'Song Lang' chính là 'đường một chiều' chỉ riêng mình kép Linh Phụng (Issac) bước đi

Câu chuyện tình đơn phương trong 'Song Lang' chắc chắn sẽ đưa bạn về một Sài Gòn của những năm 80 khi mà người ta thương nhau chỉ vì điều bình dị đơn giản như tấm lòng của Linh Phụng (Issac).

Ngay từ khi xuất hiện trailer, Song Lang của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và đạo diễn Leon Lê đã nhận được nhiều sự quan tâm không chỉ riêng giới truyền thông mà còn cả khán giả. Tác phẩm thu hút người xem bởi gam màu retro cực đẹp cùng góc quay canh chuẩn và đề tài khai thác hấp dẫn. Xem Song Lang, khán giả như trở về những năm 80 của một Sài thành sau giải phóng, khi mà những thứ giải trí của người Việt Nam chỉ là cải lương, radio và những trò chơi dân gian, sau khoảng thời gian phải chật vật lo cơm áo gạo tiền.

Dưới gam màu retro buồn man mác của Song Lang, hai nhân vật chính: kép hát Linh Phụng (Issac) và gã đòi nợ thuê Dũng “thiên lôi” (Liên Bỉnh Phát) hiển hiện cho hai tầng lớp xã hội khác nhau thời bấy giờ, vô tình va vào đời nhau để rồi khi kết thúc phim chỉ còn để lại cho khán giả phần nhiều những cảm xúc tiếc nuối. Nhưng khán giả ơi đừng nhận nhầm nhé, Song Lang là câu chuyện tình đơn phương bình thường đơn giản của riêng một mình Linh Phụng mà thôi. Đó hoàn toàn không phải là câu chuyện tình đam mỹ bị xã hội bảo thủ ngăn cấm.

“Đường một chiều” chỉ dành riêng một mình kép hát Linh Phụng

Trong tác phẩm, “crush” của kép hát nổi tiếng Linh Phụng là một gã giang hồ, chuyên đòi nợ thuê tên Dũng, biệt danh là Dũng thiên lôi. Người đàn ông ấy có vẻ ngoài phong trần, bụi bặm và có phần cộc cằn trong hành xử. Ai nhìn thì cũng có vẻ sợ hãi với dáng vẻ lạnh lùng của Dũng nhưng ẩn sâu trong anh là một tâm hồn lương thiện, mỗi khi buộc phải ra tay “đâm thuê chém mướn”, anh đều thể hiện phần lành của mình bằng cách đến nhà thờ để xưng tội. Và chắc cũng ít người biết rằng, Dũng “Thiên lôi” vốn là “con nhà nòi” có gốc cải lương, dù anh không còn theo con đường “bạc bẽo” này.

Trong khi đó, kép hát nổi tiếng Linh Phụng (Issac) có niềm đam mê cải lương từ nhỏ nên anh quyết định theo và sống chết với nghề. Anh rời xa gia đình, đi theo đoàn hết và là một chàng trai trẻ vẫn chưa trải qua những tình cảm điên cuồng khi tình yêu thăng hoa hay những phút giây bối rối khi tình yêu chớm nở. Anh dành trọn gần như những tháng năm tuổi trẻ và thời niên thiếu cho cải lương, cháy hết mình vì đam mê. Quên cả yêu thương một người, Linh Phụng dành trọn thời gian cho cải lương mà thiếu đi những cảm xúc trải nghiệm trong đời thực, mà như thầy anh đã răn: “Chỉ có trải nghiệm mới có thể mang tình cảm để mà diễn ra được.”

Nhiều người nói rằng đây là câu chuyện tình đam mỹ bi đát của Linh Phụng và Dũng. Thế nhưng, Song Lang theo quan điểm chủ quan, đây chỉ là mối tình đơn phương của một mình Linh Phụng. Là một mình anh có cảm tình với người ấy, dành cho người ta cảm giác đặc biệt, rồi có lẽ là thất vọng khi Dũng không đến rạp hát sau giờ diễn, và chắc chắn là luyến tiếc đau buồn khi Dũng qua đời. Thế nhưng, với Dũng, Linh Phụng dường như lại nhiều hơn là một người bạn, nhưng cũng chưa hẳn “xứng danh” là một người yêu. Nếu như còn sống, sự trải đời của anh chắc chắn sẽ không nhường đường cho những xúc cảm nông nỗi. Anh vốn không phải là kẻ sẽ sống theo tình cảm, nên chắc chắn anh sẽ không chấp nhận ở bên cạnh Linh Phụng dễ dàng, mà sẽ trải qua những dằn vặt, phân vân rất lâu. May mắn thay, mối tình đơn phương của Linh Phụng đã phải dang dở chỉ sau một đêm ấy mà thôi.

Cả câu chuyện tình chỉ gói gọn trong một đêm đầy “bạo lực”

Chỉ trong một đêm, hai con người vừa gặp như đã quen, cùng nhau trải qua những điều mà chỉ có tri kỷ của nhau mới cùng làm: chơi game, ăn đêm, tâm tình, dạo quanh những nẻo đường Sài thành. Từ hai kẻ hoàn toàn xa lạ, qua dăm ba ký ức về tuổi thơ, câu chuyện ngày xưa không đầu không đuôi, sự cảm thông và thấu hiểu đã hiển hiện trong mối quan hệ mơ hồ này của hai người đàn ông. Và chỉ sau một đêm đó, Linh Phụng nhận ra mình đã có tình cảm với gã giang hồ cộc cằn lương thiện ấy. Anh đã mua sẵn sợi dây chuyền được gói hoa cẩn thận để tặng cho Dũng, thế nhưng đến cuối cùng vẫn chẳng thể trao người vì người đã khuất xa rồi.

Đời rõ ràng thật ngộ. Hai con người thuộc hai tầng lớp xã hội khác nhau, ấy vậy mà va vào nhau một cách “lãng xẹt”. Cả hai gặp nhau khi gã đòi nợ đòi đốt hết phục trang của đoàn cải lương Thiên Lý - nơi Linh Phụng làm việc, người chẳng liên can lại tháo hết đồng hồ vòng cổ để thay bà bầu trả nợ. Những tưởng sẽ chẳng gặp lại nhau sau ngày Linh Phụng đến trả hết tiền nợ, thế nhưng, Linh Phụng lại vướng vào một cuộc đánh nhau đầy “bạo lực” mà anh là nạn nhân, và Dũng trở thành “anh hùng cứu mỹ nhân”.

Ở bên nhau một đêm, điều gì đã khiến cho Linh Phụng đem lòng say mê người đàn ông cộc cằn thô lỗ nhưng trải đời như Dũng? Đó chẳng phải là sự kết hợp thể xác đầy nóng bỏng, mà chính sự đồng điệu về tâm hồn và cảm giác yên lành khi ở bên một người đã khiến tình cảm trong Linh Phụng “đơm hoa kết trái”. Mối tình chóng đến rồi cũng chóng đi, Linh Phụng chẳng kịp làm gì để bày tỏ tình cảm, đã buộc phải cho nó trôi vào dĩ vãng vì người đã đi mất rồi. Cái kết buồn hiu hắt chẳng đến được với nhau đã tạo sự ám ảnh cao trong lòng người xem.

Phim Song Lang khởi chiếu từ 17/08/2018 ở các cụm rạp trên toàn quốc. Dù còn nhiều thiếu sót trong kịch bản nhưng nhìn chung Song Lang là một tác phẩm nên xem nếu bạn muốn quay trở lại những năm 80 khi Sài thành vừa giải phóng.

Lạc Lạc

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/song-lang-chinh-la-duong-mot-chieu-chi-rieng-minh-kep-linh-phung-issac-buoc-di-3516553.html