Sống loay hoay bên kênh rạch (*): Rạch Xuyên Tâm: Mong ngóng đến ngày đổi đời

Người dân bên rạch Xuyên Tâm không ngừng mơ ước ngày cuộc sống đổi thay, thoát khỏi cảnh ngột ngạt về môi trường, khó nhọc trong kiếm tìm sinh kế…

Bà Nguyễn Thị Thu Hà (đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP HCM) có thời gian sống ven rạch Cầu Bông bằng chính tuổi đời - 56 năm.

Cuộc sống người dân hai bờ rạch Cầu Bông (quận Bình Thạnh, TP HCM) đều vất vả

Khu trọ không ánh mặt trời

Rạch Cầu Bông là tuyến rạch nhiều ô nhiễm của rạch Xuyên Tâm. Ba mẹ bà Hà sau khi cưới nhau đã dựng nhà ven rạch, sinh ra hơn 10 anh chị em. Những anh chị em của bà lớn lên từ thời nước ở đây còn màu xanh ngắt. Đến hiện tại, chứng kiến sự nhếch nhác, ô nhiễm nơi đây, lòng bà không khỏi xót xa.

Bà nhớ lại những tháng mùa mưa của vài năm trước, nước cùng đủ loại rác thải kéo nhau dạt vào khiến nhà vừa ngập vừa bẩn, bà chán ngán chỉ muốn bỏ đi cho xong. Còn khi nước rút, trời đứng gió, muỗi từ phía rạch bay vo ve đã đủ rùng mình. Thời gian gần đây không còn tình trạng nước ngập vào nhà nữa nhưng đó là những ký ức ám ảnh và tới nay sự nhếch nhác vẫn chưa mất đi.

Từ cửa nhà bà Hà nhìn ra con rạch, dễ dàng thấy những lớp rác dày đan kín. Sát bờ, dưới những sàn nhà là đàn chuột lớn bò theo các cây gỗ mục, mấy chú chó lở loét đầy mình chốc chốc lại đi xuống tìm thức ăn…

Nhà bà đông người, hằng ngày chia nhau ra đi làm kiếm sống, chỉ đến chiều tối mới về để ngủ. Nơi ở thì được tận dụng ván ép để ngăn thành nhiều phòng như những hộp diêm, không có ánh mặt trời, cho những ai khó khăn tới thuê ở.

"Sống mấy chục năm qua, người dân hầu như quen với sự nhếch nhác từ tuyến rạch này" - bà Hà nói.

Với bà Út (58 tuổi, đường Điện Biên Phủ, phường 15), khi nghe phóng viên hỏi về rạch Xuyên Tâm, bà nói ngay đây là con rạch ô nhiễm nhất chảy qua quận Bình Thạnh. Đi kèm với ô nhiễm là sự nguy hiểm. "Gia đình tôi có 6 người sinh sống mấy chục năm. Con chuột, con muỗi có là gì? Không ít lần rắn, rết vô tận nơi nữa" - bà Út thuật lại.

Bà Út sống bằng nghề bán hủ tiếu, gánh nặng gia đình rất lớn khi bà và chồng phải nuôi 2 anh chị bị bệnh tai biến và đãng trí. Cũng như bà Hà, mỗi khi mùa mưa tới, rác nổi lềnh bềnh trên mặt nước theo thủy triều chỉ chực tràn vào nhà. Khi nước rút, đủ loại rác thải ở lại, dạt vào sát nhà của bà cùng hàng xóm, mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi. Những ngày nắng nóng, ruồi, gián, muỗi thì vô kể.

Theo bà Út, nhiều năm nay, người dân rạch Xuyên Tâm rất mong chờ một cuộc sống được cải thiện, an toàn, thoải mái hơn. Bởi "cứ thế này, trước mắt là bị bệnh đường hô hấp tấn công, lo nhất là những nhà có trẻ em".

Dự án rạch Xuyên Tâm thực hiện từ năm 2023 đến 2028

Chờ đợi 4 năm nữa

Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm với chiều dài 6,6 km từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật (quận Bình Thạnh) và 3 rạch nhánh có chiều dài hơn 2,2 km. Dự án được HĐND TP HCM phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 64 vào tháng 12-2022 và UBND TP HCM phê duyệt dự án tháng 10-2023.

Dự án có tổng mức đầu tư 9.664 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng 6.372 tỉ đồng, 2.710 tỉ đồng chi phí xây dựng, còn lại là chi phí khác. Nguồn kinh phí từ ngân sách thành phố, tiến độ thực hiện từ năm 2023 đến 2028.

Diện tích thu hồi tại dự án là 158.800 m2 với 1.880 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó quận Gò Vấp 84 trường hợp (35/84 hộ đủ điều kiện tái định cư); quận Bình Thạnh bị ảnh hưởng là 1.796 với 909 trường hợp đủ điều kiện tái định cư.

Hai bên rạch sẽ được xây dựng bờ kè, hệ thống thu gom thoát nước thải và đường giao thông 2 làn xe mỗi bên. Đồng thời, công viên, mảng xanh, hạ tầng kỹ thuật ven rạch với tổng diện tích khoảng 11 ha được xây dựng.

Thời điểm hiện tại, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đang sống trong những ngôi nhà lụp xụp. Tôn được dựng lên làm vách, nhiều chỗ phải tạm chắp vá và các miếng tôn bị thủng lỗ nhiều chỗ nên dù nắng hay mưa chủ nhà cũng chịu chứ không thể xây mới.

Trong những cuộc trò chuyện với phóng viên, họ luôn bày tỏ niềm mong chờ chính sách hỗ trợ di dời, tái định cư phù hợp từ dự án.

Liên quan tới dự án này, ngày 22-12-2023, UBND quận Gò Vấp, TP HCM tổ chức lễ trao quyết định thu hồi đất và chi tiền bồi thường cho 5 hộ dân đầu tiên.

Tại buổi lễ trên, ông Nguyễn Trí Dũng - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp - cho biết đây là dự án trọng điểm được thành phố chọn để chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Quận Gò Vấp phấn đấu đến tháng 8-2024 cơ bản hoàn thành công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tiếp nhận mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư thi công dự án…

Ngột ngạt

Nói chuyện với phóng viên, bà Nhung (80 tuổi, phường 2, quận Bình Thạnh) hồi tưởng năm 19 tuổi lấy chồng rồi sống tại rạch Xuyên Tâm. Ngày ấy con rạch rất sạch nhưng sau 61 năm, dù hằng ngày vẫn "ra nhìn vào ngắm" nhưng không còn nhận ra không gian ngày xưa. Cứ vài tháng bà lại thấy sà lan thu gom rác, dọn dẹp tạm tuyến rạch mà tình trạng ô nhiễm không cải thiện.

Đêm nào bà cũng nghe tiếng người dân đem rác ra "vứt đùng đùng". "Họ gom thành túi lớn, mang ra cầu, đứng từ trên mà ném xuống. Vậy là tự mình khiến môi trường sống của chính mình trở nên ngột ngạt hơn" - bà Nhung nói.

Mong đổi thay

Quận 8 có nhiều kênh rạch như rạch Bén, rạch Hiệp Ân, rạch Ụ Cây, kênh Đôi... và theo quan sát, chúng đều trong tình trạng "nặng mùi". Ở trên hoặc cạnh đó là những căn nhà cũ kỹ, xiêu vẹo.

Người dân gần cầu Mật mong chờ sự đổi thay

Nhìn ra nhánh sông Mật với dòng nước đen, bà Lý Ngọc Tư (65 tuổi; ngụ đường Âu Dương Lân, quận 8) kể bà sống ở đây cả cuộc đời. Nhánh sông này chảy ra các tuyến kênh lớn, lúc trước còn rộng nhưng bây giờ đã hẹp đi rất nhiều, sự thơm mát của cỏ và hoa bị thay thế bằng mùi hôi thường trực.

"Tôi sống nhiều năm nên chịu mãi cũng thành quen, nhưng giá như chỗ này cùng nhiều nơi khác được đầu tư để chí ít như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thì tốt biết mấy" - bà Tư bày tỏ hy vọng.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-1

Bài và ảnh: Ái My

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/song-loay-hoay-ben-kenh-rach-rach-xuyen-tam-mong-ngong-den-ngay-doi-doi-196240103202145687.htm