Sống ở Aichi

Những ngày tháng 4 này tại Công viên đại lộ Hisaya của tỉnh Aichi (Nhật Bản) đã diễn ra lễ khai mạc 'Lễ hội Việt Nam tại Aichi 2018 - TP HCM hội nhập và phát triển'. Theo Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường đây là hoạt động hết sức có ý nghĩa đúng dịp hai nước đang tiến hành nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và khi quan hệ hai nước đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất…

Lễ hội Việt Nam tại Aichi 2018.

Địa chỉ thu hút nhiều người Việt

Là tỉnh đông dân thứ 4 tại Nhật Bản, Aichi có nền kinh tế phát triển trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Cơ sở vật chất tốt, cuộc sống luôn được đảm bảo và quan trọng là mức thu nhập của người lao động tại tỉnh Aichi khá cao (820 yên/giờ). Có lẽ vì thế đây cũng là địa chỉ thu hút rất nhiều người Việt sang sinh sống và học tập và lao động. Hiện có 23.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại tỉnh Aichi, chỉ đứng sau Tokyo.

Tại Aichi có rất nhiều nhà máy, công xưởng may mặc, trong khi nguồn lao động nước này không đáp ứng đủ nên đây cũng là cơ hội việc làm cho các lao động người Việt Nam. Hơn nữa, nông nghiệp, xây dựng,… là những ngành khá đơn giản, không yêu cầu kinh nghiệm, thu nhập ổn định nên được rất nhiều người lao động tìm đến và họ đã không cảm thấy thất vọng khi sống, làm việc ở đây. Mạnh Hùng, một công nhân làm xây dựng ở Aichi chia sẻ.

Còn với chị Hồng Hạnh, hiện đang sống ở thành phố Nagoya, thì may mặc tại Aichi góp phần không nhỏ vào quá trình tăng trưởng kinh tế tại đất nước này. Chính vì vậy các công nhân làm may ở đây có cuộc sống khá ổn với mức thu nhập tương đối cao so với ở Việt Nam. Hiện với mức lương của một người có kinh nghiệm như chị Hạnh là 180.000 Yên/ tháng (tương đương khoảng gần 40 triệu đồng tiền Việt). Ngoài giờ làm việc theo quy định thì các công nhân ở đây sẽ được hỗ trợ làm tăng ca phù hợp với nhu cầu cũng như sức khỏe của bản thân.

Theo lời chị Hạnh thì phần lớn lao động ở đây có việc làm ổn định, thu nhập khá, đủ trang trải cuộc sống và dành dụm gửi về quê nhà. Nếu là du học sinh có thể làm thêm giờ và được trả lương theo thời gian, miễn là không được làm vượt qua mức thời gian quy định.

Nói về an ninh ở đây chị Hạnh cho biết, Nhật Bản nói chung và tỉnh Aichi nói riêng rất an toàn, những hành vi trộm cắp hay vi phạm tới an ninh đều bị xử lý nghiêm nên mọi người sống rất tuân thủ pháp luật, ý thức kỷ luật cao.

“Một điều vô cùng thú vị nữa là khí hậu thời tiết nơi đây cũng có 4 mùa rõ rệt như ở Việt Nam vậy. Tháng 5 khi mùa hè đến cũng là lúc hoa Chi anh nở rộ tạo thành thảm hoa rực rỡ vô cùng đẹp. Còn vào mùa thu, những hàng cây lá phong chuyển sang đỏ, vô cùng quyến rũ. Thêm một điều nữa, ở Aichi sẽ không có những mùa nắng nóng gay gắt hay lạnh buốt mặc dù mùa đông có lúc xuống đến 1 độ C. Với khí hậu như vậy nên Aichi rất thích hợp với người lao động Việt Nam sang đây sinh sống và làm việc” – chị Hạnh chia sẻ.

Quảng bá văn hóa Việt ở Aichi

Đây là một trong những lễ hội lớn nhất mà TP Hồ Chí Minh tổ chức tại nước ngoài trong tháng 4 này, nhằm giới thiệu đến công chúng Nhật Bản nói chung, tỉnh Aichi nói riêng các nét tiêu biểu của văn hóa Việt Nam và hình ảnh của TP Hồ Chí Minh hội nhập và phát triển.

Trong khuôn khổ lễ hội, các chương trình nghệ thuật ca, múa, nhạc dân tộc hiện đại đặc sắc, biểu diễn múa rối nước, giới thiệu ẩm thực, biểu diễn trang phục áo dài, nhạc cụ dân tộc... mang đậm nét truyền thống dân tộc Việt Nam và nét đặc trưng của TP HCM đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các bạn Nhật Bản. Những người bạn Nhật vô cùng hồ hởi, thích thú trước những màn múa rối sinh động. Họ cũng rất ngạc nhiên khi xem các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng lá dừa được tạo tác từ những đôi bàn tay khéo léo và sự tinh tế của các nghệ nhân Việt Nam.

Lễ hội bao gồm gần 30 gian hàng trưng bày triển lãm hình ảnh quảng bá về tiềm năng của TP Hồ Chí Minh trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các sản phẩm văn hóa như đất nặn, làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây, tre, lá dừa… Đặc biệt những trò chơi dân gian thu hút sự tham gia của rất đông bạn trẻ Việt Nam đang sinh sống và học tập tại Nhật Bản. Với các em, tại không gian văn hóa này, được hòa mình vào các trò chơi dân gian cảm giác như đang ở quê nhà Việt Nam vậy.

Chị Ngọc Hoài, hiện đang sống tại Aichi, xúc động cho biết, tôi dẫn bọn trẻ đến đây tham gia các trò chơi dân gian để các cháu hiểu hơn về văn hóa truyền thống của quê hương. Sang đây hơn 10 năm chưa có dịp về thăm nhà nên hoạt động này với chị Hoài vô cùng ý nghĩa, giúp chị vơi đi rất nhiều nỗi nhớ mảnh đất xứ Đoài. Chị cũng như nhiều bà con kiều bào ở đây mong muốn sẽ có thêm nhiều lễ hội như vậy được tổ chức, để người Việt Nam tại Nhật Bản được đắm mình trong không khí quê hương và qua đó, cũng là dịp giúp các bạn Nhật hiểu thêm về nét đẹp đất nước, con người Việt Nam.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP HCM hy vọng, những hoạt động này sẽ mang đến cho người dân Aichi những hình ảnh mới mẻ và trải nghiệm thú vị về bức tranh kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, du lịch của Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng, từ đó góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác gắn bó giữa chính quyền, nhân dân hai địa phương và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.

Còn bà Noriko Hirose - Trưởng Ban Tổ chức lễ hội bày tỏ mong muốn thông qua lễ hội, những người Nhật Bản ở tỉnh Aichi sẽ biết đến đất nước và con người Việt Nam nhiều hơn, cảm nhận đất nước Việt Nam là một nơi tươi đẹp; đồng thời những người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại tỉnh Aichi sẽ có dịp tham gia những hoạt động làm vơi đi nỗi nhớ quê nhà.

Ngọc Dương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kieu-bao/song-o-aichi-tintuc401644