông ấy ấp ủ ý định này hơn 10 năm rồi. Cả gia đình tôi tôn trọng quyết định của ông ấy".

Tôi càng bất ngờ khi biết, 18 năm nay, ông tham gia công tác thiện nguyện giúp đỡ trẻ em nghèo miền Trung-Tây Nguyên. Ông dành toàn bộ số tiền thương binh, tiền nhuận bút và cả tiền 30 năm tuổi Đảng để giúp đỡ trẻ em nghèo. Ông bảo mình làm điều đó xuất phát từ cái tâm và cũng vì lời căn dặn của đồng đội đã hy sinh. "Trong chiến tranh, đồng đội tôi có người không biết chữ. Mỗi lần nhận được thư nhà là lại nhờ người đọc hộ. Trước khi hy sinh, anh ấy đã dặn dò, sau này hòa bình, nếu có điều kiện thì hãy giúp đỡ trẻ em nghèo, đừng để chúng thất học, không biết chữ như mình". Nhưng phải đến năm 2000, ông mới thực hiện tâm nguyện ấy.

Chị Tăng Lý Thị Hoa bên bàn thờ bên ngoại. Ảnh: P.T

Tấm lòng gửi lại

Cũng tại lễ Tri ân, khi thấy tôi liên hệ ông Nguyễn Tiến Dân nhã ý viết bài, một bác sĩ ngồi ở hàng ghế phía sau vẫy lại gần nói nhỏ: "Người phụ nữ ngồi cạnh ông Dân cũng là người tự nguyện hiến xác đó". Dáng vẻ lặng lẽ, gương mặt nghiêm nghị khi thực hiện các nghi thức tại Lễ Tri ân của chị để lại trong tôi ấn tượng khá đặc biệt. Tìm gặp và hiểu hơn về cuộc đời chị Tăng Lý Thị Hoa (1971), tôi càng trân quý tấm lòng nhân ái của người phụ nữ này hơn. Chị không nói nhiều về mình, chỉ cho biết là con út trong gia đình có 12 anh chị em, nhiều người rất thành đạt. Lúc nhỏ hay đau ốm nên được ba mẹ, anh chị yêu thương. Mới học lớp 9 chị đã biết tham gia công tác từ thiện, rồi chẳng biết tự lúc nào lấy đó làm niềm vui trong cuộc sống. Càng trò chuyện, tôi phát hiện ẩn sâu phía sau vẻ ngoài hơi nam tính ấy là một tâm hồn nhạy cảm và đa mang. Chị cho biết từng làm quản sinh tại trường TH Hoa Lư rồi TH Trần Cao Vân, mới nghỉ việc năm 2017. Từ nhỏ đến lúc trưởng thành, chị ở với cha mẹ, khi họ qua đời, chị một mình thay mẹ đảm trách nhiệm thờ tự gia đình bên ngoại bởi chẳng còn ai thân thuộc". Tôi hỏi: "Điều gì khiến chị quyết định hiến tặng xác cho y học?", chị từ tốn đáp: "Có lẽ là nhân duyên. Từ nhỏ, tôi đã tham gia công tác thiện nguyện tại bệnh viện rồi. Mùa hè năm 2017, khi vào TP Hồ Chí Minh chơi, nghe một người chị bà con cho biết đã làm thủ tục tự nguyện hiến xác cho y học, thế là tôi cũng nảy sinh ý định đó. Trước khi đi đến quyết định này, tôi cũng lo sợ lắm. Nhưng rồi nghĩ, nếu sau khi chết, thân xác mình có thể giúp ích cho công tác đào tạo, nghiên cứu y khoa thì việc sống-chết của mình càng thêm ý nghĩa. Thế là tôi tìm đến các nơi để hỏi thủ tục. Biết được ý định của tôi, một người bạn công tác ở Trung tâm Phục hồi chức năng đã gọi điện vào hỏi Trường Y ở TP Hồ Chí Minh. Sau đó tôi nhận được điện thoại của bác sĩ Nguyễn Đăng Quốc Chấn- Trưởng Khoa Y Dược ĐH Đà Nẵng. Và người hướng dẫn cho tôi các thủ tục là bác sĩ Phạm Tiến Bình, công tác tại bộ môn giải phẫu của Khoa. Chuyện chỉ có thế!". Tôi hỏi: "Các anh chị của chị có biết chuyện này và chấp nhận quyết định của chị không?", chị cười quả quyết: "Mình phải tự quyết định cuộc đời mình chứ? Không ai lệ thuộc ai cả!". Với chị, nghĩa cử đó xuất phát từ cái tâm trong sáng, vô tư, muốn làm việc gì đó có ý nghĩa để giúp cho cuộc đời càng có ý nghĩa hơn...

Ghi chép: P.THỦY

Kỳ cuối: Hoa của đất

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_202908_song-la-cho-ky-i-than-xac-nay-xin-hien-tang-c.aspx