'Sóng' lớn cổ phiếu ngân hàng

Đã lâu cổ đông ngân hàng mới trở lại không khí phấn khởi như thời điểm hiện nay khi giá cổ phiếu nhiều ngân hàng đã bật tăng mạnh mẽ trở lại.

Ảnh minh họa

Hiện giao dịch trên thị trường chứng khoán chính thức mới có 09 mã ngân hàng, gồm: STB, CTG, BID, VCB, MBB, EIB, ACB, SHB, NVB.

Quán quân tăng giá thuộc về NVB

Hai cổ phiếu ngân hàng có mức giao dịch dưới mệnh giá lâu nay là SHB của ngân hàng: TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHBank) và NVB của TMCP Quốc Dân lại có những phiên giao dịch bất ngờ nhất.

Có lẽ hân hoan nhất là cổ phiếu NVB kể từ khi chào sàn năm 2010 với mức trên mệnh giá 12.100 đồng/cổ phần, từ đó giao dịch dưới mệnh giá và về mức đáy mới gần đây trong tháng 01/2017 ở mức 4.200 đồng/cổ phần. Đúng phiên 19/6/2017 thị giá NVB đã quay trở lại trên mệnh giá khi tăng kịch trần lên mức 10.300 đồng/cổ phần.

Không biết NVB đã vượt thoát mức giao dịch dưới mệnh giá trong bao lâu, nhưng đây là phiên giao dịch đáng nhớ của NVB từ khi chào sàn đến nay. Tính từ đầu năm, cổ phiếu NVB đã tăng 110%, tính từ kết thúc quý I/2017 tăng 124%.

Thông tin về NVB cũng chưa có gì nổi trội ngoài thông tin ngân hàng này tự tái cơ cấu trong thời gian qua.

Cổ phiếu SHB cũng đã leo dốc ngoạn mục nhất khi trong gần 6 tháng qua đã tăng 64% từ mức giá đầu năm 2017 là 4.700 đồng/cổ phần lên mức 7.700 đồng/cổ phần phiên 19/6/2017.

Tính từ thời điểm 31/3/2017 khi mức giá là 5.700 đồng/cổ phần, thị giá SHB đến nay đã kịp tăng 35%.

Có lẽ còn lâu giá cổ phiếu SHB mới trở về đỉnh điểm 19.000 đồng/cổ phần cuối tháng 11/2009. Tuy nhiên, so với mức đáy 4.000 đồng/cổ phần thiết lập tháng 11/2012 thì mức giá hiện tại của SHB cũng khá hồi phục.

Thông tin về SHB là đã và đang xử lý ổn định sau khi nhận sáp nhập Habubank.

Nguồn: Tổng hợp

Nguồn: Tổng hợp

Tâm điểm chú ý lại là STB

Thị trường đang dồn sự chú vào cổ phiếu STB của ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) khi thị giá STB liên tăng trong những phiên gần đây.

Nếu tính từ đầu năm đến nay, mã STB đã tăng 50% từ mốc 9.400 đồng/cổ phần lên mức 14.100 đồng/cổ phần. Nếu tính theo quý thì từ phiên kết thúc quý I/2017 (mức giá 11.400 đồng/cổ phần) đến nay cổ phiếu STB đã tăng 25%.

So với thời điểm khủng hoảng tài chính năm 2009 khi mức giá STB về đáy 5.690 đồng/cổ phần (cuối tháng 2/2009) thì mức giá hiện tại STB đã tăng khá ấn tượng, nhưng vẫn chưa bằng mức giá thời hoàng kim của STB là 27.600 đồng/cổ phần giữa năm 2007.

Thông tin hữu ích nhất đối với cổ phiếu STB là Đề án tái cơ cấu ngân hàng này đã chính thức được Chính phủ phê duyệt ngày 22/5/2017. Một vấn đề cốt lõi nữa là nhân sự cấp cao của STB sẽ được chốt là ai, và cổ phiếu STB có lẽ vẫn còn nổi sóng từ đây đến ngày 30/6/2017 khi ngân hàng tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2017.

Cổ phiếu được thị trường chú ý thứ hai trong ngành ngân hàng có lẽ là EIB của ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank). EIB đã có giao dịch thỏa thuận khối lượng 53,6 triệu cổ phần (tương ứng với tỷ lệ 4,3% vốn điều lệ của Eximbank) chỉ trong phiên giao dịch ngày 08/6/2017, trị giá giao dịch hơn 686 tỷ đồng.

Đây có thể nói là lô giao dịch thỏa thuận khủng thứ 2 của cổ phiếu EIB từ năm 2015 đến nay, lô đầu tiên được trao tay 60 triệu cổ phần (781 tỷ đồng) ngày 23/01/2015.

Theo đó, thị giá EIB đã tăng liên tục từ đầu năm đến nay từ mức 9.850 đồng/cổ phần lên mức 12.250 đồng/cổ phần hiện nay, mức tăng trong gần 6 tháng qua là 24%, trong 3 qua tháng là 5%.

Thị giá EIB đầu năm 2017 cũng về gần sát giá đáy của ngân hàng này ở mức 8.900 đồng/cổ phần cuối năm 2010. Mức giá 12.200 đồng/cổ phần vẫn còn phải leo dốc nhiều phiên mới trở về mức giá đỉnh của EIB 17.880 đồng/cổ phần ngày 16/8/2012.

Thông tin về cổ phiếu EIB chủ yếu liên quan đến nhóm cổ đông lớn của ngân hàng này. Có lẽ thời gian tới EIB sẽ nhiều sự thay đổi về nhân sự cấp cao.

Cổ phiếu MBB của ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) cũng rất đáng chú ý khi tăng thẳng đứng từ đầu năm đến nay, từ mức giá 13.000 đồng/cổ phần đã leo dốc liên tục lên mức 20.700 đồng/cổ phần phiên 19/6/2107, mức tăng 59%. So với thời điểm kết thúc quý I/2017 mức giá 15.350 đồng/cổ phần thì cổ phiếu này cũng tăng tới 35%.

Thông tin về MBB chủ yếu xoay quanh kết quả kinh doanh của ngân hàng này. So với 3 ông lớn ngân hàng đang niêm yết thì khả năng sinh lời của ngân hàng này không thua kém.

Tiếp đến là sự leo dốc cổ phiếu ACB của ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Kể từ phiên đầu năm mức giá 19.000 đồng/cổ phần đến nay thị giá ACB đã tăng 40% khi giao dịch ở mức giá 26.600 đồng/cổ phần ngày 19/6/2017.

Kết thúc quý I/2017, cổ phiếu ACB không ngừng tăng trưởng dù có những phiên điều chỉnh về mức giá 22.000 đồng/cổ phần (25/42017) và đã tăng được 9% trong gần 3 tháng qua, đây lại chính là cơ hội để nhà đầu tư bắt sóng ACB.

Tuy nhiên, cổ phiếu ACB cho đến nay chưa bao giờ xuống dưới mệnh giá dù khủng hoảng tài chính 2008-2009 thị giá ACB vẫn là 11.600 đồng/cổ phần (11/6/2008) và khủng hoảng ngân hàng liên quan đến Bầu Kiên thị giá ACB là 11.700 đồng/cổ phần (27/11/2012). Mặc dù còn xa so với đỉnh ACB là 62.000 đồng/cổ phần (16/3/2007) nhưng cổ phiếu ACB đang khởi sắc trở lại.

Thông tin về ACB chủ yếu là ngân hàng này đã xử lý tốt nợ xấu liên quan đến Bầu Kiên và nhóm 6 công ty. ACB đang trở lại đường đua là ngân hàng Top đầu, có vị thế bán lẻ tốt nhất trong thời gian hoàng kim của khối ngân hàng trước đây.

Top đầu cổ phiếu ngân hàng có thị giá cao nhất là cổ phiếu VCB của ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank). Thị giá VCB đang hướng tới mốc 40.000 đồng/cổ phần (ngày 19/6/2017), vượt đỉnh giá đạt được vào nửa cuối năm 2015 là 38.000 – 39.000 đồng/cổ phần (giá điều chỉnh).

Tính từ đầu năm đến nay thị giá VCB đã tăng khoảng 7%. Thị giá VCB điều chỉnh về mức 35.000 đồng/cổ phần phiên cuối tháng 4 khiến sự tăng trưởng trong 3 tháng qua cũng ở mức 7% cho đến nay.

Thông tin về VCB đến nay vẫn hướng tới việc có sáp nhập thêm ngân hàng khác không và việc thoái vốn nắm giữ của VCB tại một số ngân hàng mà VCB đã tham gia tái cấu trúc, hỗ trợ, đầu tư trước kia, như Eximbank, MBBank, Saigonbank, OCB. Đặc biệt, thông tin nới room cho khối ngoại theo như đề nghị của VCB hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ.

Cũng là ngân hàng đề nghị nới room cho khối ngoại, cổ phiếu CTG của ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cũng đang tăng giá ngoạn mục lên mức 20.500 đồng/cổ phần, thị giá này gần sát so với mức đỉnh thiết lập từ lúc niêm yết đến nay là 22.000 đồng/cổ phần phiên cuối tháng 7/2015.

Trong thời điểm khủng hoảng, đáy của CTG cũng trở về dưới mệnh giá ở mức 9.600 đồng/cổ phần (23/8/2010). Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu CTG đã tăng 33%, tính trong gần 3 tháng qua kể từ kết thúc quý I/2017, CTG đã tăng 13%.

Thông tin về CTG chủ yếu là “chốt” sự sáp nhập PGBank vào ngân hàng này.

Ông lớn ngân hàng không thể không nhắc đến là cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Cổ phiếu BID mới thực sự bật mạnh từ giữa tháng 5/2017 khi ở mức 16.700 đồng/cổ phần liên tục leo về mốc 20.000 đồng/cổ phần(19/6/2017).

Tính từ đầu năm đến nay, thị giá BID đã tăng 33%, tính theo kết thúc quý I/2017 thì BID đã tăng 14%. So với mức giá đỉnh của BID là 24.000 đồng/cổ phần thiết lập giữa tháng 9/2015, cổ phiếu BID có thể tăng theo xu hướng nợ xấu ngân hàng đang chờ Quốc hội thông qua dự thảo quy định về xử lý nợ xấu ngân hàng.

Thông tin về BID hiện đang là nhân sự cấp cao, ai sẽ ngồi vào ghế nóng BID khi nguyên Chủ tịch HĐQT là ông Trần Bắc Hà đã nghỉ hưu theo chế độ. Trong 03 “ông lớn” ngân hàng thì BID có kết quả kinh doanh năm 2016 không khả quan bằng.

Đến nay, BID cũng đã hoàn tất sáp nhập MHB vào ngân hàng này.

LINH LAN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/song-lon-co-phieu-ngan-hang-2883683.html