Sóng nhiệt kỷ lục 200 năm tấn công Đông Nam Á

Các chuyên gia cảnh báo những đợt sóng nhiệt nguy hiểm sẽ xảy ra ngày càng thường xuyên và khắc nghiệt hơn tại khu vực Đông Nam Á.

Tháng 4 đến tháng 6 thường là quãng thời gian nóng nhất ở Đông Nam Á. Tuy nhiên năm nay, nhiệt độ tăng cao tới mức chưa từng có trong lịch sử tại một số nước, bao gồm các trung tâm du lịch như Thái Lan, Campuchia, Malaysia.

Thái Lan ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục lịch sử 45,4 độ C hôm 15/4. Trong khi đó, nước láng giềng Lào ghi nhận nhiệt độ hơn 43,5 độ C trong 2 ngày liên tiếp hồi tháng 5. Tại Việt Nam, nhiệt độ cao kỷ lục 44,2 độ C được ghi nhận đầu tháng 5, theo CNN.

Hiện tượng thời tiết nguy hiểm tại Đông Nam Á

Maximiliano Herrera, chuyên gia lịch sử khí hậu cho biết những đợt sóng nhiệt "tàn bạo nhất" vẫn chưa kết thúc, chúng sẽ tiếp tục trong tháng 6.

Trong báo cáo mới công bố, liên minh các nhà khoa học World Weather Attribution cho biết đợt sóng nhiệt tháng 4 là sự kiện chưa từng xảy ra trong vòng 200 năm. Đợt sóng nhiệt này sẽ không xảy ra nếu như không phải bởi biến đổi khí hậu do hoạt động của con người.

Cái nóng gay gắt ở Đông Nam Á càng trở nên khó chịu và nguy hiểm hơn bởi không khí tại khu vực có độ ẩm cao.

Nhiệt độ kỷ lục ghi nhận ở nhiều nước Đông Nam Á. Ảnh: CNN.

Khi nhiệt độ ở ngưỡng cao, độ ẩm trong không khí khiến cơ thể con người khó tự làm mát.

Các bệnh liên quan tới nóng như đột quỵ, kiệt sức, gây ra những triệu chứng nghiêm trọng và có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt với những người bị bệnh tim, thận, béo phì, bà mẹ mang thai.

"Khi độ ẩm không khí rất cao, cơ thể sẽ liên tục ra mồ hôi giải phóng chất ẩm để tự làm mát. Nhưng bởi mồ hôi không thể tự bốc hơi, cơ thể sẽ ra mồ hôi cho đến khi mất nước nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn tới sốc nhiệt hoặc tử vong", Mariam Zachariah, chuyên gia biến đổi khí hậu Đại học Imperial College, cho biết.

Để hiểu về sự nguy hiểm của nóng ẩm, các nhà khoa học thường sử dụng khái niệm nhiệt độ "cảm nhận". Đây là phương pháp đo cảm nhận của cơ thể khi chịu tác động đồng thời của nhiệt độ và độ ẩm cao.

Nhiệt độ "cảm nhận" thường cao hơn vài độ C so với nhiệt độ ghi được, phản ánh chính xác hơn tác động của thời tiết lên cơ thể người.

Theo dữ liệu của Chương trình quan sát biến đổi khí hậu Copernicus Climate Change Service, trong thời gian tháng 4-5, các nước Đông Nam Á gồm Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Malaysia và Việt Nam có nhiệt độ cảm nhận tiến sát 40 độ C hoặc hơn trong tất cả các ngày.

Mức nhiệt trên duy trì trong thời gian dài được đánh giá là nguy hiểm, đặc biệt với những người có vấn đề về sức khỏe hoặc không quen với thời tiết nóng nực.

Thái Lan có 20 ngày tháng 4 và 10 ngày tháng 5 ghi nhận nhiệt độ cảm nhận vượt 46 độ C. Ở nhiệt độ này, cảm nhận nhiệt độ trở nên "cực đoan" và được coi là nguy hiểm cho con người, kể cả người khỏe mạnh đã quen với thời tiết nóng ẩm.

Campuchia, Lào, Malaysia và Việt Nam đều có nhiều ngày ghi nhận nhiệt độ cảm nhận ở mức nguy hiểm.

Hậu quả khó lường của biến đổi khí hậu

Nghiên cứu cho thấy bởi biến đổi khí hậu, nhiệt độ cảm nhận cao hơn 2 độ C so với mức nhiệt trong kịch bản nếu như không xảy ra ấm lên toàn cầu.

"Khi khí quyển ấm hơn, không khí sẽ giữ hơi ẩm nhiều hơn, như thế các đợt sóng nhiệt ẩm xảy ra sẽ thường xuyên hơn", ông Zachariah cho biết.

Các chuyên gia cảnh báo nếu ấm lên toàn cầu tiếp tục làm nhiệt độ tăng thêm 2 độ C, các đợt sóng nhiệt ẩm sẽ xảy ra thường xuyên hơn gấp 10 lần.

Nếu phát thải khí nhà kính tiếp tục tăng ở tốc độ như hiện nay, trong vòng 20 năm tới, tỷ lệ tử vong vì nhiệt ở Thái Lan sẽ tăng thêm 30 người/1 triệu dân. Con số này có thể tăng thêm 130 người/1 triệu dân vào cuối thế kỷ 21.

Với Myanmar , tỷ lệ trên là 30 và 520 người/1 triệu dân. Trong khi đó ở Campuchia, sẽ có thêm lần lượt 40 và 270 người/1 triệu dân tử vong vì nhiệt.

Người lao động phổ thông đối mặt nhiều rủi ro sức khỏe. Ảnh: CNN.

"Nghề nghiệp, tuổi tác, tình trạng sức khỏe, khả năng tiếp cận chăm sóc y tế, địa vị kinh tế xã hội, giới tính, tất cả yếu tố này có thể tác động tới mức độ dễ bị tổn thương trước sóng nhiệt", Chaya Vaddhanaphuti, chuyên gia Đại học Chiang Mai, nhận định.

Những người không đủ khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế, không có hệ thống điều hòa làm mát, hoặc những công việc nặng nhọc phải tiếp xúc trực tiếp với điều kiện thời tiết nóng ẩm, có nguy cơ sốc nhiệt lớn nhất.

Hơn 60% người lao động ở Đông Nam Á làm các công việc tạm thời, riêng ở Campuchia và Myanmar là 80%, theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Cuối tháng 4, Bộ Y tế Thái Lan phát đi báo động nhiệt độ cực đoan cho thủ đô Bangkok và nhiều khu vực trên cả nước, cảnh báo người dân ở trong nhà và đề phòng nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên với các lao động tạm thời, họ không thể nghỉ việc chỉ bởi thời tiết nắng nóng.

Supot Klongsap, công nhân xây dựng ở Bangkok, cho biết thời tiết năm nay đặc biệt khác thường, cái nóng khiến ông đổ mồ liên tục và cảm thấy kiệt sức.

"Tôi bắt đầu ra mồ hôi từ 8h sáng, khiến công việc thực sự nặng nhọc. Tôi cảm thấy kiệt sức bởi mất nước liên lục", Supot nói.

Các công nhân như Supot ngủ ngay tại công trường. Ngay cả vào ban đêm, thời tiết vẫn oi nóng khó chịu. Nhà tạm dành cho công nhân có tường và mái tôn, không có khả năng chống chịu trước cái nóng. Công nhân như Supot không đủ tiền để thuê những căn phòng có điều hòa.

"Chúng tôi phải mua đá cho vào đồ uống, đó là cách đơn giản để giải nhiệt", Supot cho hay.

Để đối phó thời tiết khắc nghiệt, chính phủ Thái Lan khuyến nghị người dân ở trong nhà, uống nhiều nước, mặc quần áo sáng màu và tránh một số loại đồ ăn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng thực hiện theo những khuyến nghị như vậy.

Tiến sĩ Chaya cho rằng cần một kế hoạch tổng thể để bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương trước đe dọa của biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học hiệp hội WWA khuyến nghị chính phủ các nước xây dựng các biện pháp toàn diện như hệ thống cảnh báo nhiệt sớm, các hệ thống làm mát thụ động và chủ động, quy hoạch đô thị và kế hoạch hành động chống nóng.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/song-nhiet-ky-luc-200-nam-tan-cong-dong-nam-a-post1437909.html