Sông Tô Lịch chuyển biến ra sao sau 6 ngày thử nghiệm công nghệ Nhật Bản

6 ngày sau khi bắt đầu thử nghiệm đặt những chiếc máy sục khí Nano và các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor của Nhật Bản, đoạn được chọn thử nghiệm trên sông Tô Lịch đã giảm mùi hôi nhiều

Ngày 22-5, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, sau 6 ngày thử nghiệm đặt những chiếc máy sục khí Nano và các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor của Nhật Bản, đoạn được chọn thử nghiệm trên sông Tô Lịch đã có sự chuyển biến tích cực.

Nhiều người dân sống gần đoạn được thử nghiệm cho rằng sông Tô Lịch đã có sự chuyển biến rõ rệt. Trước đây, đoạn này luôn trong tình trạng bốc mùi hôi thối nặng, nước sông luôn có váng, đen kịt nhưng vài ngày lại đây mùi hôi qua đoạn này đã giảm nhiều, nước cũng trong hơn mặc dù vẫn còn đen.

Các máy sục hoạt động liên tục

Các máy sục hoạt động liên tục

Trước đó, ngày 16-5, Hà Nội đã triển khai phương án thí điểm xử lý ô nhiễm, làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản. Dự án thí điểm do đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt thực hiện bằng nguồn tài trợ của Nhật Bản.

Tiến sĩ Tadashi Yamamura, chuyên gia Liên Hiệp Quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức các bon thấp Nhật Bản, Chủ tịch Tổ chức xúc tiến - thương mại môi trường Nhật Bản, cho biết công nghệ này gồm 2 thiết bị, đó là: Các máy sục khí Nano và các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor (được làm từ đá núi lửa của Nhật Bản).

Các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor sau khi được đặt dưới lòng sông sẽ kích hoạt được hầu hết các vi sinh vật ở cả hai dạng hiếu khí và kỵ khí. Các vi sinh vật này tiết ra rất nhiều enzyme làm điện li phân tử nước H-O-H, giải phóng ôxy từ nước, cung cấp nguồn ôxy vô tận cho thủy sinh, giúp nồng độ ôxy hòa tan trong nước (DO) tăng mạnh, là điều kiện thuận lợi cho các loài như cá, thủy sinh trong nước phát triển tốt.

Việc đặt các máy sục khí công nghệ Nano để tăng hiệu quả, tốc độ xử lý và giảm lượng bùn ở dưới đáy. Máy sục khí Nano của Nhật Bản tạo ra các bọt khí kích thước micro (đường kính nhỏ hơn 50 µm) và nano (đường kính nhỏ hơn 50 nm) rất nhỏ nên nó chìm xuống phần tầng giữa và tầng đáy của hồ có tác dụng phân giải các chất bẩn, bùn ở tầng giữa và tầng đáy.

Sáng 20-5, cán bộ của Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) đã lấy mẫu nước ở 3 điểm tại khu vực lắp đặt thí điểm công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản để phân tích, đồng thời tiến hành test nhanh chỉ số PH và TU.

Một số hình ảnh doBáo Người Lao Động ghi nhận tại đoạn được thử nghiệm trên sông Tô Lịch ngày 22-5:

Đoạn được chọn thử nghiệm công nghệ Nhật Bản đã giảm mùi hôi, nước cũng trong hơn

Người dân sống quanh khu vực sông Tô Lịch kỳ vọng về sự chuyển biến tích cực sau khi thử nghiệm công nghệ Nhật Bản

B.H.Thanh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/song-to-lich-chuyen-bien-ra-sao-sau-6-ngay-thu-nghiem-cong-nghe-nhat-ban-20190522141714512.htm