Sống trên... cột

Bất chấp khí hậu Tây Á khắc nghiệt, người tu hành khổ hạnh Simeon Stylite kiên trì ăn, ở, tu luyện trên đỉnh cột không mái che, tường bao.

Tàn tích Nhà thờ Thánh Simeon và cây cột chỉ còn lại phần chân của Simeon. Ảnh: Wikipedia.org

Bất chấp khí hậu Tây Á mùa Hè nắng thiêu đốt và mùa Đông lạnh cóng xương, người tu hành khổ hạnh Simeon Stylite (390 – 459 SCN) kiên trì ăn, ở, tu luyện trên đỉnh cột không mái che, tường bao. Suốt 37 năm, ông chỉ đổi từ cây cột này sang cây cột khác.

Thiếu niên “cuồng” khổ hạnh

Simeon chào đời tại Sis (nay là thị trấn Kozan, tỉnh Adana, Thổ Nhĩ Kỳ), là con trai một người chăn cừu. Kể từ năm 395 SCN, sau khi Đế quốc La Mã bị chia làm đôi, Sis thuộc Đông La Mã, nửa thịnh Thiên Chúa giáo.

Năm 13 tuổi, Simeon được đọc Chân phúc (Beatitudes) và lập tức mộ đạo, nhiệt thành theo đuổi đức tin. Trước khi 16 tuổi, Simeon đã vào tu viện, hướng tới mục tiêu trở thành linh mục.

Tuy nhiên, ngay từ khi mới bước chân vào đây, Simeon đã chủ trương tu hành khổ hạnh. Các hình thức tu luyện của Simeon vô cùng khắc nghiệt, thái độ thì hết sức cực đoan nên chẳng bao lâu, Simeon đã bị đánh giá là không phù hợp và “mời” rời khỏi.

Một thân một mình, Simeon vẫn tiếp tục lối khổ hạnh. Sau khi tự dựng túp lều nhỏ, Simeon vào ở và nhịn ăn hết cả Mùa Chay dài 40 ngày. Mọi người xung quanh nể phục và tung hô Simeon hết lời. Trừ khi tay chân đã mỏi nhũn, tự động gập khớp, không thì Simeon vẫn đứng thẳng, dang tay như cây thập giá.

Qua 1,5 năm sống trong lều, Simeon quyết định chuyển lên mỏm đá nổi bật nhất của núi Sheik Barakat, sống và tu luyện trong khoảng không gian chật hẹp, đường kính chưa đầy 20m.

Tuy nhiên, tin tức Simeon thành công nhịn ăn cả Mùa Chay đã vang xa, khiến nhiều tín đồ của đạo Thiên Chúa sùng bái, xem như thần thánh và muốn được gặp mặt, xin lời khuyên. Họ kéo nhau đến núi Sheik Barakat ngày một đông, quấy rầy sự thanh tịnh, buộc tu sĩ trẻ này phải rời khỏi mỏm đá.

Trên đỉnh cột, Simeon lặng lẽ thực hiện các tư thế tu hành. Ảnh: Dabestsk.live

Cuộc sống trên đỉnh cột

Trong lúc lang thang tìm nơi yên tĩnh, thích hợp tu hành khổ hạnh, Simeon phát hiện cây cột còn sót lại giữa đống nhà cửa đổ nát ở Telanissa (nay là Taladah, Syria). Nó cao hơn 3m và vừa hay, trên đỉnh lại có một bệ vững chãi, đủ đứng ngồi. Simeon trèo lên xem xét và ưng ý ngay. Để không bị rơi xuống, ông đóng lan can bao quanh. Xong xuôi, ông ở luôn trên đỉnh cột, không trèo xuống nữa.

Tất nhiên, Simeon vẫn cần ăn uống. Ông ăn chay và khẩu phần chỉ là một chút bánh mì và sữa dê. Các nam thanh niên sống gần cây cột của Simeon có trách nhiệm mang chúng đến cho ông mỗi ngày. Ban đầu, họ trèo lên đỉnh cột để đưa cho Simeon nhưng về sau, vì muốn hạn chế tối đa sự tiếp xúc, ông lắp ròng rọc và yêu cầu họ bỏ vào trong xô rồi tự kéo lên.

Lại một lần nữa, tin tức về Simeon và kiểu tu hành khác người vang xa. Lần này, đích thân các linh mục đến kiểm chứng. Họ ra lệnh cho Simeon phải trèo xuống trình diện, nếu không sẽ cưỡng ép lôi xuống và cấm không cho sử dụng cây cột nữa. Không rõ vì kính nể hay lo sợ, Simeon ngoan ngoãn trèo xuống, bày tỏ thái độ hết sức khiêm nhường. Cuối cùng, các linh mục không bắt bẻ gì nữa.

Phần lớn thời gian ở trên cột của Simeon là thực hiện các tư thế tu hành, trong đó có 2 tư thế chính là quỳ gối, dang rộng tay giống như hình thập giá và ngồi xếp bằng, cúi đầu thấp đến mức trán chạm chân. Một cư dân, vì hiếu kỳ, nên đã đếm xem ông có thể thực hành 2 tư thế này bao nhiêu lần. Sau lần thứ 1.244, người này bỏ cuộc.

Cứ sau một khoảng thời gian, Simeon lại đổi cột và cây cột tiếp theo luôn cao hơn cây cột trước. Diện tích không gian để ông sống trên đỉnh cột cũng nhỏ dần, cuối cùng chỉ còn khoảng 1m2 và không bao giờ có mái che.

Bất kể mùa Đông giá rét, tuyết rơi hay mùa Hè nắng như thiêu như đốt, Simeon vẫn lặng lẽ thực hiện các tư thế tu hành khắc khổ. Ngay cả khi bị lở loét ở đùi, ông vẫn không bỏ ngày nào.

Tổng cộng, Simeon đã trải qua 37 năm sống trên cột. Có vẻ như, thói quen khổ hạnh đã giúp ông duy trì được khả năng chịu đựng. Nhờ vậy mà dù suy dinh dưỡng trầm trọng, thân thể gày nhom, ông vẫn không bị xây xẩm mặt mày mà ngã xuống.

Tranh phác họa Simeon Stylite (390 – 459 SCN) sống trên cột. Ảnh: Amusingplanet.com

Danh bất hư truyền

Theo một tư liệu, cây cột cuối cùng mà Simeon sống cao hơn mặt đất 15m. Mục đích tu hành trên cột của Simeon là tránh né sự phiền nhiễu của mọi người nhưng, dù ông có ở cây cột nào, khách hành hương và tín đồ Thiên Chúa giáo ngưỡng mộ vẫn lũ lượt tới thăm.

Thường thì, Simeon chỉ dành buổi chiều để tiếp đón. Người muốn giao tiếp với ông leo lên bằng thang nhưng không được phép bước vào bên trong bệ, mà chỉ đứng ở lưng chừng. Thỉnh thoảng, Simeon viết thư hướng dẫn lối tu khổ hạnh. Ông có khá nhiều đệ tử, nhưng không ai theo nổi lối tu hành của ông.

Trái với phương pháp tu luyện khắc khổ tột độ, những lời thuyết giảng và khuyên nhủ của Simeon lại rất bác ái, ôn hòa. Ông hướng mọi người sống theo lẽ phải và không nên quá cuồng tín. Sự thánh thiện này khiến mọi người càng lúc càng yêu quý, tin tưởng ông hơn, gặp chuyện gì khó giải quyết cũng tìm đến xin ý kiến.

Tiếng thơm về Simeon bay đến tận tai Hoàng đế Theodosius II và Hoàng hậu Aelia Eudocia. Ai nấy nhất mực tôn trọng, kính cẩn lắng nghe từng lời nói của ông. Hình như, Simeon còn trao đổi thư từ với cả Thánh quan Genevìeve (422 – 512 SCN) của Pháp.

Có lần, Simeon bị ốm nặng và Hoàng đế Theodosius II đã cử hẳn 3 linh mục đến mời ông xuống khỏi cột để được các ngự y chăm sóc. Sợ đám đông quấy nhiễu, nhà vua cho dựng bức tường bao quanh. Phụ nữ, bao gồm cả mẫu thân của Simeon cũng bị cấm vượt qua.

“Nếu mẫu tử ta có duyên, kiếp sau ắt gặp lại”, Simeon nói với mẹ. Vì tôn trọng tín niệm của con, mẫu thân của ông lặng lẽ sống trong tu viện và cầu nguyện cả đời. Khi bà mất, người ta khiêng quan tài của bà đến dưới chân cột để cho ông được từ biệt.

Ngày 2/9/459 SCN, Simeon qua đời trên đỉnh cột trong tư thế ngồi xếp bằng, cúi thấp đầu. Đám tang của ông được tổ chức vô cùng long trọng, có vô số người đến tiễn đưa. Vài thập kỷ sau, người ta đã lấy cây cột cuối cùng mà ông ở làm tâm, xây dựng nhà thờ khổng lồ, rộng hơn 5 nghìn m2.

Ngày nay, tàn tích của nhà thờ và cả cây cột này vẫn còn. Nhà thờ có tên Nhà thờ Thánh Simeon còn cây cột có tên Pháo đài Simeon, nằm tại Aleppo, Syria. Vì bị quá nhiều khách hành hương đục đẽo lấy đá mang đi, cây cột chỉ còn lại phần chân.

Theo wikipedia.org

Thi An

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/song-tren-cot-post666778.html