Sông Lam bị ngoạm sâu, dân Hà Tĩnh thấp thỏm lo hết đất canh tác

Có nhà mất nửa ruộng, có nhà vốn cách sông hàng cây số nay đang tiến sát mép nước, dân 2 thôn xã Xuân Lam đang lo bãi bồi biến mất hoàn toàn, không còn đất canh tác.

Dân thôn 1, thôn 3, xã Xuân Lam (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang "cầu cứu" về tình trạng đất nông nghiệp hai bên bờ sông Lam bị sạt lở nghiêm trọng. Sông ngoạm sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt.

Khoảng hơn 20ha đất nông nghiệp bên bờ sông Lam đoạn chảy qua xã Xuân Lam bị sạt lở.

Khoảng hơn 20ha đất nông nghiệp bên bờ sông Lam đoạn chảy qua xã Xuân Lam bị sạt lở.

Ông Trần Văn Hanh (trú tại thôn 3) cho biết, hằng năm sông Lam lấy đi không ít đất canh tác. Ông lo rằng tình trạng này nếu không được ngăn chặn thì chẳng bao lâu nữa, những bãi bồi bên bờ sông Lam biến mất vĩnh viễn.

"Cách đây mấy năm, ruộng nhà tôi rộng gần gấp đôi hiện nay, nhưng vì sạt lở mà nay diện tích chẳng còn là bao. Năm ngoái, lũ lụt xảy ra triền miên, nhiều diện tích hoa màu của dân nơi đây bị xóa sổ. Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm có phương án xử lý để yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế", ông Hanh xót xa nói.

Còn bà Nguyễn Thị Tuyết ở thôn 1 cho biết: "Tôi gắn bó với mảnh đất này hàng chục năm trời. Khi tôi còn nhỏ, bờ sông cách nhà cả cây số. Bây giờ, khoảng cách từ nhà ra tới mép sông chỉ còn vài chục bước chân. Nếu tình trạng sạt lở trên không sớm được ngăn chặn thì đừng nói tới đất sản xuất mà ngay cả nhà cửa, tài sản của người dân cũng có thể bị dòng nước cuốn trôi bất cứ lúc nào".

Theo quan sát của phóng viên, khoảng 3km bờ sông Lam thuộc địa phận xã Xuân Lam bị sạt lở. Nhiều đoạn, dòng nước ăn sâu vào bờ tạo thành những hàm ếch, mỗi khi mưa xuống vô tình tạo thành những "cái bẫy" đe dọa tính mạng người dân.

Sông Lam ngày càng xâm lấn sâu nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn xã Xuân Lam, từ năm 1960 đến nay, có hơn 20 ha đất nông nghiệp nằm 2 bên bờ sông Lam bị sạt lở; mỗi năm sông "ngoạm" từ 20 - 30m. Qua nhiều năm, sông xâm lấn, cuốn trôi cả một ngôi làng.

Ông Phạm Xuân Đại, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lam cho biết, tình trạng sông Lam "nuốt" đất nông nghiệp xảy ra nhiều năm nay, chủ yếu do mưa lũ gây ra. Bờ sông chưa có hệ thống đê kè bảo vệ nên khi lũ đến, nước sông dâng cao, cuốn trôi nhiều diện tích đất 2 bên bờ sông.

Ngoài ra, theo người dân, hoạt động khai thác cát tràn lan của nhiều đơn vị trước đây cũng góp phần gây sạt lở. Dân nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng đến nay chưa có giải pháp xử lý.

Về vấn đề làm kè để hạn chế sạt lở, ông Đại cho biết: "Qua nhiều cuộc họp hội đồng, tiếp xúc cử tri, chính quyền có đề xuất lên cấp trên xin dự án xây dựng đê kè. Đây là vấn đề lớn nên xã không đủ năng lực tài chính thực hiện mà phải chờ nguồn kinh phí các cấp trên xét duyệt, phân bổ. Chúng tôi đề xuất xin nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết".

Nguồn VTC: https://vtc.vn/gia-dinh/song-lam-bi-ngoam-sau-dan-ha-tinh-thap-thom-lo-het-dat-canh-tac-ar528053.html