Sóng ngầm dữ dội dưới lớp băng tan ở Bắc Cực

Từng là một vùng biển rộng lớn và khó tiếp cận, nơi các quốc gia hợp tác cùng nhau để khai thác tài nguyên thiên nhiên, Bắc Cực ngày càng tiến gần hơn tới viễn cảnh chứng kiến những cuộc cạnh tranh mạnh mẽ. Các núi băng tan chảy do biến đổi khí hậu và giao thông gia tăng ở rìa phía Nam của Bắc Băng Dương cũng là lúc nhiều quốc gia, kể cả những nước nằm ở vĩ độ thấp hơn, có những tính toán, vừa mang lại cơ hội, vừa tiềm ẩn nguy cơ cạnh tranh cường quốc.

Mới và cũ

Là một cường quốc Á - Âu, Nga hiểu rõ ưu thế tự nhiên ở Bắc Cực. Kể từ Thế chiến 2, nước này đã tích cực đầu tư và thiết lập những thành trì quân sự truyền thống. Dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, chiến lược “phòng thủ pháo đài” càng được phát triển mạnh mẽ. Ở một số khía cạnh nào đó, Điện Kremlin coi Bắc Cực là “sân sau” của Nga, vì vậy cho rằng họ có thẩm quyền kiểm soát các hoạt động và hoạt động quân sự, thương mại và khoa học trong khu vực.

Bờ biển Bắc Cực thuộc châu Âu của Nga bao gồm bán đảo Kola - nơi có Hạm đội phương Bắc, phần lớn kho vũ khí hạt nhân, cơ sở tên lửa, sân bay và trạm radar, cách cảng Tromso, Na Uy chỉ vài trăm km. Xa hơn về phía Đông Bắc, từ Novaya Zemlya và Alexandra đến Kamchatka và cảng Vladivostok, nơi được xem là “sân nhà” của Hạm đội Thái Bình Dương, Điện Kremlin đã dành nguồn lực đáng kể trong thập kỷ qua để cải tạo các cơ sở có từ thời Liên Xô, xây dựng căn cứ và mở rộng các địa điểm thử nghiệm mới.

Dữ liệu theo dõi vệ tinh do AAC SpaceQuest tổng hợp trên Tạp chí The Wall Street Journal, số tàu thương mại và chính phủ mang cờ Nga hoạt động ở vùng biển Bắc Cực đã tăng lên mức trung bình hằng tháng là 709 chiếc, tăng 22% kể từ năm 2018. Trong số các tàu này, đáng chú ý có tàu phá băng hạt nhân 50 Let Pobedy, được đặt tên để kỷ niệm chiến thắng của Nga.

Nga cũng tích cực thúc đẩy các hoạt động, cả quân sự và dân sự thương mại trên Tuyến đường biển phương Bắc (NSR). Sự nóng lên toàn cầu vô hình trung mở ra lối tiếp cận dễ dàng hơn cho vùng biển băng giá, cũng là lúc Nga tìm cách nâng cao vị thế “cường quốc” bằng cách tập trung vào khai thác tài nguyên, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển các tuyến đường vận chuyển dọc theo bờ biển phía Bắc.

Và, trong bức tranh ấy, người ta không thể không nhắc tới một gương mặt lạ mà quen.

Quan hệ đối tác an ninh Nga -Trung Quốc một phần được thúc đẩy bởi thương mại trên tuyến đường thương mại giàu năng lượng. Nhiệt độ ấm hơn đang mở ra các tuyến vận chuyển mới giữa châu Á và châu Âu, mở ra khả năng hình thành các tuyến vận chuyển hoàn toàn mới gần Bắc Cực. Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Nature Communications hồi tháng 6/2023, vào khoảng những năm 2030, Bắc Cực có thể gần như không có băng vào tháng 9, tháng có lượng băng thấp nhất trong năm.

Chính quyền Bắc Kinh dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình muốn Trung Quốc không chỉ là một bên liên quan ở Bắc Cực mà còn là một cường quốc “gần Bắc Cực”. Trung Quốc đã hệ thống hóa khái niệm này vào năm 2018 thông qua cái gọi là “Con đường Tơ lụa vùng cực” (PSR) - một phần của Sáng kiến “Vành đai và Con đường” triển khai trên toàn cầu. Giữa năm nay, tàu phá băng thế hệ đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất mang tên Tuyết Long 2 (Xue Long 2) đã được triển khai cho sứ mệnh thám hiểm vùng cực Bắc.

Hiểu rõ Nga là nhân tố then chốt nắm giữ chìa khóa của PSR, Trung Quốc và các tập đoàn trực thuộc khác nhau đã bơm hơn 90 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng và khai thác chủ yếu trong 2 thập kỷ qua, như nhà máy sản xuất khí hóa lỏng tự nhiên Yamal và nhà máy LNG 2 ở Bắc Cực cũng như đường ống Sức mạnh Siberia (Power of Siberia). Trong năm 2023, Nga và Trung Quốc cũng nhất trí tăng cường các nỗ lực hợp tác liên quan đến năng lượng và giao thông trong khu vực, hướng tới thành lập một tổ chức bảo trợ chung cho giao thông dọc theo NSR.

Các dự án khai thác và cơ sở hạ tầng hỗ trợ tạo nền tảng cho sự hợp tác Trung - Nga dọc theo NSR, và càng trở nên thức thời hơn trong bối cảnh Nga cần đầu tư và hàng hóa để chống đỡ các biện pháp trừng phạt của phương Tây, trong khi thứ Trung Quốc cần là nguồn lực và cơ hội. Thỏa thuận về dịch vụ vận chuyển các container LNG trên tuyến này giữa Arkhangelsk và Thượng Hải, được tổ chức và vận hành thông qua một mạng lưới phức tạp gồm các công ty liên kết nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, giúp Nga giải quyết tình trạng bị cô lập khỏi các thị trường phương Tây bằng cách tiếp cận mạng lưới hàng hải châu Á, đồng thời giúp Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng về phía Bắc và củng cố ảnh hưởng địa chính trị của nước này.

Tất nhiên, khi xét về mặt địa lý và thẩm quyền, Nga vẫn là bên nắm quyền kiểm soát. Tập đoàn Nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom) cung cấp các tàu phá băng hạt nhân cũng như đảm bảo giấy phép đi qua vùng biển Bắc Cực. Thỏa thuận thực thi pháp luật hàng hải mới ký năm 2023 giữa Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) và Cảnh sát biển Trung Quốc về lý thuyết nhằm mục đích chống khủng bố, di cư bất hợp pháp, buôn lậu ma túy và vũ khí cũng như các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp.

Trên thực tế, điều này có thể mở đường cho Trung Quốc tham gia các cấu trúc an ninh “mềm” tại Bắc Cực, điều mà trước đây Bắc Kinh có rất ít hoặc gần như không có cơ hội. Những nỗ lực của Nga nhằm chống đỡ sức ép trừng phạt của phương Tây và mong muốn của Trung Quốc nhằm đạt được ảnh hưởng địa chính trị là những lợi ích tìm thấy sự giao thoa mạnh mẽ ở Bắc Cực.

Tàu nghiên cứu phá băng Tuyết Long (Xue Long - Ice Dragon) đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng năng lực của Trung Quốc ở Bắc Cực kể từ những năm 1990.Ảnh: Natalie Tapson

Sóng dưới lớp băng

Từ rất nhiều năm trước, Bắc Cực vẫn luôn được xem là vùng đất nơi các cường quốc có thể cùng nhau vì lợi ích chung và sự hiện diện của Hội đồng Bắc Cực cũng được thừa nhận là mô hình phù hợp cho sự phát triển hài hòa, ổn định, bền vững của các thành viên gồm 8 quốc gia có lãnh thổ ở Bắc Cực là Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Nga và Mỹ. Tuy nhiên, cuộc chiến tại Ukraine đã càng khiến những động lực nguy hiểm trong khu vực thêm mạnh mẽ khi mối quan hệ Đông - Tây xung đột. Hoạt động của Hội đồng Bắc Cực chịu ảnh hưởng ít nhiều.

Việc Thụy Điển (có thể) và Phần Lan (đã thành công) gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) góp phần củng cố sườn phía Đông Bắc của liên minh, song lại là điều khiến Nga đặc biệt không hài lòng. Trong những năm tới, lực lượng của NATO chắc chắn sẽ cần tập trung nhiều hơn vào vùng High North, từ vùng Baltic đến biển Barents và Bắc Băng Dương. Giới hoạch định chính sách và tình báo Mỹ, cũng như phương Tây đều nhận định Bắc Cực có xu hướng trở thành một đấu trường mới, nơi hoạt động vùng xám rất có thể sẽ chiếm ưu thế.

NATO đang cân nhắc thiết lập và duy trì các cơ chế ngăn chặn quân sự ở phía Bắc Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, đồng thời phát triển các biện pháp ngăn cản nguy cơ can thiệp các vấn đề nội bộ, song phương và đa phương của các nước Bắc Cực.

Nga có lợi ích rõ ràng tại Bắc Cực nhưng Trung Quốc là một nhân tố mới và khó đoán. Trên thực tế, quan hệ đối tác Nga - Trung đang trên đà được đẩy mạnh có thể gia tăng những thách thức mà Mỹ phải đối mặt khi nước này bước vào kỷ nguyên cạnh tranh giữa các cường quốc mới. Trong nhiều thập kỷ, Mỹ tập trung vào việc chống lại các cuộc nổi dậy ở Trung Đông, Afghanistan và gần đây phải vật lộn tìm cách tái định hướng lực lượng để đối mặt với những xung đột tiềm ẩn khác.

Tháng 10/2023, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố chiến lược Bắc Cực mới, trong đó xác định an ninh quốc gia là trụ cột chính cho lợi ích của Mỹ trong khu vực, thậm chí ưu tiên hơn hẳn các vấn đề môi trường, phát triển kinh tế và hợp tác quốc tế. Diễn biến này phải chăng là tín hiệu cảnh báo một giai đoạn sóng ngầm dưới lớp băng dày nhưng đang tan chảy của vùng biển cực Bắc.

Việc tàu chiến của hải quân Na Uy thời gian gần đây xuất hiện nhiều hơn ở cảng Tromso ngay cửa ngõ dẫn vào Bắc Cực được nhiều người nhìn nhận như một thực tế rằng khu vực này không nằm ngoài sức nóng của những căng thẳng toàn cầu.

Ngược lại thời gian, tháng 9/2021, các tàu tuần tra Mỹ trên biển Bering và Bắc Thái Bình Dương chạm trán với các tàu Trung Quốc ở khu vực cách quần đảo Aleutian khoảng 50 hải lý.

Tháng 9/2022, tàu tuần tra cao tốc USCG Kimball đang thực hiện nhiệm vụ định kỳ trên biển Bering đã chạm trán tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường của Trung Quốc ở ngoài khơi đảo Kiska của Alaska. Thủy thủ đoàn sau đó phát hiện thêm 2 tàu hải quân Trung Quốc và 4 tàu hải quân Nga, trong đó có tàu khu trục.

Tháng 8/2023, 11 tàu chiến của Trung Quốc và Nga cùng nhau thực hiện một cuộc tuần tra hải quân chung gần Alaska, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp các tàu hải quân Trung Quốc đi vào hoặc tiếp cận vùng biển Bắc Cực. Tháng 9/2023, cư dân Tromso đã nhìn thấy một tàu ngầm của hải quân Pháp nổi lên từ vùng biển khu vực. Vài ngày sau, một tàu ngầm Mỹ cũng ghé Tromso...

Những tin tức như thế này có lẽ sẽ không còn quá xa lạ trong năm 2024.

Thái Hân

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/song-ngam-du-doi-duoi-lop-bang-tan-o-bac-cuc-i719724/