Sóng thần lan với tốc độ phản lực

SGTT - Trong ngày 28.2, sóng thần tấn công bờ biển nhiều nước và vùng lãnh thổ ven biển Thái Bình Dương. Cơn sóng thần này là hậu quả của trận động đất 8,8 độ Richter xảy ra tại Chile sáng sớm 27.2.

Châu Á – Thái Bình Dương Cơ quan Khí tượng học Nhật Bản ngày 28.2 thông báo các đợt sóng thần đầu tiên đã tràn vào nước này. Đợt sóng thần đầu tiên, cao khoảng 30cm, đã đổ bộ vào Nemuro thuộc đảo Hokkaido trưa ngày 28.2. Ngay sau đó, một con sóng thần khác, cao 1,2m, đã tràn vào thành phố cảng Kuji thuộc quận Iwate. Hình ảnh truyền hình cũng cho thấy một loạt những cơn sóng bạc đầu nhỏ đang di chuyển trên một con sông của thành phố Kamogawa, thuộc tỉnh Chiba, gần thủ đô Tokyo, mặc dù độ cao và nguyên nhân hiện chưa được xác định. Giáo sư Yoshinobu Tsuji, đại học Tokyo nhận định: “Những cơn sóng mạnh mới bắt đầu xuất hiện, đây chưa phải là đợt sóng cuối cùng”. Cùng lúc, đợt sóng thần đầu tiên trong đó con sóng cao nhất đo được là 0,8m cũng bắt đầu đổ bộ vào bán đảo Kamchatka và đảo Kuril thuộc Nga. Tuy nhiên, đầu giờ chiều ngày 28.2, Nga dỡ bỏ cảnh báo sóng thần vì đây là khu vực hẻo lánh, không có thiệt hại. Sáng 28.2, các đợt sóng thần cao tới gần 2m cũng đã tấn công một số khu vực của quần đảo Polynesia thuộc Pháp ở Thái Bình Dương, gây hư hại khu vực bờ biển và một số thuyền bè. Trong thời gian này, Úc và New Zealand cũng ghi nhận có sóng thần cao hơn 1m và đã đóng cửa các bãi biển, di tản người dân vào khu vực an toàn. Ngay sau khi trận động đất xảy ra, trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương đã gởi cảnh báo sóng thần đến 53 nước và vùng lãnh thổ ven biển Thái Bình Dương (không có Việt Nam). Giáo sư Roger Bilham, chuyên gia khoa học địa chấn đại học Colorado, (Mỹ) cho biết cơn sóng thần này lan khắp Thái Bình Dương và hướng đến châu Á với tốc độ của máy bay phản lực (khoảng 720km/h). Ông ước tính cột nước do sóng thần tạo ra trung bình sâu khoảng 4km. Hôm 27.2, tại Chile, cột sóng cao 40m đã tràn vào đảo Juan Fernandez khiến ít nhất bốn người chết và phá hủy thị trấn Talcahuano. Những đợt sóng lớn cao hơn 2m cũng tấn công đảo Robinson Crusoe khiến năm người chết và 15 người mất tích. Mỹ cho biết vẫn theo dõi chặt chẽ sóng thần tại khu vực quanh Thái Bình Dương sau trận động đất, dù một số bờ biển tại Mỹ và Canada đã dỡ bỏ cảnh báo sóng thần. Sóng thần cao 2,1m đã tấn công đảo Lớn của Hawaii sau 15 giờ xảy ra động đất, nhưng người dân và khách du lịch tại đảo này đã kịp di tản trước đó. Chính quyền Philippines cũng cảnh báo sóng thần và cho di tản hàng chục ngàn người dân ven biển tại 19 tỉnh thuộc bờ biển phía đông tới những địa điểm cao hơn. Sau trận động đất, khoảng 60 cơn dư chấn mạnh từ 4,9 – 6,9 độ Richter liên tiếp xảy ra tại Chile và một số nước lân cận. Hiện người dân tiếp tục phải ở tại các lều tạm ngoài đường phố và bãi đất trống vì lo ngại những trận dư chấn mạnh tiếp tục xảy ra. Lực lượng cứu hộ Chile đang tăng cường tìm kiếm người dân bị nạn trong các đống đổ nát. Số người tử vong được ghi nhận đã lên trên 300 người. Ước tính trận động đất này ảnh hưởng tới hai triệu người, hơn 500.000 gia đình mất nhà cửa. Riêng việc tái thiết Chile sau động đất tốn ít nhất 30 tỉ USD. Tổng thống Chile phải ban bố tình trạng thảm họa quốc gia tại 6/15 vùng trên cả nước. Trong hai ngày 27 – 28.2, nhiều trận động đất khác cũng được ghi nhận tại Argentina, Nhật Bản, Pakistan và Afghanistan, khiến một số người chết và bị thương. K.D (tổng hợp) Người Việt ở Chile an toàn Trao đổi qua email với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Văn Tích, đại sứ Việt Nam tại Chile cho biết: Cơn động đất được đánh giá lớn thứ hai trong lịch sử Chile, tác động đến một vùng rộng lớn từ Antofagasta ở phía bắc đến vùng Los Rios ở phía nam, ảnh hưởng tới 80% dân số của Chile. Theo thông tin sơ bộ, khoảng 1,5 triệu căn nhà bị hư hỏng, cơ sở hạ tầng, đường sá cầu cống bị sập, hệ thống đường sắt, tàu điện ngầm, bến cảng sân bay bị tê liệt. Đại sứ quán và nhà ở của cán bộ nhân viên cơ quan đại diện Việt Nam tại thủ đô Santiago không bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng một số đồ vật bị hư hỏng nhẹ. Ngoài cán bộ nhân viên của cơ quan đại diện Việt Nam tại Chile, có vài công dân Việt Nam làm ăn sinh sống ở thủ đô Santiago và khu mậu dịch tự do Iquique, nhưng không thuộc khu vực trung tâm động đất nên không có nhiều lo ngại đối với người Việt tại Chile.

Nguồn SGTT: http://www.sgtt.com.vn/detail30.aspx?columnid=30&fld=htmg/2010/0228/63536&newsid=63536