Sống lại kiếp 'người tiền sử'

Người ta đã bầu chọn, các cộng đồng người trên thế giới có bề dày đam mê với triết lý 'Friluftsliv' (tạm dịch: 'sống ngoài trời', như camping/ cắm trại) rồi lang thang dã ngoại nhất, đều nằm ở Bắc Âu. Tôi đã ngưỡng mộ họ, rồi ngạc nhiên thú vị với đủ thứ thiết bị phục vụ các chuyến đi mơ mộng và hào hoa của họ, ngay từ khi chưa hề đặt chân đến xứ Scandinavia huyền thoại đó.

 Cắm trại, sống giữa thiên nhiên là một triết lý sống phổ biến ở vùng Bắc Âu. Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng

Cắm trại, sống giữa thiên nhiên là một triết lý sống phổ biến ở vùng Bắc Âu. Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng

Quê hương của những món đồ dã ngoại thứ thiệt

Bán đảo Scandinavia là thủ phủ của thế giới trong sáng tạo các đồ “phượt”. Một cái thùng gắn trên nóc ôtô, nó thông minh hơn cả nhiều sự thông minh, đẹp hơn khái niệm về cái sự đẹp, có dung tích lên tới 500 lít.

Một cái balô có cả “safe zone”, tức là vùng an toàn cho thiết bị để bạn nằm lên, đè lên balô mà macbook, iPad hay điện thoại thông minh để trong ấy vẫn luôn an toàn. Valy làm bằng thứ hợp kim sáng ngà, tinh tế như “nước thép” trên chiếc Boeing, nhẹ hơn nhựa, và những chiếc bánh của nó thì phảy một cái có thể quay đến mức bạn không bao giờ đủ kiên trì để đợi đến khi nó dừng hẳn.

Khi dã ngoại, bạn có thể lôi từ trong khoang bí mật ra hai sợi dây vải nhựa siêu bền, ngoắc nó vào hai vòng tròn nhỏ xíu chờ sẵn ở phần đáy vali, lập tức, “cô bạn” sẽ biến thành một cái balô xinh xẻo, khoác lên vai để leo núi. Cả một hệ thống ngoàm dựng xe đạp trên nóc hoặc gắn ở sau xe ô tô hết sức... choáng ngợp.

Đẹp, an toàn đến mức, dù đắt gấp 10 lần đồ bình thường, bạn vẫn mua và vẫn mỉm cười cảm ơn các nhà thiết kế tài năng và chịu chơi đến tận cùng!

Có lẽ, tôi vẫn chưa muốn dừng ca ngợi các mặt hàng này, nếu chưa nói về cái dây buộc đồ trên nóc xe. Nó là một hệ thống dây vải và nhựa hình ô mắt cáo, ở bốn bề diềm của nó đều có các sợi móc thông minh.

Bạn có thể để bất cứ đồ loại gì, to bé ngắn dài sao (tất nhiên không cản trở an toàn giao thông là được). Cứ vứt lên nóc, trùm cái lưới kia vào, rồi tự móc thông minh quay lại móc vào bất cứ cọng dây trên ô lưới theo hình dáng cần ôm gói của đồ vật. Tự các cái móc cũng biết móc vào nóc xe. Thế là xong, đường xa vạn dặm khỏi lo.

Tên của các hãng sản xuất đồ vật này xuất phát từ Thụy Điển, Na Uy, hầu hết mang tên các hòn đảo cổ, các cái nôi đầy trầm tích văn hóa đáng tự hào của người Bắc Âu. Kiểu như người Việt cho ra đời các thương hiệu lớn mang tên các miền di sản từ thuở “cha ông đi mở cõi”: Phong Châu, Gò Mun, Sơn Vi, Phùng Nguyên, Đồng Đậu vậy.

Sống ngoài trời - một “chất gây nghiện”!

Và giờ đây, đi dọc Scandinavia, bán đảo dài gần hai nghìn cây số, dài nhất Châu Âu, thấy người Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển... ào ào chạy xe ngoài đường, mê mải cắm trại ngủ lại với ngàn sao, tôi mới hiểu, vì sao họ chinh phục thế giới bằng đồ outdoor (đồ phục vụ hoạt động ngoài trời).

Thiên nhiên đẹp lộng lẫy, dân thưa, giàu có, đất rộng. Người Bắc Âu có chỉ số hạnh phúc, có phúc lợi xã hội và lối sống văn minh hàng đầu thế giới. Hầu hết ô tô đi trên đường đều có giá nóc, gắn một vài cái xe đạp ở “đỉnh đầu” hoặc “sau lưng” để lang thang “sống ngoài trời”. Nhiều xe thõng thượt cõng theo một “tòa lâu đài” diễm lệ nhỏ xinh của hãng TearDrop, tạm dịch là hạt lệ rơi.

Đó là một gian nhà di động, có đủ tủ lạnh, bàn, ghế, giường, tủ, bếp nấu và khu tắm rửa vệ sinh. Xe dừng ở đâu là khách sạn nhỏ giữa trời mây non nước được... khánh thành. Đặc biệt, hiếm xe nào không có thùng trên nóc, chủ xe có thể mở khóa, vặn chốt, tháo nó ra, vác lên hai tay, thả xuống cỏ thành chiếc hòm picnic. Nó được thiết kế theo hình vỏ sò khum khum, đứng mở cửa bên này, thì cửa bên kia tự động đóng.

Tại sao, ở nơi ấy, họ lại say mê dã ngoại như vậy? Vì đi một mình, tôi tự hỏi và phải nhanh chóng tự trả lời. Thiên nhiên của họ quá đẹp, vịnh biển hẹp ăn vào trong đất liền đến hàng trăm cây số (gọi là các phi-ót). Hàng nghìn cái phi-ót kiểu đó đã trở thành chuẩn mực về vẻ đẹp thiên nhiên vùng Bắc Âu, khiến cả thế giới ngưỡng mộ.

Đất rộng, người thưa, dọc đường lại chi chít các biển báo “camping” dẫn vào khu cắm trại. An ninh trật tự tốt, dựng lều ngủ giữa thiên nhiên bát ngát không sợ bị vặt trộm gương ôtô cũng không cần đề phòng con nghiện đến trấn áp xin tiền hoặc hãm hiếp như ở... nhiều nước (mà tôi không tiện kể tên ra đây).

Cũng không gió khói bụi hắt vào vàng ệch từ các công trường nửa thế kỷ chưa bao giờ thôi ở dạng “đào lên lấp xuống” dở dang. Cũng không sợ khói xăng mùi mịt từ xe hết đăng kiểm chạy như cỗ quan tài bay hoặc tiếng còi xe đinh tai nhức óc (đi ở Bắc Âu, cả tháng không nghe thấy một tiếng còi).

Hôm ấy, hai giờ sáng, hết cơn hăng máu mở cửa kính hít khí trời lái xe trong đêm đi tìm Bắc Cực quang, chúng tôi “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”, ghé vào một trạm dừng nghỉ. Tự ngả ghế xe ra mà ngủ. Thích thì dựng lều. Có khu tắm, đủ nước nóng, khu vệ sinh sạch sẽ an toàn. Có camera bảo vệ khắp nơi. Máy soi cũng tích hợp để thu phí người vào ngủ thông qua việc “đọc” biển số xe, dò ra chủ xe và truy tới tài khoản ngân hàng của họ rồi “tự động trừ tiền”. Chỉ vài đồng bạc lẻ mà đủ mơ màng giữa “khách sạn nghìn sao”.

Túp lều lý tưởng giữa thiên nhiên tuyệt bích hoang dã. Tất nhiên, trước đó bạn phải có ý thức chuẩn bị đủ lều, bạt, chăn, đệm, bàn ghế, đồ nấu nướng pha cà phê hay trà... Người Bắc Âu không có thói quen ngồi bệt trên sàn hay trong lều để ăn, vì thế họ rất quan trọng việc mang bàn ghế theo xe. Đồ outdoor gấp rất gọn, khi “bấm nút” dựng chúng ra, bạt bấu vào sườn xe, các vật dụng bé tí xíu bỗng chốc tưng bừng phục vụ chủ nhân.

Người ta dễ dàng có một mái hiên với bàn ăn uống, rồi ngồi ngắm cảnh biển xa, vực sâu, thác trắng cực kỳ lãng mạn. Nếu có căn phòng Giọt Lệ Rơi khép kín thì mở hết tốc lực các cửa sổ ra đón gió, để đời bạn sẽ có thêm một ban mai đón một chân trời mới lạ như cổ tích. Nếu mưa dày hay tuyết rơi, lều bạt có thể giữ ấm cơ thể. Và nên dùng lều cao, có thể đủ để bạn đi lại, kê bàn ghế bên trong và nằm đọc sách cả ngày dài chờ qua cái cơn “vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách” (mưa không xích trói mà có thể giữ chân người ta ở lại).

Hình thức camping này có chi phí rẻ, lãng mạn, tốt cho tâm trí và sức lực của những người yêu thiên nhiên và ưa khám phá. Với nhiều người, “sống ngoài trời” là một thứ chất gây nghiện có ý nghĩa tích cực. Trời đất bao la sẽ gột rửa tâm hồn bạn.

Ra ven hồ nước hay về bìa núi để... tổ chức hội thảo

Nhưng, để có hàng nghìn khu cắm trại lãng mạn bậc nhất thế giới, mùa đến thu hút khách lãng du từ khắp địa cầu kéo về, người Bắc Âu cần có một thứ quan trọng bậc nhất nữa. Đó là văn hóa “ở ngoài trời”, quyền của người “đi lang thang”. Người Thụy Điển có câu nói rất chí lý: “Không có thời tiết xấu, chỉ có quần áo của bạn không ổn mà thôi”. Ý rằng, dĩ nhiên họ phải ra với thiên nhiên bằng mọi giá, bất kể đang tuyết rơi lạnh giá đi nữa. Nếu trang phục của bạn đủ ấm, đủ che mưa, thì thời tiết mưa tuyết đâu có xấu.

Vấn đề là bạn thật sự cần thiên nhiên và tin đắm đuối rằng, thiên nhiên sẽ luôn đem lại năng lượng tuyệt vời nhất cho sức khỏe và cả trí tuệ của bạn. Và họ nâng cái việc “hòa mình” vào núi rừng sông biển một cách đích thực kia là một văn hóa sống. Là các giá trị mang tính sống còn. Được ở với cây cỏ, sông suối, các cánh rừng, là điều rất quan trọng với người nơi đây. Điều này có từ trong huyết quản của họ và tổ tiên họ.

Các nước vùng Scandinavia rộng lớn có một khái niệm quan trọng và xuyên suốt, ấy là “friluftsliv”. Từ này có nghĩa là “sống ở ngoài trời/ thiên nhiên”. Khái niệm này, được nhà thơ, nhà viết kịch Thụy Điển lừng danh Henrik Ibsen đưa ra và trở nên cực kỳ phổ biến từ năm 1850. Người Bắc Âu từ thượng cổ đã ưa chuộng cuộc sống hoang dã, hòa mình vào thiên nhiên để được “tiếp năng lượng sống”.

Hạnh phúc, với họ là được đi đến những vùng xa xôi và khám phá thế giới tự nhiên. Đó là nguyên nhân lý giải, vì sao ở Châu Âu có nhiều biển báo và quy định cấm “cắm trại” ở nhiều khu vực; trong khi khái niệm về allmansratten - tạm dịch “quyền lang thang” - rồi “sống ở ngoài trời” ở Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy lại có độ bao trùm thống trị. Bạn có thể cắm trại ở bất cứ đâu mà bạn thích, cốt sao bạn có ý thức tôn trọng người xung quanh, bảo bọc thiên nhiên cũng như quyền được sống và mưu cầu hạnh phúc của các loài hoang dã.

Bây giờ, ở nhiều đô thị ở Bắc Âu, dù dân số đông lên, các công ty lớn hoạt động theo mô hình văn phòng làm việc chung của “thế giới đại đồng”, nhưng người Thụy Điển vẫn luôn thượng tôn tinh thần sống ở ngoài trời. Quá nửa dân số thường xuyên đi nghỉ ở những căn nhà hòa mình với thiên nhiên tại các vùng nông thôn hay bên bờ biển.

Vào thứ tư hàng tuần, ở nhiều tập đoàn lớn vùng Bắc Âu cho toàn thể nhân viên chín mươi phút giải lao “mở cửa đi ra ngoài”. Không ai bảo ai, tất cả đều “phi thẳng ra phía các cánh rừng xung quanh” (từ ngữ được dùng trên một tờ báo lớn của thế giới khi viết về vấn đề này). Đến lúc, những người khổng lồ như Google rồi Apple thử nghiệm các ý tưởng “phút giải lao mở cửa phi ra với các cánh rừng” cho nhân viên, rồi điều này được rút tít rền vang trên nhiều tờ báo lớn, người Bắc Âu đã mỉm cười: Chúng tôi làm điều đó từ xửa xưa rồi.

Tại thủ đô Oslo của Na Uy, một tập đoàn lớn đã đồng thuận với việc dành nhiều thời gian hơn cho nhân viên đi ra ngoài thưởng lãm vẻ đẹp và sự lành lẽ của thiên nhiên khi trời nắng, còn lúc trời bớt đẹp hoặc u ám thì họ nhất tề quay trở lại bàn làm việc.

Triết lý của họ là: Nhân viên của chúng tôi chỉ thật sự làm việc tốt nhất được, một khi họ thật sự muốn làm việc. Nhân thế, nhiều cuộc họp quan trọng của họ, bèn kéo nhau ra bìa núi hay ven hồ nước để bàn thảo, thay vì trong phòng kín. Ở Phần Lan, họ còn trả thêm lương cho nhân viên, nếu họ đi bộ hoặc đạp xe đến nơi làm việc.

Với các thiết bị thể thao ngoài trời, rồi các giải thể thao “hòa nhập với thiên nhiên”, người Đan Mạch và Phần Lan còn có chính sách ưu tiên kinh phí, miễn giảm thuế cho người tham gia. Bởi họ biết, các chính sách có sức “truyền lửa” về với Mẹ Thiên Nhiên này, đến lượt nó, sẽ quay lại hữu ích trong việc bảo vệ thiên nhiên môi trường. Và điều đó còn quý hơn tiền bạc. Bởi, một khi đã phải lòng rừng cây, hồ nước hay các dãy núi, những dải bờ biển, thì tự khắc người ta sẽ bảo vệ chúng bằng tất cả thương yêu.

Thậm chí, nhiều trí thức Bắc Âu đã bắt đầu lo lắng với việc sóng điện thoại, sóng internet phủ kín đến cả các vùng biển, vùng sông, hồ núi non thậm xa xôi. Rằng sao người ta vừa leo núi, vừa lướt trên thuyền buồm hoặc ở trong căn nhà nghỉ dưỡng lộng gió bốn bề mà... vẫn dán mắt vào các màn hình điện thoại để làm việc? Nếu ngẫm kỹ, lối sống ấy, suy nghĩ ấy của người Bắc Âu thật thấm thía và có giá trị cảnh tỉnh với tất cả chúng ta. Dường như, đó là thêm một bằng chứng thuyết phục về việc: Bắc Âu là miền đất có chỉ số hạnh phúc và phúc lợi xã hội đứng vào TOP đầu thế giới. Họ muốn tận hiến trong công việc, nhưng cũng muốn nghiêm khắc trong một lẽ sống quan trọng hơn: Từng khoảnh khắc một đi không trở lại của Đời cần được tôn trọng một cách xứng tầm. Họ cần được thiên nhiên nhân ái và bảo bọc mình.

Các cư dân Bắc Âu có cả những nghiệp đoàn, những công ty, những bloger chuyên sâu bảo vệ “văn hóa” ở ngoài thiên nhiên như một triết lý sống. Các sản phẩm outdoor của họ luồn lỏi khắp địa cầu. Và ngày càng nhiều người trên thế giới vẫn tiếp tục đổ về Scandinavia để cắm trại, thưởng ngoạn đất trời nguyên sơ. Họ có một tấm lòng sùng bái thiên nhiên. Sáng ra, tôi thảng thốt mở cửa lều.

Đêm qua, quá nửa khuya kiệt sức dừng lại ven một tấm biển báo giao thông có vẽ hình cái lều (“camping”), buồn ngủ gặp chiếu manh. Có nước nóng công cộng tắm, hai phút “tung” lều và một phút sau thì thiêm thiếp mộng kê vàng mà tuyệt đối không lo trộm cướp hay bất cứ rủi ro nào khi vườn không nhà trống giữa hoang vu trên xứ lạ. Vì đêm tối, tôi hầu như không hề biết xung quanh đây là mênh mang trời biển, là la liệt các lều trại của những người đến trước. Có thể sau khi tôi ngủ, nhiều cỗ xe khác cũng dừng lại và bổ sung vào thế giới lều bạt tưng bừng mà lặng lẽ này nữa.

Bữa ăn đạm bạc, vậy mà hạnh phúc lâng lâng. Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng

Những ngày sống như thời tiền sử

Bình minh lên đỏ đẫm. Biển mơ màng xanh ngọc dưới chân, cái vươn vai của tôi làm từng đàn chim giật mình, chúng vẫy cánh quần quật bay đen kịt bầu trời. Những thác nước như áng tóc trữ tình từ trên trời rót xuống. Ngửa cổ uống một lọn nước chảy như mơ ngủ qua lớp rêu vàng rực, vị ngọt như từ tiền kiếp đổ vào trong cổ. Tôi chỉ còn biết thốt lên, may mà mình còn biết lái xe dọc Bắc Âu, để được trải nghiệm camping ở bất cứ chỗ nào. Chứ ở khách sạn mãi, thì phí đời lắm.

Ở nơi này mọi thứ đều đắt đỏ, cái gì cũng siêu đắt, đắt đến mức người Châu Âu còn sợ, huống hồ gã quê mùa như tôi. Nói như thế đủ thấy khách sạn đắt thế nào. Và ơn trời, phong trào “ở với thiên nhiên” đã khiến cắm trại giành thế thượng phong.

Ở Na Uy, số lượng khách sạn ít ỏi hơn rất rất nhiều so với các “sân camping” chi chít mọi ngả đường, mọi cánh rừng hay bãi biển. Người bản xứ cũng cắm trại khi cần ngủ xa nhà và với thiên nhiên, khách du thì càng camping nhiều hơn, vì mục đích của họ đến “quê hương của đồ ourdoor” là để trải nghiệm triết lý và văn hóa “sống ngoài trời” mà.

Đi bộ vài ngày trong núi, mặt trời lặn, vượt qua một mỏm núi, thấy trước mặt lờ mờ như những vì sao lặn cả xuống đáy thung sâu. Định thần lại mới vỡ òa niềm vui mới: Bên hồ nước tĩnh lặng sáng như gương, vô số cái lều hắt ánh sáng đèn pin dã ngoại và bếp cơm chiều muộn lên nền trời thẫm thịm lúc giao ban giữa ngày và đêm. Các nguồn sáng mơ ngủ đó lại phản chiếu xuống con hồ hoang cực lớn.

Rồi những đêm ngủ dưới chân núi tuyết. Cái lạnh Bắc Âu đóng băng các hồ nước và dường như đóng băng cả dòng máu nóng trong gã đàn ông ngoại tứ tuần đến từ xứ ở nhiệt đới ẩm như tôi. Miếng bánh mì nướng vội trên đống lửa tự đốt giữa hoang vu, chiếc ấm du mục bé bằng vốc tay đun thứ nửa nước nửa băng mỏng ra để “pha” mỳ Ý đóng gói. Bữa ăn đạm bạc hơn cả đám người du thủ du thực. Vậy mà hạnh phúc lâng lâng. Tiếng côn trùng, tiếng các loài hoang thú đâu đó vọng về, như nhắc vị khách xa của chúng rằng, đêm nay sẽ là đêm để đời của ông đấy. Nó không giống nhiều nghìn đêm ông đã trải qua trong các căn nhà sực ấm hoặc các khách sạn ngút trời sang trọng trong mỗi lần Tây du.

Anh bạn tôi mang theo một cái lều cao cấp, mái của nó trong vắt như kính. Nhìn xa óng ánh như một trạm quan trắc vũ trụ. Anh bảo, tớ muốn đêm chui vào lều vẫn được ngắm ngàn sao cho đến khi ngủ thiếp đi. Và ánh mắt đầu tiên của tớ khi thức dậy, không phải là cái nóc lều tăm tối, mà là một bình minh viên mãn đang tỏa rạng bốn bề. Ánh sáng quyền năng của mặt trời luôn gọi anh thức dậy.

Đêm ấy, tôi đã có cảm giác mình là một người thời tiền sử. Chỉ khác, cái “mái đá” dạng lều bạt che thân của tôi có điện thoại di động và nó biết gọi trực thăng cứu hộ ngay lập tức. Tôi cố gắng lòng tự nhủ lòng, “cai nghiện” đi, đừng check mail, không facebook, cũng chẳng đọc tin nhắn từ Cõi Người làm gì cả. Quả thế, sau những ngày không kết nối, tôi trở về và trái đất vẫn quay.

đỗ doãn hoàng

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/song-lai-kiep-nguoi-tien-su-655768.ldo