'Song Lang': Mối giao thoa tinh tế giữa quá khứ và hiện tại - Câu chuyện tình ý nhị giữa hai người đàn ông

Tiếp nối chuỗi những câu chuyện mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của con người Việt Nam, sau 'Cô Ba Sài Gòn', nhà sản xuất Ngô Thanh Vân lại mang đến màn ảnh rộng 'Song Lang' - bộ phim do đạo diễn Leon Quang Lê cầm trịch.

“Vén màn nhung” đưa môn nghệ thuật cải lương lên màn bạc

Poster phim.

Cải lương từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần đặc sắc của người dân miền Nam, tuy nhiên, thuận theo quy luật thoái trào, môn nghệ thuật này ở hiện tại dường như đã mai một đi rất nhiều. Với chủ trương đề cao và làm “sống lại” những giá trị truyền thống quý giá của dân tộc, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã mang cải lương lên màn ảnh rộng và biến nó thành một câu chuyện tinh tế, giàu cảm xúc có tên Song Lang.

“Cô Ba Sài Gòn”

Nếu trước đây, khán giả rất dễ dàng đón nhận Cô Ba Sài Gòn thì với Song Lang lại là một câu chuyện khác. Tà áo dài - quốc phục của Việt Nam hiện lên gần gũi, chân thực qua từng thước phim trên nền Sài Gòn phồn hoa, đô hội đã gợi lên nét đẹp thanh thoát của người con gái, người phụ nữ Việt Nam. Cũng chính vì vậy, mà người xem như được trầm mình vào dòng chảy phát triển của bộ quốc phục dân tộc.

Màu sắc retro cuốn hút của “Song Lang”.

Còn với Song Lang, vấn đề tiếp nhận của khán giả lại là điều đáng lo lắng. Tại thị trường Việt Nam, số đông đối tượng ra rạp là những người trẻ, vì lẽ đó bộ môn cải lương với họ sẽ có khoảng cách nhất định. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là những năm trở lại đây, người trẻ dần tìm lại giá trị cổ xưa để hoài niệm về cuộc sống của lớp thế hệ đi trước. Cũng chính vì thế, những phim mang màu sắc retro đậm nét như Song Lang bỗng chốc trở thành “cực phẩm”.

Cặp đôi diễn viên chính Isaac và Liên Bỉnh Phát có “chemistry” khá tốt với nhau.

Song Lang là câu chuyện kể về chuyện tình day dứt giữa Linh Phụng (Isaac) - kép hát đoàn cải lương Thiên Lý và Dũng Thiên Lôi (Liên Bỉnh Phát) - một tay giang hồ máu mặt chuyên đi đòi nợ thuê. Thoạt đầu, trông họ như một cặp oan gia không đội trời chung bởi suýt chút nữa Dũng đã ra tay đốt trang phục diễn của đoàn hát và chê bai Linh Phụng là nghệ sĩ không có tự trọng. Nhưng rồi chẳng biết từ khi nào, chàng kép hát trẻ tuổi, điển trai đã ghi lại hình ảnh của mình trong lòng tay giang hồ thô kệch nhưng có trái tim ấm áp. Sự đồng cảm từ những câu chuyện tuổi thơ đã kéo họ lại bên nhau, san sẻ và thấu hiểu cho những bi kịch và va vấp của cuộc đời đối phương, để rồi giữa họ nảy sinh thứ tình cảm không thể nói hết bằng lời.

Linh Phụng - Dũng Thiên Lôi và cuộc tình đẹp gieo lại nhiều tiếc nuối

Hình ảnh đẹp “hút hồn” của kép hát Linh Phụng.

Trên nền bối cảnh Sài Gòn những năm 80, hình ảnh kép hát Linh Phụng hiện lên như biểu trưng cho giai đoạn cực thịnh, vàng son của bộ môn nghệ thuật sân khấu cải lương. Còn ở một thế giới khác, Dũng Thiên Lôi lại gây ấn tượng bởi vẻ ngoài bặm trợn nhưng thực chất, anh lại là con người sống nội tâm, mang nhiều vết thương lòng từ những ngày non trẻ.

Cha của Dũng Thiên Lôi là một nhạc công trong đoàn hát khi xưa.

Ít ai ngờ một tay giang hồ máu mặt như Dũng lại là con nhà nòi, biết đàn, biết hát.

Trước đây, cha mẹ Dũng đều làm việc trong đoàn hát. Mẹ anh là đào chính sắc nước hương trời, cha anh lại là nhạc công tài hoa nho nhã, sau này ngay cả khi gắn mác giang hồ, Dũng cũng biết đệm đàn cho người khác hát. Có lẽ đây chính là sợi dây vô hình gắn kết hai con người của hai thế giới như Linh Phụng và Dũng Thiên Lôi.

Tình cảm chớm nở từ những khoảnh khắc rất đời thường.

Rất tự nhiên, họ gắn kết với nhau…

Họ bắt đầu thấu hiểu nhau từ những mẩu chuyện rời rạc, không đầu cũng chẳng đuôi. Ấy vậy mà dường như giữa hai người đàn ông này, tình cảm lại nảy sinh và lớn dần sau mỗi giây ánh mắt này chợt bắt gặp ánh mắt kia. Và có những thứ tình cảm đơn thuần như thế, không cần nói ra, không cần biểu hiện, ý nhị và khẽ khàng thôi nhưng là trọn vẹn một đời một kiếp, dẫu là ngắn ngủi.

Ở cuối phim, khoảnh khắc tấm màn nhung của sân khấu khép lại, bóng dáng Linh Phụng khuất dần, để lại sau lưng những giọt nước mắt cùng tràng pháo tay vang vọng của khán giả có lẽ đã gieo lại rất nhiều cảm xúc cho người xem. Đó không chỉ là sự nuối tiếc, mà còn là nỗi day dứt, dằn vặt đến ám ảnh cho một chuyện tình mới chớm nở đã lụi tàn. Có trách, chỉ có thể trách họ đã “đầu thai nhầm thế kỉ”, để rồi bao nhiêu yêu thương chôn lại vào lòng, đến khi nhắm mắt vẫn chẳng thể nói ra một câu cho trọn vẹn, đủ đầy. Màn nhung hững hờ đóng lại, cũng là lúc đặt dấu chấm hết cho mối tình của Linh Phụng và Dũng Thiên Lôi.

Nhưng không ai trong chúng ta phủ nhận rằng cuộc tình này đã rất đẹp. Leon Quang Lê từng nói rằng với anh, “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”. Ở khía cạnh nào đó, chuyện tình này dẫu buồn nhưng không hề bi lụy. Nó đẹp theo cách ý nhị, tinh tế và vô cùng văn minh, bởi lẽ nó được khắc họa qua lăng kính của những con người có tâm và có tầm.

Mối giao thoa tinh tế giữa quá khứ và hiện tại

Thật không ngoa khi nói rằng Song Lang chính là mối giao thoa tinh tế giữa quá khứ và hiện tại. Một Sài Gòn những năm 80 hiện ra trên màn ảnh rộng với gam màu retro ấm áp cùng những đồ vật từ thời ông bà cha mẹ chúng ta đã góp phần vẽ nên bức tranh toàn diện về bối cảnh của bộ phim. Song bên cạnh đó, câu chuyện đam mỹ diễm tình giữa hai nhân vật chính lại mang đến nét chấm phá đặc sắc cho chính bức tranh hoài cổ của Song Lang.

Bằng cách đan cài giữa cái cũ và cái mới, cộng hưởng cùng những thước phim đặc sắc nhưng chân thật về sân khấu cải lương, Song Lang đã cho khán giả sống lại những tháng năm Sài Gòn diễm lệ theo cái cách riêng nhất của nó.

Vở tuồng Trọng Thủy - Mỵ Châu.

Bên cạnh đó, ekip đã vô cùng tinh tế khi lựa chọn vở diễn Trọng Thủy - Mỵ Châu đưa vào diễn biến của bộ phim. Từng câu từng chữ được Linh Phụng cất lên như nói thay cả tấm lòng của anh - những tâm tình khó lòng giải bày ở thời điểm bấy giờ.

Tuy nhiên, công bằng mà nhìn nhận thì “đứa con” của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân vẫn chưa thật sự hoàn hảo. Điểm trừ đầu tiên nằm ở nhịp phim. Ban đầu, mạch phim khá rời rạc, nhịp độ “bình bình”, thiếu những nút thắt và sự gắn kết cần thiết để dẫn dắt, tạo hứng thú cho khán giả. Sau đó, vấn đề lại phát sinh ở sự cân bằng yếu tố cải lương với các phân đoạn phim.

Thay vì phân chia các phân cảnh sân khấu và phim với tỉ lệ xấp xỉ 40 - 60, ekip Song Lang hoàn toàn có thể cắt các đoạn cải lương xuống còn 30 - 70 hoặc thậm chí là ít hơn, để tập trung khai thác cuộc sống và lề lối sinh hoạt của người nghệ sĩ, làm bật lên những góc khuất và tâm tư của họ. Điều này chẳng những có thể tạo sự đồng cảm sâu sắc cho khán giả mà còn tránh được tình trạng tần suất cải lương xuất hiện quá nhiều.

Nhìn chung, Song Lang là phim điện ảnh khá chỉn chu, góp phần to lớn làm sống lại bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống - cải lương và cho khán giả tìm lại một Sài Gòn những năm 80 diễm tình với màu sắc retro cuốn hút. Dẫu còn tồn tại khuyết điểm và khá kén khán giả, nhưng nếu bạn là con người trân trọng quá khứ và thích hoài niệm về những giá trị cổ xưa, hãy đến với Song Lang.

Trailer phim.

Con người ta du hành thời gian qua ba phương tiện: đồ vật, con người và nơi chốn. Nhưng đó là với Leon Quang Lê. Chúng ta vẫn còn một cách khác của riêng mình, đó chính là Song Lang.

Phim được công chiếu tại tất cả các cụm rạp trên toàn quốc từ 17/08/2018.

Jin Yin

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/song-lang-moi-giao-thoa-tinh-te-giua-qua-khu-va-hien-tai-cau-chuyen-tinh-y-nhi-giua-hai-nguoi-dan-ong-3484825.html