Sống phập phồng bên miệng 'Hà bá'

Nhiều năm qua, 21 hộ dân ở Xóm Đáy, ấp Nguyễn Tăng, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), phải đối mặt với tình trạng sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng và tài sản nhưng chưa có giải pháp khắc phục…

Đến xóm Đáy, chúng tôi tận mắt chứng kiến “Hà bá” đang hàng ngày “ăn” đất của bà con khiến cả xóm vốn có diện tích khoảng 6.000m2 đất nhưng bây giờ chỉ còn trên dưới 1.000m2.

Ông Nguyễn Văn Mum (62 tuổi) cho biết: “Căn nhà của tôi xây dựng cách bờ sông hơn 100 mét nhưng bây giờ sông đã vào tới nền nhà. Phần nhà tôi mới cất lên được ít bữa thì đã bị sóng đánh lở nền nhà khiến cho hàng cột bị sụp xuống. Tính ra mỗi năm sông lấn đất ít nhất cũng từ 5-7 mét".

Sạt lở đã vào đến vào tận giường ngủ nhà ông Giúp.

"Năm nào cũng bị sạt lở, nhất là từ tháng 8 (âm lịch) đến tháng 12 là thời điểm triều cường nước dâng cao. Mỗi khi tới con nước, toàn bộ khu này ngập trong nước, có chỗ ngập sâu khoảng nửa mét, bà con phải kê cao đồ đạc nếu không muốn bị trôi mất. Cũng vì thường bị sạt lở nên chúng tôi phải cho đất vào bao làm bờ kè để gia cố hạn chế sạt lở nhưng không ăn thua. Nhiều gia đình bị hư nhà riết rồi không dám sửa lại, cứ cây lá, tấm nhựa che cho khỏi mưa nắng vì sửa xong lại bị sạt lở tốn kém lắm”.

Bà Phạm Thị Bay (70 tuổi, cư dân xóm Đáy), cho biết: “Bà con chúng tôi ở xóm này chủ yếu là người ở Bến Tre, do ở quê hương làm ăn khó khăn nên chúng tôi tìm đường sang Cù Lao Dung sinh sống từ những năm 1975. Lúc đó mình là người xứ khác đến, lại có nghề đánh bắt thủy sản nên bà con cùng ở chung một khu vực tạo thành xóm Đáy".

Bờ sông bây giờ vào tận đất nhà bà Bay.

"Xóm này nằm cặp bờ sông Hậu, cách cửa biển Trần Đề khoảng 2km. Hồi đó, cả xóm là một vùng đất rộng lắm, khoảng 6.000m2 đất nhưng bây giờ sạt ở riết chỉ còn chút xíu. Tính ra đến nay chúng tôi đã qua 5 lần dời nhà vì sạt lở. Nếu tôi nhớ không nhầm thì nền nhà cũ đầu tiên của tôi cách nền nhà cũ hiện nay trên 100 mét. Cứ sạt lở như đà này thì chỉ vài năm nữa là hết đất, lúc đó không biết ở chỗ nào nữa”.

Còn ông Nguyễn Văn Lĩnh (52 tuổi), chia sẻ: “Tôi sang đây ở từ năm 1975. Hồi đó nhà của tôi ở ngoài kia, cách nền nhà hiện nay trên 100m, nhưng bây giờ thì nơi đó đã thành sông sâu hàng chục mét. Khi bị sạt lở, bà con chúng tôi cũng tìm cách đóng cừ bằng cây dừa để chống lại nhưng không được. Bây giờ chỉ còn lại chút nền nhà này nữa, cứ đà này thì vài năm nữa là hết đất, không đi đâu”.

Dẫn chúng tôi vào nơi đặt chiếc giường ngủ của gia đình, ông Nguyễn Văn Giúp, cho biết: “Mấy ngày trước, cán bộ địa phương xuống khảo sát tình trạng sạt lở, cái giường này còn nằm trên mặt đất, nhưng chỉ vài ngày sau, nước đánh vào sạt nền nhà, sạt luôn khu vực đất nơi đặt giường thành ra cái giường cũng bị hổng mất một chân. Nền nhà của gia đình tôi bị nước đánh vào sạt hết xung quanh, đêm ngủ không yên vì sợ nhà có thể sập xuống bất cứ lúc nào”.

Căn nhà của ông Mum bị sạt lở nặng.

Quan sát chúng tôi thấy nền nhà ông Giúp đã bị sạt lở vào rất sâu, có mấy cột nhà đã bị hổng chân, từ nền nhà xuống đến mặt nước phải hơn 1m. Theo ông Mum, khu vực xóm Đáy có 21 hộ với khoảng 70 nhân khẩu đang sinh sống. Bà con sống chủ yếu bằng đánh bắt thủy sản gần bờ, phần lớn đều có hoàn cảnh khó khăn, một số hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nhà cửa của bà con tuềnh toàng, nhiều căn dột nát, trống trước hở sau.

Ông Trần Quốc Hoàng Kha, Chủ tịch UBND xã đại Ân 1, cho biết: “Khoảng 10 năm trở lại đây, triều cường kết hợp sóng to, gió lớn gây sạt lở với chiều dài gần 500m, vết nứt sạt lở lấn sâu vào đất liền khoảng 100m, có nơi lấn sâu trên 150m và phía trong bờ vẫn thấy vết nứt, vì vậy tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục xảy ra. Nguyện vọng của bà con là mong nhà nước có chính sách hỗ trợ cho bà con di dời vào trong đê bao, cất lại nhà ở để yên tâm lao động sản xuất,ổn định cuộc sống”.

Trước tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tiến hành khảo sát. Theo đánh giá ban đầu, nguyên nhân là do đoạn sông trên uốn cong, chủ lưu dòng chảy sông Hậu ép sát bờ, kết hợp nền đất yếu gây sạt lở. Theo đó giải pháp được chính quyền địa phương và ngành chức năng thống nhất là di dời người dân đến khu vực an toàn.

Một hộ dân ngao ngán khi di dời nhà nhiều lần mà vẫn không tránh được sạt lở.

Theo ông Võ Minh Thiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, qua khảo sát tình hình thực tế, Chi cục cũng có đề xuất với lãnh đạo các ban, ngành sớm có những chính sách ưu đãi để hỗ trợ cho bà con được di dời đến những nơi ở an toàn.

Đức Văn - C.Xuân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/song-phap-phong-ben-mieng-ha-ba-526068/